28/04/2004 05:49 GMT+7

18 tuổi & cuốn tiểu thuyết 700 trang

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

TT - 14 tuổi, Nguyễn Thị Phương Thảo bắt đầu viết những trang tiểu thuyết đầu tiên. Nay 18 tuổi, Phương Thảo viết những dòng lưu bút năm cuối cấp cho các bạn cùng lớp 12A3 Trường THPT Hồ Xuân Hương (Hà Nội) và chuẩn bị khoe với mọi người 700 trang viết...

OG9QNysW.jpgPhóng to
Phương Thảo ở lớp học

Khoảng giữa tháng năm này, cuốn tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian của Phương Thảo sẽ ra mắt, NXB Phụ Nữ ấn hành. Thầy cô, bạn bè Thảo ngạc nhiên với điều đó. Chỉ có mẹ Thảo biết con mình đã bắt đầu sáng tác tiểu thuyết khi mới 14 tuổi, học lớp 8 trường Marie Curie.

Viết từ tưởng tượng và... mơ!

Một đêm, cô học trò Phương Thảo mơ thấy những hình ảnh về tám con rồng và câu chuyện về những mối tình thời xa xưa. Giấc mơ kết thúc dang dở đã khiến Thảo bị ám ảnh và thấy tiếc nuối. Thế là Thảo bắt đầu nảy ra ý định viết tiếp... giấc mơ.

Thảo bắt đầu ngồi gõ những dòng chữ đầu tiên lên máy tính. Câu chuyện tràn đầy tính tưởng tượng có không gian, thời gian từ xa xưa cứ ùa về một cách tự nhiên. Thảo cứ mải miết để những con chữ chảy tràn trên trang viết như thể nếu không viết liên tục thì mọi diễn biến của câu chuyện sẽ trôi qua hết.

Dịp Tết Tân Tỵ 2001, được nghỉ, dường như Thảo chỉ dành thời gian ở nhà để viết và bốn tập đầu tiên của cuốn tiểu thuyết được hình thành. Lúc này người duy nhất được đọc những dòng tiểu thuyết đầu tiên của Thảo chính là bố Thảo.

"Tôi là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với cuốn tiểu thuyết của em Thảo, hướng dẫn đưa đến nhà xuất bản và hiệu đính sách cho em.

Đọc tiểu thuyết em viết, cảm giác của tôi là sự kinh ngạc, trước hết vì em viết khi học lớp 8, sau đó là vì trí tưởng tượng hết sức phong phú của em. Tuy còn nhiều "sạn", nhiều chỗ cần phải sửa, nhưng Phương Thảo đã biết viết có lớp lang, cốt truyện với nhiều bộ phận đan cài khá hợp lý.

Tiểu thuyết này có tính truyền kỳ, nói đến sự đấu tranh của cái thiện - cái ác, những đau khổ - hạnh phúc của tình yêu.

Tôi đánh giá em Thảo có tư chất viết văn tốt và cũng khuyên em nên viết hướng đến cuộc sống thực nhiều hơn.

Cuốn Điệu nhạc trần gian dự kiến phát hành giữa tháng năm này. Thảo lấy bút danh là Hà Thủy Nguyên".

Ông Nguyễn Đình Phượng kể: "Tôi sửng sốt khi nghe con mình nói ý định viết tiểu thuyết. Hai vợ chồng tôi trước cùng làm trong ngành ngoại thương, nay đều về hưu, không ai viết văn viết báo gì cả. Thảo cũng được gia đình định hướng đi theo nghề của bố mẹ, chứ ai ngờ hằng đêm cháu vẫn thức khuya để viết tiểu thuyết".

Học đều tất cả các môn, trong đó môn nổi trội nhất của Thảo là văn và tiếng Anh. Thảo biết khá nhiều, tất cả là nhờ việc đọc nhiều sách. Thảo đọc bất cứ cuốn sách nào có được, đặc biệt là sách lịch sử, kiếm hiệp và thơ... tình!

Thảo nói: "Vốn sống của em hầu như chưa có gì. Hầu hết những gì em viết là sự tưởng tượng, tưởng tượng về quê em (huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An), tưởng tượng về mảnh đất kinh kỳ Thăng Long trong thời Lý, và tất nhiên là tưởng tượng cả về tình yêu trai gái đầy lãng mạn".

Quả thật, đọc tập sách mới thấy Thảo có trí tưởng tượng phong phú đến mức nào. Không gian, thời gian trong truyện của Thảo là thời Lý, tức cách đây khoảng 1.000 năm, nhân vật là lớp thanh niên thời đó với lý tưởng sống, với những thất bại và khát khao, trách nhiệm và tình yêu đối với đất nước, họ đã sống và yêu như thế nào...

"Món quà tặng tuổi học trò sắp đi qua!"

Thi tốt nghiệp lớp 9 xong, chuẩn bị vào lớp 10 là khoảng thời gian Thảo viết "kinh" nhất. Hàng trăm trang tiểu thuyết từ tập 4 đến tập 10 được Thảo viết trọn vẹn trong năm học lớp 10. Với một nhà văn, sức viết như thế là bình thường, nhưng với Thảo thì phải hết sức cố gắng vì hằng ngày Thảo vẫn phải đến lớp, làm nhiệm vụ của một bí thư Đoàn trường kiêm bí thư chi đoàn lớp.

Thế nên có những lần Thảo giấu bố mẹ thức suốt đêm để viết. Quãng thời gian trong tiểu thuyết của Thảo dài đến hơn 20 năm, chúng tôi đếm được khoảng 70 nhân vật, với khoảng 30 nhân vật thường xuyên xuất hiện. Những cuộc bài binh bố trận, chiến đấu trên mặt biển, trên đất liền, các thế võ cũng đều do Thảo... tưởng tượng.

Và một điểm khác có thể thấy trong tiểu thuyết của Thảo đó là sự giao hòa giữa thơ Đường, Tống của Trung Quốc và ca dao, tục ngữ VN khi Thảo đưa vào hơn chục bài thơ Đường, Tống và hơn 20 lần ca dao, tục ngữ VN. Đặc biệt, có khoảng 20 khổ thơ do Thảo tự sáng tác, và mở đầu, kết thúc của 50 chương tiểu thuyết đều... có thơ.

Bạn bè khi nghe nói Thảo đang viết tiểu thuyết thì không tin. Các thầy cô nghe nói cũng ngạc nhiên. Ngay đến nhiều nhà xuất bản, khi hai bố con Thảo mang bản thảo đến họ cũng không tin Thảo viết và từ chối in.

Có người biên tập trả lời: học sinh thì không thể viết tiểu thuyết. Cho đến bây giờ, nhờ có một số nhà văn, nhà phê bình đọc qua cuốn Điệu nhạc trần gian của Thảo thì cuốn sách này mới được đưa vào xuất bản.

Sắp in một cuốn tiểu thuyết, điều đó động viên Thảo rất lớn: "Em sẽ lại viết tiếp khi thi xong đại học. Cuốn tiểu thuyết đầu tay em coi như một kỷ niệm, một món quà tặng tuổi học trò sắp đi qua".

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên