22/07/2018 10:09 GMT+7

10 nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc: nửa thế kỷ yêu thương và bất tử

LÊ ĐỨC DỤC - VĂN ĐỊNH
LÊ ĐỨC DỤC - VĂN ĐỊNH

TTO - “O Hường ơi! O Hường ơi!...”. Nghe tiếng chúng tôi gọi, cánh cổng ngôi nhà nhỏ trên đường Trung Tiết (thành phố Hà Tĩnh) hé ra. Một giọng phụ nữ xởi lởi: “Mấy chú ở mô mà biết tui? Vô nhà mau mau kẻo mưa ướt”.

10 nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc: nửa thế kỷ yêu thương và bất tử - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hường (o Hường) - người 50 năm qua lưu giữ những trang lưu bút của 10 thanh niên xung phong hi sinh ở Đồng Lộc - đi viếng đồng đội - Ảnh: HOÀI DUY

Đợi khách an vị trên bộ bàn ghế giữa nhà, o (cô) lại hỏi: "Răng biết tui tên Hường? Biết tui có liên quan với mấy o thanh niên xung phong (TNXP) Đồng Lộc mà hỏi?"... Tất cả chỉ là một cơ duyên.

Tuổi 20 còn trong trang lưu bút

Ba mươi phút trước đó, trên chuyến xe từ thành phố Vinh vào Đồng Lộc, dừng ở ngã ba Nghèn, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của một người bạn. Anh cho biết có quen một người phụ nữ từng là thanh niên xung phong, và có giữ một cuốn sổ lưu niệm có thủ bút của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong Đồng Lộc hi sinh ngày 24-7-1968.

Câu chuyện về sự hi sinh của 10 nữ thanh niên xung phong chúng tôi đã nhiều lần nghe kể. Đến viếng khu tưởng niệm cũng nhiều lần. Nhưng câu chuyện về cuốn sổ có những dòng chữ trìu mến của các cô TNXP thì là lần đầu tiên. 

O Hường sau khi hỏi han, biết chúng tôi là nhà báo, mới cẩn thận vào phòng lục tìm rồi mang ra cuốn lưu bút với những dòng chữ viết trong ngày chia tay o tròn 50 năm trước: "Cuốn sổ gốc tui tặng cho khu di tích rồi. Đây là bản photo thôi, nhưng chữ còn rõ ràng lắm!".

Đưa tay chỉ vào từng trang, từng trang, o Hường rành rọt: "Đây là đoạn chị Cúc viết cho tui nè, đây là đoạn của Rạng viết nè. Bom trên đạn dưới rứa mà viết đọc nghe lãng mạn không chú nhà báo?". 

Rồi o đọc, chất giọng Hà Tĩnh rưng rưng: "Rạng nhớ những buổi hoàng hôn, những đêm trăng sáng hai ta cùng nằm giữa sân nơi mảnh đất Phú Lộc, hai ta nói chuyện về tương lai tuổi trẻ và cuộc đời của ta tới sau này...". 

Và đây là lưu bút của chị Cúc: "Đầu đội pháo sáng, chân đạp bom bi, chúng ta đi khi Đảng cần dân gọi...". Tập giấy mỏng manh trên tay o Hường run lên.

"Đây là cuốn sổ lưu niệm của tui khi ở tiểu đội 4 thanh niên xung phong của đại đội 552-P18 với mấy chị Tần, Xuân, Hợi, và mấy bạn Hường, Hà, Rạng, Xuân, Xanh, Nhỏ... Một tuần trước khi cả tiểu đội hi sinh, tui được trên điều động lên xã Trường Lộc để lập một khung cán bộ chuẩn bị vô tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị). 

Thời chiến, ở mô chẳng có đạn bom gian khổ, hi sinh, nhưng khi nhận lệnh rời tiểu đội vô Nam, cả mấy chị em ai cũng thương. Ai cũng nghĩ càng đi vô phía trong, càng gần địch, gian khó hơn, dễ hi sinh hơn, nên khi viết lưu bút cho tui ai cũng thương yêu, động viên. 

Rứa mà mấy dòng lưu bút chưa ráo mực thì người hi sinh lại là mấy chị em ở lại chứ không phải người ra đi như tui..." - người phụ nữ mái tóc điểm sương rưng rưng.

O Hường ngưng một lúc, nén xúc động rồi nhớ lại: "Tui gắn bó với tiểu đội đúng 8 tháng. Tui quê Đức Thọ, tháng 11-1967 xung phong vô TNXP nhưng phải khai gian cho được 18 tuổi, chứ lúc đó mới 16. Chừ tính theo tuổi khai để đi TNXP nên coi như sắp tròn 70 tuổi rồi".

Ngay khi vào TNXP, về nhận đơn vị đúng ngay tiểu đội 4 đó. "Tiểu đội có hai người tên Hường, tui là Nguyễn Thị Hường, còn o Trần Thị Hường thì hi sinh. Nếu không có chuyện điều động về Trường Lộc để chuẩn bị vô Nam thì chiều 24-7 đó chắc tui cũng hi sinh cùng cả tiểu đội rồi" - người cựu thanh niên xung phong ngậm ngùi. 

Từ Đồng Lộc, o Hường vô tuyến lửa Vĩnh Linh, đi theo các tuyến đường từ tháng 8-1968 cho tới năm 1971 ra lại Hà Tĩnh rồi về công ty thương nghiệp cho tới năm 1990 thì hưu.

Chiều 24-7 đó, khi loạt bom làm hi sinh trọn cả tiểu đội, chỉ một lúc sau là tui nhận tin. Từ Trường Lộc nhìn về Đồng Lộc, nghe đồng đội hi sinh, nước mắt cứ chảy mà không được phép chạy về thăm...

Cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Hường

O Hường kéo áo lau nước mắt: "Mấy chú có biết chuyện chị Tần không? Sau khi chị hi sinh, người yêu chị Tần lấy vợ. Người vợ ấy đã thờ ảnh chị Tần - người yêu của chồng - ngay trên bàn thờ gia đình".

10 nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc: nửa thế kỷ yêu thương và bất tử - Ảnh 3.

Bà Võ Thị Minh sửa soạn làm giỗ cho liệt sĩ Võ Thị Tần - tiểu đội trưởng tiểu đội 10 thanh niên xung phong Đồng Lộc - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Thờ người yêu của chồng

Dù đã được nghe o Hường kể, nhưng khi gặp bà Võ Thị Minh, 70 tuổi, ở thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), chúng tôi vẫn thấy ngạc nhiên khi trên bàn thờ gia tiên của gia đình bà Minh có di ảnh liệt sĩ Võ Thị Tần - tiểu đội trưởng tiểu đội 10 TNXP Đồng Lộc. 

Chồng của bà Minh - ông Nguyễn Đức Hồng - là thương binh. Ông Hồng vừa mất được hơn 6 tháng vì bị tai biến mạch máu não. Ông là người yêu của chị Võ Thị Tần.

Bà Minh kể về mối tình của chồng mình và chị Tần mà thiết tha như chuyện tình mình. Bà bảo tình yêu của chồng bà và chị Tần rất lãng mạn, rất đẹp. Người làng sau này vẫn nhắc. Gia đình chồng bà Minh và gia đình chị Tần đúng là "cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn". 

"Anh Hồng hơn chị Tần một tuổi nên từ nhỏ hai người là đôi bạn thân. Lớn lên, hai người từ bạn thân thành người yêu" - bà Minh kể.

Năm 1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Lúc đó chàng thanh niên Nguyễn Đức Hồng đã phải gác lại mọi chuyện, làm đơn xin tham gia vào chiến trường. 

"Ngày anh Hồng lên đường nhập ngũ, chị Tần tới cầm tay anh Hồng, lấy từ trong túi áo trao cho anh một bức ảnh và lọn tóc thề. Anh Hồng tặng lại cho chị chiếc lược trắng. Trao kỷ vật xong, cả hai nhìn nhau không nói nên lời. Anh Hồng vào Quảng Trị, chị Tần ở lại ngã ba Đồng Lộc" - bà Minh kể tiếp.

Đến cuối năm 1968, anh Hồng được điều động ra Bắc học, sau gần một tuần hành quân bằng đường bộ từ Quảng Trị đã về đến quê nhà. Khi đi qua cầu Nghèn (Can Lộc) thì bị giữ lại vì nghi ngờ là quân đào ngũ. 

Khi anh đang giải trình thì một người cùng làng lúc đó đang sửa lại cầu Nghèn báo cho anh biết tin chị Tần làm nhiệm vụ thông đường tại tuyến lửa ngã ba Đồng Lộc đã hi sinh. Cầm trên tay tấm ảnh và lọn tóc thề của Tần, nước mắt anh Hồng giàn giụa.

"Mặc dù chưa cưới, nhưng chồng tôi xem chị Tần như là vợ. Khi vợ chồng tôi cưới nhau thì lập bàn thờ và rước di ảnh chị Tần về thờ trang trọng trong nhà. 

Nay chồng tôi mất, cứ đến ngày rằm, mồng một tôi lại lo hương khói cho chị ấy. Đến ngày giỗ của chị Tần, tôi và các con sửa soạn làm mâm cơm để cúng. Chị Tần mất đã 50 năm rồi" - giọt nước mắt rơi trên gương mặt người phụ nữ già nua...

10 nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc: nửa thế kỷ yêu thương và bất tử - Ảnh 4.

Một trang lưu bút của chị Trần Thị Rạng viết cho o Hường, trước khi o chia tay tiểu đội vào chiến trường Quảng Trị - Ảnh: L.Đ.DUC

Miền đất anh hùng

Sự kiện Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã đi vào lịch sử vệ quốc như một địa danh huyền thoại, là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hi sinh cao cả của 10 cô gái trẻ TNXP cũng như lực lượng TNXP trong cả nước.

Trong những năm chiến tranh, ngã ba này là mạch máu giao thông từ hướng Bắc để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Những năm 1964-1972, nơi đây bị đánh phá ác liệt nhất.

Riêng từ tháng 4 đến tháng 10-1968, ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh trên 3 quả bom.

Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc trở thành khu di tích lịch sử cấp quốc gia, được đầu tư xây dựng khang trang để tưởng niệm hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc - Nam trong những năm bom đạn.

Những dòng thao thức

Từng trang, từng trang, sau 50 năm kể từ ngày các cô hi sinh, những dòng chữ vẫn lay động thao thức. Rất nhiều dòng lưu bút được viết bằng thơ, những câu thơ gieo vần trúc trắc, giọng chân chất mộc mạc nhưng vẫn hình dung được không khí của tuổi trẻ, của tuổi hai mươi những ngày Tổ quốc lâm nguy.

"Cứ tờ mờ, tầm 5h cả tiểu đội ra hiện trường san lấp hố bom, tu bổ những chỗ bị bom đạn làm sạt, thông đường cho xe qua. Chuyện túi bom túi đạn của tuyến đường không kể nữa, nhắc nhiều rồi.

Làm từ tinh mơ đến tầm 10h về nghỉ ngơi, hôm mô không bị máy bay oanh tạc thì tranh thủ học văn hóa, chiều lại ra đường, trực chiến hàng tháng hàng năm như thế. Mà không ai thấy cực. Ai cũng lạc quan. Đây nì, chị Cúc viết dặn dò tui: Nhớ giữ vững và phát huy tinh thần tiểu đội 4" - o Hường rà tay lên con chữ.

Bà ngân ngấn nhớ đồng đội của mình: "Tui thương nhất là chị Cúc. Chị thiệt thòi lắm, sớm mồ côi cha, dáng đi của chị khi nào cũng tất bật, coi dáng đi thấy ngay số chị khổ nhưng mà chị lại chu toàn lo lắng.

Khi đi ra hiện trường về, cuốc xẻng bị long ra, chị lại thức kỳ cạch chêm nêm cho chắc. Báo động, bao giờ chị cũng là người chạy vào hầm sau cùng. Vì rứa nên khi bị bom vùi, chị được tìm thấy muộn nhất".

Lễ giỗ 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc Lễ giỗ 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc

TTO - Ngày 24-7-1968, một quả bom Mỹ đã đánh trúng tiểu đội 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc, vùi lấp 10 cô trong khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom.

LÊ ĐỨC DỤC - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên