09/11/2017 16:03 GMT+7

19 tỉ mét khối nước dội xuống, nguy cơ rình rập nhiều hồ chứa

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường khẳng định nếu không có hệ thống hồ chứa, lũ đã gây thảm hoạ lớn ở miền Trung.


19 tỉ m3 nước dội xuống, nguy cơ cao rình rập ở nhiều hồ chứa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý "đừng nghĩ giữ được an toàn hồ đến giờ mà chủ quan" - Ảnh: XUÂN LONG

Sáng 9-11, báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định "các hồ chứa đã trữ nước, cắt lũ hiệu quả".

19 tỉ m3 nước dội xuống miền Trung

"Đợt mưa vừa qua đã gây lũ với đỉnh lũ và đợt lũ lớn. Một số điểm lũ đã chạm ngưỡng lũ lịch sử năm 1999. Chúng ta nhớ năm 1999 lũ lớn chia cắt tới mức đã phải thiết lập cầu hàng không giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Khi đó, có tới 500 người chết và mất tích", ông Hoài nói.

Theo ông Hoài, đi kèm với bão số 12, một đợt mưa đặc biệt lớn đã dội xuống 19 tỉ m3 nước.

"Với lượng mưa đo được, theo đánh giá có những điểm mưa còn lớn hơn năm 1999, nhưng nhờ cơ sở hạ tầng, công tác chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đã có 6 hồ thuỷ lợi lớn và 30 hồ thuỷ điện tham gia vào việc vận hành cắt lũ trên 7 lưu vực ở miền Trung", ông Hoài cho biết.

Tuy nhiên, khi hạ du giảm lũ, các hồ chứa đầy nước, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đó cũng là lúc các hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

"Đối với các hồ chứa có tràn tự do, đây là nhóm hồ có nguy cơ mất an toàn rất cao, vì đa số là các hồ chứa nhỏ. Những hồ chứa này chủ yếu là đập đất, được xây dựng khoảng 30-40 năm trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu.

Hầu hết các hồ ở vùng miền núi, chủ yếu do cấp huyện, xã quản lý với trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trong điều kiện mưa, lũ cực đoan, cục bộ như hiện nay, khi nước tràn qua đỉnh đập đất, sẽ gây nguy cơ cao vỡ đập", ông Tỉnh báo cáo.

Trước thực tế trên, ông Tỉnh cho biết các địa phương đã tổ chức canh coi 24/24, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng cứu nếu xảy ra sự cố.

Đáng lo hơn, theo ông Tỉnh, hiện trên địa bàn cả nước còn số hồ rất lớn được đưa vào danh sách hồ xuống cấp.

"Cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu. Trong bối cảnh 100% các hồ chứa ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các hồ chứa ở Nam Trung Bộ đã đầy nước, trong khi mùa mưa ở Nam Trung Bộ chưa kết thúc, nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn hồ rất cao.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn hồ chứa thuỷ lợi, Tổng cục Thuỷ lợi đề nghị Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 3 nội dung:

- Thứ nhất, xem xét hỗ trợ kinh phí để sửa chữa khẩn cấp các công trình đang bị sự cố và hưng hỏng nặng để đảm bảo an toàn trong các đợt mưa, lũ tiếp theo.

- Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ dự án WB8 đã có danh mục 450 hồ của 34 địa phương, nhưng kinh phí năm 2017 mới bố trí được 20 tỉ đồng để thực hiện.

- Thứ ba, xem xét bố trí kinh phí sửa chữa, đảm bảo an toàn cho 750 hồ chứa còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có nguồn vốn", ông Tỉnh nêu.

Đừng nghĩ giữ an toàn hồ đến giờ mà chủ quan

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc chỉ đạo, điều hành, vận hành các hồ chứa vừa qua chỉ là kết quả bước đầu.

Ông Cường cảnh báo với hàng nghìn hồ chứa ở khu vực miền Trung, đặc biệt Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sau bão số 12 đều trong tình cảnh đã đầy nước, điều này không cho phép chủ quan trong mọi tình huống.

"Riêng đợt mưa vừa qua đã đổ xuống vùng này 19 tỉ m3. Riêng hệ thống hồ đã tham gia trữ nước, cắt lũ 12 tỉ m3. Số liệu này cho thấy nếu không có hệ thống hồ, vừa qua không biết thảm hoạ đến đâu. Nhưng ngược lại vừa qua, nếu không giữ được an toàn hệ thống hồ, chỉ cần rủi ro xảy ra ở một vài vị trí thì hậu quả cũng khôn lường", ông Cường chỉ rõ.

Nhắc lại việc vận hành hồ chứa vừa qua mới chỉ là kết bước đầu, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo còn nhiều nguy cơ rình rập khi cả hình thái thời tiết phức tạp còn từ nay đến cuối năm và cả sức chịu đựng của các hồ cũng có hạn.

Chỉ cần bất kỳ tác động dễ tổn thương nào cũng rất nguy hiểm. Vì thế, không phải giữ được an toàn hồ đến giờ mà chủ quan",

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Ông Cường cũng khẳng định sự tham gia trữ nước, cắt lũ, chia sẻ với hạ du của hệ thống hồ là rất tích cực. Tuy nhiên, chính đây cũng là nguy cơ vì các hồ chứa giờ đã tích rất đầy nước, trong đó tiềm ẩn nguy cơ rất cao ở các hồ xuống cấp, hồ đập đất xây dựng từ trước kia.

"Trước bão số 12 bộ đã cử 3 đoàn vào án ngữ ở trong các khu vực có hồ xung yếu, bây giờ cả ba đoàn vẫn phải ở lại. Nguy cơ rình rập về sự cố vẫn còn rất cao, tinh thần bây giờ vẫn phải cảnh giác cao độ vì đây vẫn là nỗi lo rất lớn. Đến giờ phút này vẫn rất lo hệ thống hồ chứa ở toàn tuyến từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ đến Tây Nguyên, thậm chí đến Đông Nam Bộ", ông Cường lưu ý.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên