28/11/2017 09:52 GMT+7

17 cơ quan bảo vệ trẻ, lúc cần vẫn không biết nhờ ai!

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Khi biết con mình bị đánh đập, chửi mắng kinh khủng, các phụ huynh cũng chỉ biết bức xúc bày tỏ sự thất vọng vì "đã đặt niềm tin nhầm chỗ".

17 cơ quan bảo vệ trẻ, lúc cần vẫn không biết nhờ ai! - Ảnh 1.

Bé B. (3 tuổi) là một trong những trẻ bị bảo mẫu bạo hành ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (P. Hiệp Thành, Q. 12, TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA

"Cực kỳ bức xúc" là chưa đủ

Chỉ một ngày sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh thông tin trẻ mầm non bị đày đọa dã man tại cơ sở Mầm Xanh (Q.12, TP.HCM), chính quyền TP đã đưa ra những giải pháp quyết liệt.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu yêu cầu triển khai không chậm trễ việc lắp camera tại tất cả các nhóm trẻ trên địa bàn TP. Phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang thì yêu cầu tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Công an quận 12 cho biết đã đủ cơ sở để khởi tố chủ cơ sở Mầm Xanh về tội hành hạ trẻ em.

Nhưng chuyện ở Mầm Xanh không phải cá biệt. Chỉ trong 4 ngày, trên cả nước còn xảy ra 4 vụ bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận khác: người giúp việc đánh đập tàn nhẫn em bé hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam; bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang bị nhiều vết bỏng nghi do bị cha ruột gí thanh sắt nung đỏ; bé trai 6 tuổi ở TP.HCM bị bảo vệ tổ dân phố nghi tâm thần cắt cổ; bé gái 20 ngày tuổi bị bắt cóc và nghi đã bị sát hại ở Thanh Hóa.

Và nếu nhìn vào những con số sau đây thì sẽ thấy tình trạng bạo hành trẻ em đang thực sự đáng sợ: Trung bình mỗi năm có 3.000-4.000 vụ bạo lực với trẻ em được phát hiện, trong đó có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị hiếp dâm, khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại.

Khảo sát nhóm trẻ 2-14 tuổi cho thấy có 74% trẻ từng bị cha mẹ, người chăm sóc trừng phạt bằng bạo lực; 24% phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết chồng họ có hành vi bạo lực với con cái.

Cùng lúc, đường dây điện thoại hỗ trợ trẻ em - đường dây nóng 111 - trung bình mỗi tháng nhận được khoảng 200 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trẻ em.

17 cơ quan bảo vệ trẻ, lúc cần vẫn không biết nhờ ai! - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Trong khi đó, theo Luật Trẻ em 2016, tại Việt Nam đang có tới... 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau, gồm tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp, Quốc hội, các bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục đào tạo, Văn hóa - thể thao và du lịch, Thông tin truyền thông, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...

Đặc biệt từ tháng 12 tới đây sẽ có thêm một tổ chức liên ngành có trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ trẻ em là Ủy ban Quốc gia về trẻ em, do phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch, thành viên gồm nhiều lãnh đạo cấp thứ trưởng của trên 10 bộ ngành.

Tuy vậy, mỗi khi có một vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra, thường là do báo chí và cộng đồng phát hiện, phản ánh, "cực kỳ bức xúc" vẫn là phản ứng chung từ những người trực tiếp bị ảnh hưởng cho đến đại diện các cơ quan chức năng.

Đã đến lúc "thôi nói mà hãy thực sự bảo vệ trẻ" như lời kêu gọi của bà Nguyễn Vân Anh - giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) - tại một cuộc tọa đàm gần đây về bảo vệ trẻ bị xâm hại tình dục.

Bởi vì hậu quả của bạo hành đối với trẻ em là lâu dài và ghê gớm hơn nhiều so với những vết thương trên cơ thể.

Bạo hành trẻ em: hãy một lần nhìn vào mắt trẻ! Bạo hành trẻ em: hãy một lần nhìn vào mắt trẻ!

TTO - Theo bạn đọc Trần Huy Minh Phương, đừng đổ thừa cho việc trẻ hư nói không nghe. Cũng đừng nên đổ lỗi vì thời tiết nóng nãy không kềm chế được. Trước khi ra tay đánh đập, người lớn hãy thử một lần nhìn vào mắt trẻ!

Bạo hành - nguồn gốc của tội ác sau này?

Tháng 4-2016, tòa án ở Đồng Nai xét xử một vụ án con giết cha với bị cáo H.T.V chỉ mới 21 tuổi. Một ngày cuối năm 2015, sau khi uống rượu, bố V. đến nhà mẹ V (hai người đã ly hôn 14 năm - PV) đòi tiền, mẹ V. không đưa và bị bố V. đánh. Để bảo vệ mẹ, V. đã cầm dao nhọn đâm chết bố.

Tại tòa, ông nội của V. cho hay người bố là kẻ vũ phu, nhiều lần cầm dao, tua vít đâm vào tay mẹ V., để lại những vết sẹo dài mà mẹ con V. chưa một lần dám phản kháng. Chủ tọa phiên tòa cho rằng những ký ức kinh hoàng đó đã hằn vào tâm trí V., khiến V. ở vào tâm trạng bị kích động mạnh khi phạm tội.

Thực tiễn có hàng trăm vụ án như thế, nơi người phạm tội là nạn nhân của bạo hành thân thể, tinh thần từ thơ bé.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần BV Bạch Mai - cho biết trẻ em là nạn nhân của bạo hành có thể gặp những rắc rối về tâm lý kéo dài, việc điều trị rất khó khăn.

"Trẻ bị bạo hành thường sợ hãi, thu mình, kém tự tin, ngại giao tiếp, về lâu dài có thể có những phản kháng bất lợi, như thô lỗ, cục cằn, dễ nổi nóng, dễ xung đột, không hợp tác…", bác sĩ Dũng nói.

Còn theo ông Nguyễn Công Hiệu - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ trẻ em, đơn vị quản lý đường dây nóng 111, trẻ bị bạo hành hoặc thường xuyên chứng kiến bạo hành gia đình có khả năng cao bị tổn thương về tâm lý và hành vi.

"Đã có những khảo sát cho thấy nhiều người phạm tội từng trải qua thời thơ ấu khó khăn, cô đơn, là nạn nhân của bạo hành hoặc bị đối xử không công bằng", ông Hiệu nói.

Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần phối hợp và có trách nhiệm trong phòng ngừa bạo lực trẻ em. Các vụ việc được phát hiện, công an, tòa án cần nhanh chóng điều tra, xử lý thật nghiêm các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ.

Ông Đặng Hoa Nam (cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH)

Mời độc giả xem các phóng sự của Truyền hình Tuổi Trẻ về cơ sở Mầm Xanh:

Bạo hành trẻ mầm non: Đủ chiêu trò đối phó với phụ huynh Bạo hành trẻ mầm non: Đủ chiêu trò đối phó với phụ huynh Phụ huynh bức xúc tìm đến cơ sở mầm non đày đọa trẻ Phụ huynh bức xúc tìm đến cơ sở mầm non đày đọa trẻ Kinh hoàng bảo mẫu đày đọa trẻ mầm non tại trường tư thục Kinh hoàng bảo mẫu đày đọa trẻ mầm non tại trường tư thục
LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên