Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tại lễ mừng thọ 100 tuổi nhân dịp ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
“Nhiều phát hiện và tổng kết về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã đi vào đời sống nghệ thuật dân tộc, trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc
GS Hoàng Chương
Mịch Quang không chỉ là soạn giả của nhiều vở tuồng ấn tượng, mà còn là tác giả của nhiều công trình xuất sắc nghiên cứu chuyên sâu về tuồng.
Ông ghi dấu ở lĩnh vực sáng tác với những vở tuồng như Đường về Lam Sơn, Má Tám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Vua Hùng kén rể, Hộp truyền đơn, Phất cờ nương tử, Thanh gươm hát bội, Giấc mộng hồ hoa, Bà mẹ làng Sen… Trong số đó, vở tuồng Thanh gươm hát bội đoạt HCV tại Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 1990; kịch bản kịch thơ Vua Hùng kén rể không chỉ được sân khấu tuồng dàn dựng mà nhiều đoàn cải lương, múa rối cũng biểu diễn thành công. Đặc biệt, vở tuồng Má Tám là vở đã mở lối cho Nhà hát tuồng Việt tiếp tục thành công về đề tài hiện đại ngay từ những năm 1960, 1970.
Ở lĩnh vực nghiên cứu, không thể không nhắc đến những tâm huyết của ông ở các công trình: Tìm hiểu nghệ thuật tuồng, Đặc trưng nghệ thuật tuồng, Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc, Thân thế và sự nghiệp Đào Tấn… Ở tuổi U-90, ông còn công bố công trình Khơi nguồn mỹ học dân tộc (2003).
Các nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ sĩ... đã cùng khẳng định như thế tại Hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức sáng 27-1 tại Hà Nội.
Nhiều diễn giả đã cùng bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình trước tài năng, tâm huyết dành cho sân khấu dân tộc của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang (do sức khỏe không cho phép nên ông không thể đến dự buổi hội thảo) - với rất nhiều cách gọi: niềm tự hào của nghệ thuật tuồng Việt Nam hay người khơi nguồn mỹ học dân tộc, người lính giữ chủ quyền kịch hát truyền thống; lão tướng Mịch Quang - đại thụ mãi tỏa sáng, thần tượng sống động trong tôi...
"Những kịch bản của ông sáng tác từ ngôn ngữ đến cấu trúc, hình tượng nhân vật được ông đầu tư rất công phu, đặc biệt là nhân vật người phụ nữ.
Điểm mạnh của Mịch Quang là ông biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa những mảng miếng, trò diễn của tuồng truyền thống như Thượng thành, Qua ải, Ngũ biến... để nâng lên làm bà đỡ cho các lớp trò" - NSND Lê Tiến Thọ nói.
Ở lĩnh vực nghiên cứu, theo GS Hoàng Chương, trong lúc giới nghiên cứu tuồng chưa tìm ra nhiều định nghĩa về nghệ thuật biểu diễn tuồng thì Mịch Quang đã nêu ra lý thuyết "tự sự kịch tính trữ tình" và "hiện thực tả ý" từ cuối những năm 1960.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Trí Trắc chia sẻ: "Tôi đã tìm thấy cảm hứng và thích thú, kính phục ông trong suy nghĩ, lý giải những vấn đề "hóc búa" ở mỗi công trình.
Cũng vì các công trình của ông từ lý luận đến các vở tuồng đều mang tính phản biện rất cao và luôn là người phát hiện vấn đề. Đây chính là yếu tố quan trọng đã đưa Mịch Quang thành "đại bút" trong ngành nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại".
Dẫn chứng thêm về điều này, GS Hoàng Chương nêu ra chính Mịch Quang là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu và phát huy danh nhân Đào Tấn từ những năm 1960, trong khi người ta cố lãng quên Đào Tấn.
Tám mươi lăm tuổi ta tự phong
Hàm lão học sinh có được không
Học mãi học hoài còn thấy dốt
Viết rồi viết mãi vẫn chưa xong...
Những vần thơ khai bút được soạn giả, nhà nghiên cứu Mịch Quang viết dịp Tết Tân Tỵ cũng như chuyện ông được người trong nghề phong là "lão tướng tuồng", đại thụ... mà không có một danh hiệu GS, NSND... đã được nhiều diễn giả nhắc lại tại hội thảo.
Và đó cũng là bài học của "lão học sinh" Mịch Quang để nhiều người có thể cùng suy ngẫm về chí khí, niềm tâm huyết của một con người đã dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật dân tộc nhưng không màng đến danh lợi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận