14/11/2018 08:47 GMT+7

2 ngôi chợ bỏ hoang hơn 10 năm ở quận 9

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Dù nằm ở mặt tiền các tuyến đường lớn, vị trí đông dân cư nhưng 2 chợ Phú Hữu và Tân Phú (Q.9, TP.HCM) vẫn đìu hiu, bỏ hoang sau 13 năm xây mới.

2 ngôi chợ bỏ hoang hơn 10 năm ở quận 9 - Ảnh 1.

Chợ Tân Phú khang trang nhưng chẳng ai mua bán... còn chợ Phú Hữu (ảnh phải) có "thâm niên" bỏ hoang 10 năm - Ảnh: P.TUẤN

Chiều 9-11, chợ Phú Hữu (P.Phú Hữu, Q.9) nằm cạnh đường Nguyễn Duy Trinh khá yên ắng khi chỉ có vài quầy nước, tạp hóa bán ở ngoài mặt tiền chợ. Bên trong chợ đìu hiu, vắng vẻ, các kiôt hàng hóa để không, hoen gỉ, bụi bặm...

Bà Nguyễn Thị Ngọc, người bán nước giải khát lâu năm tại đây, cho biết chợ mới Phú Hữu được xây năm 2004. Thời gian đầu tiểu thương cũng có bán nhưng khá vắng khách. 

Những năm sau khách thưa dần, buôn bán ế ẩm nên các tiểu thương bỏ đi. Vì thế, chợ Phú Hữu bỏ hoang hơn 10 năm nay, cơ sở vật chất cũng xuống cấp theo thời gian.

Theo phòng kinh tế UBND Q.9, chợ Phú Hữu xây năm 2004 có kinh phí xây dựng 1,2 tỉ đồng với hi vọng thay thế các chợ tự phát trong khu vực. 

Chợ có 164 kiôt trên diện tích 2.000m2, nằm vị trí mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh - tuyến đường huyết mạch nối Q.2 với Q.9.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Phước Hùng - chủ tịch UBND P.Phú Hữu - cho biết chợ Phú Hữu khó thu hút người dân do vị trí tiếp giáp vòng xoay đường vành đai 2, các phương tiện xe container, xe tải nặng qua lại thường xuyên nên việc ra vào chợ rất nguy hiểm. 

Hiện chợ còn vài tiểu thương bám trụ lại bán tạp hóa, nước giải khát ở mặt tiền. Bên trong chợ xuống cấp nghiêm trọng, mái nhà, kiôt đều hư hỏng. Sắp tới phường sẽ có kiến nghị lên UBND quận để có hướng giải quyết hợp lý.

Trong lúc chợ Phú Hữu vẫn còn ít tiểu thương bán nước giải khát, tạp hóa trụ lại thì chợ Tân Phú (P.Tân Phú, Q.9) hiện bỏ hoang hơn 10 năm nay. 

Xây dựng năm 2004 với diện tích 4.000m2, gồm 340 kiôt, là địa điểm buôn bán được lãnh đạo địa phương kỳ vọng thay thế các chợ tự phát xung quanh khu du lịch Suối Tiên.

Tuy nhiên sau khi đưa vào hoạt động vài năm, vì nhiều lý do các tiểu thương dần bỏ chợ mà đi, để lại đống tài sản hư hỏng theo năm tháng. 

Hiện khuôn viên chợ Tân Phú xuống cấp trầm trọng, công trình phụ trợ hoen gỉ, sạp bán hàng hư hỏng... biến thành nơi tập kết rác và phế liệu của người dân.

Chị Nguyễn Thị Lành, bán tạp hóa gần khu vực chợ Tân Phú, cho biết lúc mới khai trương chợ hoạt động đông đúc, tiểu thương và người dân ai cũng háo hức. 

Nhưng do vị trí không thuận tiện, ngược đường trên xa lộ Hà Nội nên người dân dần ít đến chợ, tiểu thương phải bỏ đi. 

"Đi làm về, công nhân thường ghé vào các chợ tự phát quanh Khu công nghệ cao, xí nghiệp mua thức ăn nên ít ai đến chợ. Thêm vào đó, việc các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini mọc lên nhiều khiến chợ truyền thống càng khó khăn" - chị Lành nói.

Ông Huỳnh Văn Nam - phó chủ tịch UBND P.Tân Phú - cho biết chợ Tân Phú được xây mới nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, giao dịch của người dân trong khu vực vì chợ cũ bị giải tỏa xây dựng vòng xoay xuyên Á. 

Tuy nhiên, dân cư thưa thớt, giao thông bất tiện vì chỉ có con đường duy nhất dẫn vào chợ khiến việc buôn bán ế ẩm. 

Hiện phường đã có kiến nghị với UBND Q.9 thay đổi công năng, tiến hành xã hội hóa cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại để sử dụng hiệu quả mặt bằng.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên