19/09/2017 15:59 GMT+7

10 yếu tố nguy cơ tăng huyết áp

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

Có khoảng trên 90% bệnh nhân tăng huyết áp thường không rõ nguyên nhân. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh một số yếu tố nguy cơ quan trọng có thể làm huyết áp tăng cao như ăn mặn, hút thuốc lá, béo phì, uống nhiều bia rượu, ít vận

10 yếu tố nguy cơ tăng huyết áp - Ảnh 1.

10 yếu tố nguy cơ tăng huyết áp:

1. Ăn mặn

Người thường hay ăn mặn, có nhiều chất muối natri chlorure thì nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp càng cao. Tuy nhiên cũng có người ăn mặn, có nhiều chất muối nhưng không bị tăng huyết áp. Ở những gia đình có tiền sử tăng huyết áp, có thói quen ăn nhiều chất muối ngay từ khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ tăng huyết áp khi trưởng thành.

Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần thực hiện chế độ ăn giảm bớt chất muối thì có thể điều trị được bệnh. Chế độ ăn giảm bớt chất muối là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nếu thực hiện chế độ ăn nhạt dưới 6 gam muối mỗi ngày có thể làm giảm được huyết áp trung bình từ 4 đến 8 mm Hg.

2. Hút thuốc lá, thuốc lào

Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích, đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận khi một người hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tối đa, còn gọi là huyết áp tâm thu lên tới 11 mm Hg và huyết áp tối thiểu, còn gọi là huyết áp tâm trương lên tới 9 mm Hg và kéo dài trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 phút. Vì vậy, nếu trong sinh hoạt hàng ngày không hút thuốc lá, thuốc lào cũng là một biện pháp phòng bệnh tăng huyết áp.

3. Tiểu đường

Ở những người bị bệnh tiểu đường, tỷ lệ bị bệnh tăng huyết áp cao gấp đôi so với người không bị bệnh tiểu đường. Khi người bệnh có cả bệnh tăng huyết áp và bệnh tiểu đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng ở các mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với người bệnh tăng huyết áp đơn thuần. Vì vậy khi bị bệnh tiểu đường, cần phải điều trị tốt bệnh này để góp phần khống chế được bệnh tăng huyết áp kèm theo.

4. Rối loạn mỡ máu

Chất mỡ máu còn gọi là chất béo hoặc chất lipid máu. Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần mỡ của máu hay chính xác hơn là lipid máu. Nồng độ chất cholesterol trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch, dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và đây cũng chính là yếu tố làm tăng huyết áp. Cholesterol toàn phần bao gồm nhiều loại cholesterol, trong đó được nghiên cứu nhiều nhất là chất cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và chất cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C). Nồng độ LDL-C trên 3,0 mmol/dl là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Trái lại, HDL-C được xem là có vai trò bảo vệ. Hàm lượng HDL-C trong máu cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp nhưng tối thiểu nồng độ này phải cao hơn 1,0 mmol/dl. Vì vậy, cần ăn chế độ giảm lipid máu sẽ giúp phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng. Chú ý trong khẩu phần thức ăn hàng ngày không nên ăn mỡ và phủ tạng các loại động vật mà nên ăn nhiều rau, hoa quả tươi; ăn cá tươi ít nhất 2 lần mỗi tuần vì chúng có nhiều tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch.

5. Tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp

Theo thống kê của nhiều nhà khoa học, qua kết quả nghiên cứu ghi nhận bệnh tăng huyết áp có thể có yếu tố di truyền. Trong một gia đình, nếu có ông, bà, cha, mẹ bị bệnh tăng huyết áp thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn. Do đó, những người mà tiền sử gia đình có người thân bị bệnh tăng huyết áp thì cần phải cố gắng loại bỏ các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp, như vậy mới có khả năng có thể phòng tránh được bệnh tăng huyết áp.

6. Tuổi cao

Tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng nhiều do thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa, giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn; làm cho huyết áp tối đa hay huyết áp tâm thu tăng cao hơn, gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần.

Để phòng bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi, mỗi người cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh như làm việc có khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ, hạn chế ăn nhiều chất béo và các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá; thường xuyên tập thể dục... Nếu thực hiện được điều này sẽ làm chậm quá trình lão hóa và đây là một phương pháp gián tiếp để phòng bệnh tăng huyết áp khi tuổi cao.

7. Thừa cân, béo phì

Trọng lượng của cơ thể con người có mối quan hệ khá tương đồng với bệnh tăng huyết áp. Người béo phì hoặc người có tăng trọng lượng cơ thể theo tuổi cũng có thể làm tăng nhanh huyết áp.

Vì vậy, chế độ làm việc, ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên sẽ tránh được dư thừa trọng lượng cơ thể; đây cũng là biện pháp rất quan trọng để làm giảm nguy cơ tăng huyết áp, nhất là đối với những người cao tuổi.

8. Uống nhiều bia, rượu

Người uống nhiều bia, rượu quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp, việc uống bia, rượu quá mức sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ huyết áp; như vậy làm cho bệnh tăng huyết áp càng nặng hơn.

Ngoài ra, việc uống bia, rượu quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh nặng nề khác, từ đó gián tiếp làm tăng huyết áp. Vì vậy, không nên uống nhiều bia, rượu quá mức thì có thể phòng được bệnh tăng huyết áp.

Hàng ngày, mỗi người có thể uống được khoảng 300 ml bia hoặc 30 ml rượu mạnh hay 50 ml rượu vang. Nếu uống nhiều hơn sẽ tạo yếu tố nguy cơ mắc nhiều bệnh nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng.

9. Ít vận động thể lực

Người ít vận động thể lực hay có lối sống tĩnh tại cũng được xem là một nguy cơ của bệnh tăng huyết áp. Việc vận động thể lực hàng ngày đều đặn trong khoảng thời gian từ 30 đến 45 phút sẽ mang lại lợi ích rõ rệt trong biện pháp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng.

10. Căng thẳng, lo âu quá mức

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được những người bị căng thẳng thần kinh, lo âu quá mức hay bị stress sẽ làm tăng nhịp tim. Dưới tác dụng của các chất trung gian hóa học là adrenalin, noradrenalin làm động mạch bị co thắt dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, mỗi người cần rèn luyện cho mình tính tự lập, kiên nhẫn và luôn luôn biết làm chủ bản thân trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Nếu thực hiện được vấn đề này thì có thể hạn chế tối đa những căng thẳng, lo âu, stress xảy ra đối với mình, đồng thời đây cũng chính là một biện pháp phòng bệnh tăng huyết áp.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên