Quần thể di tích cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận di tích văn hóa tháng 12-1993 |
Một cuộc hội thảo quy mô quốc gia đầu tiên bàn về một sự kiện đặc biệt của lịch sử Việt Nam xảy ra vào 130 năm trước: kinh đô Huế thất thủ (1885) và khởi phát phong trào Cần Vương (kéo dài đến năm 1896), được tổ chức tại Huế ngày 21-7 do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế tổ chức.
Dưới sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi và chỉ huy của thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết, đêm ngày 4 rạng 5-7-1885, quân đội triều đình nhà Nguyễn đã tấn công vào quân đội thực dân Pháp tại hai mục tiêu chính là tòa khâm sứ (ở bờ nam sông Hương) và đồn Mang Cá (ở đông bắc kinh thành).
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết quân đội triều đình có khoảng hai vạn quân với 1.100 khẩu súng thần công và tinh thần chiến đấu quả cảm nhưng đã không thắng được đội quân của Pháp chỉ có khoảng 1.400 quân với 17 khẩu đại bác nhưng trình độ quân sự chuyên nghiệp.
Đội quân thực dân Pháp đã nhấn chìm kinh đô Huế trong biển máu. Báo Tràng An xuất bản tháng 7-1935 ghi rằng: “Người chết không chỗ nào không có”.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng ngày 5-7-1885, nhằm ngày 23-5 năm Ất Dậu, là “ngày đau buồn tột cùng của người Huế”. Kinh đô thất thủ hoàn toàn vào tay người Pháp, vua Hàm Nghi rời kinh đô lên núi ra Quảng Trị và phát động cuộc kháng chiến chống Pháp dưới tên gọi Cần Vương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận