24/05/2012 05:05 GMT+7

1.001 kiểu móc túi của giới taxi

DÃ QUỲ 
DÃ QUỲ 

TTC -Theo tiết lộ của một cán bộ ở hiệp hội taxi TP.HCM thì nạn tài xế bắt chẹt, chở khách đi đường vòng để tính tiền cước cao hơn bình thường diễn ra như cơm bữa.

xqi4VpJc.jpgPhóng to

Đó là chưa kể đến nạn taxi “dù” thường dùng chíp để ăn gian tiền cước của khách, rồi còn cả chuyện lợi dụng khách cà thẻ (thanh toán bằng thẻ ATM ) sơ ý để ăn gian tiền. Nói chung là dân tài xế có đến 1001 chiêu để moi tiền khách.

Kiểu gì cũng bị “chém”

Có thể nói TP.HCM là địa bàn có lượng taxi đông nhất nước nên chuyện ra ngõ lơ tơ mơ bị taxi “chặt chém” không lạ.

Tôi có anh bạn làm tài xế một hãng taxi có tiếng gần chục năm, nay phải “gác kiếm” về quê nuôi vịt vì giá xăng tăng, công ty giao toàn xe cũ, chạy hao xăng nên thu nhập quá thấp. Anh cho biết giới tài xế có trăm phương ngàn kế để móc túi khách, mà ba trợn nhất là xe “dù” và xe thương quyền (xe tư nhân mua thương hiệu của hãng) nên dù có cảnh giác thế nào khách cũng bị “chém”.

Chẳng nói đâu xa, chỉ mới tuần trước tôi kêu taxi của hãng V đi từ nhà trọ ra bến xe Miền Đông, thay vì đi đường thẳng, tài xế lại cho xe đi đường vòng với lý do tránh kẹt xe; tưởng đâu đó là ý tốt của tài xế tôi cũng chấp nhận, thế nhưng tới gần bến xe, tài xế lại chạy tuốt qua cầu Bình Triệu rồi vòng trở lại với lý do là “sợ công an”. Đến khi về bến xe, tài xế vẽ đường tiếp “tập hai” bằng cách thay vì chạy vào cổng chính, lại chạy vào cổng phụ để tiền cước tăng thêm chút nữa. Rút kinh nghiệm, lần về tôi kêu taxi của hãng P; lên xe tôi chỉ đường cho tài xế, vậy mà anh ta vẫn giả điếc, chạy rong như thể bố anh ta là chủ cây xăng! Báo hại tôi phải trả tiền gần 200.000đ cho đoạn đường từ bến xe về nhà chưa tới chục km.

Bà T. - nạn nhân của taxi “dù” kể: “Vì công việc, tôi thường đi taxi từ nhà vào sân bay, và từ sân bay về nhà, lần nào lên xe cũng bị “chặt chém”. Nhưng bực nhất là lúc mình đang vội, mình hứa cho tiền bo và kêu họ chạy nhanh kẻo trễ giờ bay, nhưng họ vẫn cố tình chạy lòng vòng”.

Cũng bị tài xế chạy kiểu “mua đường” như bà T. là ông L. giám đốc chi nhánh ngân hàng A kể: “Vừa xuống sân bay, đang đứng đợi người nhà tới đón, tui để hành lý đó, chạy đi mua gói thuốc, đến khi quay lại thì gã tài xế đã chất hành lý lên xe rồi. Vô thế, tôi đành cắn răng ngồi lên xe và chỉ đường cho tài xế chạy, nhưng tài xế hết viện lý do tránh kẹt đường đến trốn công an để chạy lòng vòng. Về nhà nhìn đồng hồ tính tiền tui choáng váng khi thấy tiền cước gần triệu bạc! Phản đối thì tài xế đóng cửa xe không cho lấy hành lý, buộc phải thanh toán tiền mới mở cửa cho lấy”.

Theo một anh bạn làm tài xế cho biết đó là một trong các chiêu mà cánh tài xế thường dùng để ép khách đi xe. Rồi còn nhiều chiêu moi tiền khách “ác như con gà ác” như lúc chở bệnh nhân cấp cứu thì chạy chậm như rùa để đòi tiền bo; hay gặp khách có chuyện gấp hối chạy lẹ thì viện lý do sợ công an, khi khách bảo lãnh: “công an phạt tôi chịu” thì cố tình chạy ẩu, lấn tuyến để bị phạt thật, thường thì khi bị phạt, khách vẫn ngồi trên xe, chỉ có tài xế ra làm việc với công an, rồi nâng giá tiền phạt lên để kiếm lời, chẳng hạn như phạt một trăm thì nói hai, ba trăm, hoặc năn nỉ cho thoát bị phạt cũng làm bộ móc túi rồi nói đã nộp phạt để đòi tiền bảo lãnh của khách trắng trợn.

Kiểu “lấy mỡ nó rán nó”

Ngoài chuyện giở trò để gian lận tiền cước khách hàng, nhiều tài xế còn có cả chiêu để gian lận tiền của công ty như “cúp cò” móc ngoặc với nhân viên cây xăng để đổ xăng thiếu so với hóa đơn thanh toán lại với công ty và ngắt nguồn điện đồng hồ tính cước, lịch trình, bộ đàm để qua mặt công ty khi chở khách đi tỉnh, thậm chí là lấy xe công ty đi du hí. Những chiêu này gọi là “lấy mỡ nó rán nó”.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, tôi có dịp đi ké taxi chở bệnh nhân từ bệnh viện Chợ Rẫy về tỉnh B. Chuyện là một tốp tài xế hãng M nổi hứng lấy taxi đi chơi, nhưng vì muốn vừa đi chơi vừa có tiền đổ xăng nên một tài xế có nhiệm vụ đảo xe ra khu vực bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với taxi “dù” nhận chở bệnh nhân về tỉnh B với giá rẻ. Nhận được mối chở bệnh, đúng 12 giờ đêm xe xuất phát, vì đi không tính cước và né trạm thu phí nên tài xế tháo nguồn điện dẫn vào đồng hồ tính cước, bộ đàm, nên hệ thống đèn chiếu sáng cũng bị ngắt. Trời tối, hệ thống đèn chiếu sáng của xe chỉ như đèn pin lại chạy vào đường rừng cao su nên mấy lần chiếc taxi suýt bị xe tải chạy chiều ngược lại “hôn môi xa” ở những khúc cua. Đó là chưa kể hơn chục lần xe bị sập “ổ gà” sốc như xe ngựa, chịu đời không thấu, bệnh nhân phải than trời: “tui vừa xuất viện, mấy ông chạy kiểu này chắc chưa về đến nhà tui đã nhập viện lại!”.

“Đi chơi kiểu này vừa rẻ vừa sang, chỉ tốn hơn triệu bạc nộp cho công ty là coi như đạt doanh thu.” - Tài xế tên B. nói và cười khoái trá. Mà đúng là rẻ thật, vì nếu tính theo cước thì cả đi và về cuốc xe này hơn 3 triệu, nhưng tài xế ngắt nguồn điện hệ thống nên chỉ nộp hơn 1 triệu theo doanh thu, trong khi đó, bệnh nhân phải trả 1 triệu đồng cho cuốc xe này. Đang hứng chí B. kể tiếp: “Đợt giỗ tổ vừa rồi, tui với thằng H. lấy xe dọt về Vũng Tàu chơi, cả đi và về chỉ mấy trăm ngàn tiền xăng”. “Đi vậy công ty không biết à?” - tôi hỏi. “Sao mà biết được, thằng cầm tài, thằng ngồi trốn sau cốp, miễn sao tránh khỏi mắt thần là xe không “nhảy cò” (đồng hồ tính cước). Chơi đã, hai thằng lấy xe chạy một vòng kiếm khách chạy hợp đồng (tính cước theo thỏa thuận) về Sài Gòn để có tiền nộp cho công ty” B. kể giọng hào hứng. Và theo lời kể của B. trong giới taxi ở bãi K.V.C. Thủ Đức ai cũng biết đến tài xế L. vì có tài ăn gian tiền của khách khi cà thẻ. “Thằng đó nó hay lắm, cứ thấy khách nhậu tê tê hay khách nữ đi buổi tối mà tính tiền bằng cà thẻ, thế nào cũng bị nó cứa vài xị”. B. cho biết như thế.

Theo chúng tôi được biết thì các hãng có hình thức phạt rất nặng đối với tài xế ăn gian tiền khách bằng hình thức phạt tiền trừ vào lương, nhưng vì tiền ăn gian nhiều hơn tiền phạt là nguyên nhân để các tài xế như L. không biết sợ là gì.

“Mỗi tài xế một tháng chỉ chạy 15 ngày, tiền xăng tăng, tiền ăn chia với công ty giảm, tài xế không chơi chiêu thì lấy gì mà ăn”- D. một tài xế hãng H. biện hộ như thế. “Dân tài xế khổ lắm, ngày nào cầm vô lăng mới có tiền ăn cơm nhờ khách bo, chứ ngày xuống ca là đói”. - D. cho biết thêm.

Kinh tế khó khăn, thu nhập vẫn đứng xa nhìn giá cả nhích lên từng ngày cùng với sự quản lý lỏng lẻo của người có thẩm quyền là nguyên nhân để taxi “dù” tồn tại và cánh tài xế vẫn không ngừng “sáng kiến” các chiêu thức để moi tiền khách hàng và chính công ty của họ.

fvYFiLhm.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 452 (15-05-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

DÃ QUỲ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: taxi Phóng sinh sự