Ông Trần Trung Chi, người hiến gần 20m2 đất để mở hẻm 20 Cô Bắc và 270 Phan Đình Phùng, ở con hẻm khang trang hôm nay - Ảnh: TRẦN MAI
Năm 2007, quận Phú Nhuận, TP.HCM có chủ trương mở rộng cụm hẻm 270 Phan Đình Phùng, 127 Cô Giang và 20 Cô Bắc. Và những đổi thay thực tế mười năm qua, từ câu chuyện "người trong cuộc"...
1. Ông Trần Trung Chi, 74 tuổi, kể chuyện năm 2007, khi chính quyền phường 1 (quận Phú Nhuận) kêu gọi người dân hiến đất mở hẻm. Nhà ông Chi nằm ngay ngã ba hẻm 20 Cô Bắc - 270 Phan Đình Phùng, đồng tình chủ trương nhưng cũng rất "xót".
"Mở hẻm Phan Đình Phùng rộng lên 5,5m và hẻm Cô Bắc rộng 4m, nhà tôi mất gần 20m2, hẹp đi phân nửa. Vợ con cũng bức xúc nhưng vì cái chung, tôi vẫn quyết định. Ngày đó chỉ nghĩ: hẻm rộng, đi lại thông thoáng hơn. Ngôi nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ ngày xưa, tôi xin giấy phép cất thêm tầng. Tầng trệt buôn bán, mở tiệm sửa chữa điện máy. Trước kia đường nhỏ, con nít đi học về chỉ ở trong nhà, đâu có ra vui chơi như bây giờ..." - nhìn trẻ chạy chơi trước đường, nơi xưa kia là đất nhà mình, ông Chi kể.
2. Dọc theo cụm hẻm 270 Phan Đình Phùng, 20 Cô Bắc và 127 Cô Giang giờ nhộn nhịp, sung túc. Quán xá, tiệm tạp hóa đắt khách tấp nập, các tiệm dịch vụ đắt khách, cho thuê mặt bằng cũng "được giá". Chợ nhỏ Cô Giang (đoạn nối giữa hẻm 270 Phan Đình Phùng và 127 Cô Giang) có đến hơn 30 cửa hàng.
Câu chuyện đổi thay của cụm hẻm này được bà Lý Thị Thanh Thảo (57 tuổi) kể tường tận từ thời chưa mở hẻm, hẻm lúc đó chừng 2m, ẩm thấp, chỉ vài cửa hàng nhu yếu phẩm, mưa xuống phải dọn hàng đóng quán vì ngập. Năm 2007, lần lượt bà con hiến đất mở rộng hẻm, người qua lại đông hơn, sức mua lớn theo.
"Chừng ba năm nay, nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mọc lên. Dù vậy, với cửa hàng rau này, gia đình tôi vẫn đủ sống. Ở đây chỉ cần có mặt bằng mở cửa hàng bán là có khách hàng thôi" - bà Thảo tâm sự.
3. Không chỉ phát triển kinh tế của người dân, cụm hẻm này cũng trở thành lối thoát mỗi lần kẹt xe ở đường Phan Xích Long và Phan Đình Phùng. Hẻm rộng, hai ôtô con có thể dễ dàng lưu thông qua lại. Khi kẹt xe, người dân chung tay xếp gọn mọi thứ trước nhà, cùng giải quyết tình trạng ùn ứ ngoài đường lớn. Người dân thấy được từng mét vuông đất của mình có giá trị lớn với cộng đồng như thế nào.
Ông Phan Ngọc Bảo, chủ tịch UBND phường 1 (quận Phú Nhuận), cho biết ngày xưa cụm hẻm này nhỏ bé, ngập nước thường xuyên. Khi mở rộng hẻm, làm đường cống thoát nước lớn, giải quyết tình trạng ngập. "Mở hẻm không chỉ thông thoáng mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế. Cuộc sống người dân ba hẻm 270 Phan Đình Phùng, 20 Cô Bắc, 127 Cô Giang phát triển nhất trong các hẻm trên địa bàn phường 1. Kinh tế khấm khá, người dân mới thấy giá trị của việc mở hẻm là quý đến mức nào" - ông Bảo nói.
Vận động 67 hộ dân trong 6 năm
Đại diện UBND phường 3, quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ câu chuyện thực tế mở hẻm: để vận động 67 nhà dân hẻm 162 Phan Đăng Lưu hiến đất mở hẻm (giai đoạn 1), mất gần 6 năm (từ năm 2009 đến cuối năm 2014) phường mới vận động được đa số các hộ dân đồng ý. Khi mới bắt tay vận động người dân, phường gặp rất nhiều khó khăn. Cả bộ máy chính quyền, đoàn thể vào cuộc, vận dụng nhiều quy định để hỗ trợ, thuyết phục người dân. Mỗi gia đình một câu chuyện, một hoàn cảnh. Có những hộ phần hẻm giới chỉ đến sân nhà, diện tích đất rộng, nghĩ sẽ dễ vận động nhưng thực tế họ có nhiều lý do để không đồng ý...
Nhiều trường hợp vừa vận động vừa thực hiện giúp dân một số thủ tục hành chính về nhà, đất. Ví dụ như với năm nhà bị ảnh hưởng khi mở rộng hẻm (giai đoạn 2), UBND phường sẽ sắp xếp lại nhà, đất để người dân tái định cư tại chỗ, hỗ trợ dân cập nhật hiện trạng nhà trên giấy chủ quyền, có người xin hỗ trợ thủ tục xin phép xây dựng, thủ tục hoàn công nhà... Có trường hợp UBND phường thương lượng với ngân hàng, chủ nợ để sắp xếp cho người dân chuộc lại nhà. Những hộ nghèo, phường nhờ nhà hảo tâm hỗ trợ thêm tiền để người dân cất nhà kiên cố hơn, xây thêm tầng để tăng diện tích.
Cả hẻm đồng ý, chỉ còn một nhà
Vận động mở hẻm là một quá trình dài, dựa vào sự tự nguyện của người dân chứ không ép buộc, chế tài hay cưỡng chế. Ở các hẻm đã mở rộng có nhà của một anh không sinh sống tại địa phương, nhà cho thuê. Liên lạc bằng nhiều cách, cuối cùng phải nhờ đến UBND xã và công an ở tỉnh bạn (nơi anh này đăng ký hộ khẩu thường trú) mới tìm được số điện thoại người thân của anh. Anh đồng ý (qua điện thoại) về chủ trương hiến một phần đất mở rộng hẻm nhưng chờ hoài không thấy anh đến. Cán bộ phường tìm đến tận nhà anh ở quê, thuyết phục một ngày... Nhiều tháng sau, anh đến phường gặp lãnh đạo nhưng chỉ để... nghe thêm. Giờ cả hẻm đã mở rộng, còn mỗi nhà anh chưa đồng ý hiến đất.
Bà ĐOÀN THỊ THÚY PHƯỢNG (cán bộ địa chính phường 3, quận Phú Nhuận)
Nhà mình đẹp hơn, có giá hơn
Nhà nước đã có quy hoạch hẻm từ 10 năm trước. Còn trong quá trình vận động mở hẻm, đa số dân trong hẻm đồng ý hiến đất mở rộng, nhà mình không đồng ý cũng không được. Đoạn hẻm còn lại này (hẻm 440 đường Nguyễn Kiệm đã mở rộng một đoạn) chính quyền phải vận động cả năm trời mới thuyết phục hết người dân. Nhà tôi bị hẹp đi 10m2 nhưng bù lại hẻm đẹp hơn, nhà đất mình sẽ đẹp hơn, có giá trị hơn. Tôi mong làm xong thủ tục nhanh để tôi xây lại nhà mới.
Ông TRẦN VĂN SANG (người dân ở hẻm 440 đường Nguyễn Kiệm)
D.N.HÀ ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận