30/11/2015 05:40 GMT+7

​17 năm chờ một ngày này...

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - 17 năm, đó là thời gian của một con người sinh ra và chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành. Còn trong thể thao, đó là quãng thời gian đủ để đào tạo nên ba thế hệ vận động viên.

Các CĐV cuồng nhiệt của đội Maseco - Ảnh: T.P.

Đưa ra một vài ví dụ như thế để thấy rằng 17 năm là một quãng thời gian không hề ngắn. Và chính vì không hề ngắn như vậy nên chiếc cúp vô địch bóng chuyền nam mà người hâm mộ bóng chuyền TP.HCM chờ đợi 17 năm mới trở nên một cuộc bùng nổ về tình cảm, khi đội Maseco TP.HCM chiến thắng trong trận chung kết tối 28-11.

Nói đến bóng chuyền nam TP.HCM, với những người ở lứa tuổi trung niên hẳn không thể quên được cái thời mà chỉ một giải vô địch TP thôi cũng đủ hấp dẫn người xem. Bởi ở đó luôn có vài ba đội bóng hàng đầu quốc gia như Seaprodex, Dệt Thành Công, Công An TP.HCM...Nói không quá lời, các hảo thủ của bóng chuyền nam TP.HCM ở thập niên 1980, 1990 thừa sức để lập... hai đội tuyển quốc gia! Thời ấy, tìm một vé đi xem bóng chuyền là cả một vấn đề.

Nhưng rồi bóng chuyền TP.HCM dần lụi tàn như bao môn thể thao khác của TP này. Nguyên nhân là các nhà quản lý đã không kịp chuyển đổi chính sách để bắt nhịp cùng thời thế. Nghĩa là khi kinh tế phát triển, đời sống người dân khá lên, ít bậc phụ huynh nào chịu cho con hi sinh việc học để theo thể thao. Trong khi đó, thể thao TP.HCM thì vẫn cứ bám mãi theo quan điểm tuyển sinh vận động viên năng khiếu phải là dân TP, không chịu “nhập khẩu” người ngoài, từ cầu thủ cho đến HLV.

Chỉ vài năm gần đây, quan điểm bảo thủ này mới được cởi bỏ và đã giúp một số môn, trong đó có bóng chuyền, khởi sắc. Cụ thể, trong đội tân vô địch Maseco TP.HCM, chúng ta thấy có không ít gương mặt không phải là dân TP! Ngay cả HLV, TP.HCM cũng chịu khó trải thảm để mời người ngoài. Nhưng quan trọng hơn tất cả đó là bóng chuyền TP.HCM tìm được một nhà tài trợ đã chịu gắn bó bằng tình yêu và trách nhiệm - Maseco chịu chi 15 tỉ đồng cho ba mùa liên tục, một số tiền không nhỏ đối với bóng chuyền.

Sau 17 năm té ngã, giờ đây bóng chuyền nam TP.HCM đã đứng dậy. Khi đứng dậy mới thấy được người dân TP.HCM không hề quay lưng với thể thao nói chung, bóng chuyền nói riêng. Cụ thể là đêm 28-11, đã thấy lại được hình ảnh của những thập niên 1980 - 1990, đó là chen chúc nhau đi xem bóng chuyền.

Rõ ràng, đừng nghĩ rằng người TP có quá nhiều phương tiện để giải trí nên nhạt tình với thể thao, đặc biệt là bóng chuyền. Miễn là làm thật tốt đi, người dân sẽ quay lại ngay. Và khi họ đã quay lại, hãy cố gắng đừng giội gáo nước lạnh vào tấm lòng yêu thể thao...

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên