![QdYzclQN.jpg](http://static.tuoitre.vn/tto/i/s626/2004/04/17/QdYzclQN.jpg)
![IeGkn4i4.jpg](http://static.tuoitre.vn/tto/i/s626/2004/04/17/IeGkn4i4.jpg)
Tổng quát, hàng điện tử Samsung đã trở thành một trong những thương hiệu mà người tiêu dùng bắt đầu quan tâm khi chuẩn bị mua sắm, giữa các thương hiệu quen thuộc Nhật.
Reuters (12-4-2004) cho biết Samsung - hãng sản xuất chip bộ nhớ hàng đầu thế giới và thứ ba toàn cầu về điện thoại di động - có thể đạt doanh thu 3.030 tỉ won (2,65 tỉ USD) trong quí 1-2004, tăng 168% so với cách đây một năm. Sự lấn sân ào ạt của Samsung trong thị trường điện tử nói chung đã làm bùng nổ cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ Nhật và Trung Quốc.Cách đây không đến một thập niên, Samsung suýt tan tành bởi cú sốc tài chính châu Á dẫn đến tình trạng sụp đổ hàng loạt chaebol (tập đoàn) Hàn Quốc.
Bốn bước chấn chỉnh
Người có công đầu trong chiến dịch chấn hưng Samsung là Yun Jong Yong (tổng giám đốc điều hành kiêm phó chủ tịch). Một trong những điều đầu tiên được Yun thực hiện là nghiên cứu mô hình quản trị của các công ty Mỹ (trong đó có General Electrics), loại bớt quan niệm truyền thống về sử dụng nhân viên suốt đời và cung cách tôn kính cấp trên một cách mù quáng. Và người ta cũng có thể bất ngờ khi biết rằng một nhà quản trị kinh tế như Yun lại đam mê văn học. Tuy nhiên, Yun không đọc để thư giãn. Một trong những tác giả được Yun nghiên cứu kỹ là vua tiểu thuyết kinh dị Stephen King. Nền tảng chiến lược cải tổ của Yun Jong Yong là phá vỡ tư tưởng cũ và hình thành ý tưởng mới bằng cách chủ động tạo ra hỗn loạn. Đầu tiên Yun sa thải 1/3 công nhân (khoảng 24.000 người) và thay một nửa quản trị cấp cao. Từng làm việc cho Samsung ba thập niên, Yun Jong Yong đã thấy rõ những rào cản này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul (một phiên bản Harvard của Hàn Quốc), Yun gia nhập Samsung Group và sau đó về Samsung Electronics (thành lập năm 1969). Năm 1997, khi được bổ nhiệm ghế tổng giám đốc điều hành Samsung Electronics (thời điểm bi đát của Tập đoàn Samsung), Yun được chủ tịch Lee Kun Hee giao toàn quyền hành động. Yun đã lập kế hoạch bốn bước. Đầu tiên, đó là việc tạo ra hỗn loạn để phá vỡ cấu trúc cũ. Thứ hai, bác bỏ các thành tựu quá khứ mà Yun cho rằng đó là thách thức lớn nhất (do Samsung luôn từng ảo tưởng họ là công ty hiệu quả nhất Hàn Quốc). Thứ ba, gieo những giá trị mới. Và thứ tư, ổn định cấu trúc mới. Chiến thuật tạo ra hỗn loạn là một liệu pháp sốc ít được sử dụng tại Hàn Quốc trước đó. Tin rằng đó là cuộc đại phẫu loại bỏ các khối u bệnh trong cơ thể Samsung, Yun bán loạt tài sản thừa trị giá 1,9 tỉ USD, từ máy bay dành riêng cho viên chức cấp cao đến nguyên một nhà máy sản xuất bán dẫn. Ngoài ra, Yun cũng xóa sổ 16 nhà máy (sản xuất nước ép trái cây, máy nhắn tin, máy rửa bát…). Kế đó, Yun Jong Yong thay “máu” mới bằng cách mời nhiều chuyên gia phương Tây. Năm 1999, lần đầu tiên trong lịch sử Samsung, ban quản trị có giám đốc nước ngoài: chuyên gia ngân hàng Franz-Hermann Hirlinger (Đức) và Peter Skarzynski (từng làm việc tại AT&T và Lucent Technologies).
Đồng thời Yun cũng thuê 53 thạc sĩ kinh doanh trong nước từng tốt nghiệp MBA tại Mỹ. Chiến thuật chiêu hiền đãi sĩ (thật ra học từ giới quản trị Mỹ) đã đem lại ảnh hưởng tích cực nhất định (ưu điểm mẫu mã sản phẩm đẹp của Samsung như thấy hiện nay đã có được nhờ những người như Tom Hardy, nguyên chuyên gia thiết kế sản phẩm của IBM). Phong cách làm việc rườm rà cũng bị loại bỏ. Yun yêu cầu báo cáo phải ngắn gọn và ông cũng hạn chế những phiên họp kéo dài.Thay vào đó, Yun dành phân nửa thời gian làm việc xuống phân xưởng sản xuất và đại lý, hỏi, nghe và ghi chép. Ông cũng thường xuyên thăm các chi nhánh nước ngoài. Yun còn lập một đường dây nóng, khuyến khích nhân viên phản ánh những phiền hà hoặc đóng góp ý tưởng. Ở chặng tư quá trình chấn chỉnh, Yun áp dụng công thức “nhanh, đơn giản và tự trị”. Ông giao 17 nhà quản trị sản phẩm toàn cầu chịu toàn bộ trách nhiệm cho dây chuyền sản xuất - kinh doanh khu vực, từ đầu vào đến đầu ra (nghiên cứu, sản xuất, phân phối và tiêu thụ).
Lý thuyết sashimi
Không chỉ cải tổ, Yun Jong Yong cũng gieo nhiều ý tưởng mới, trong đó có sự nhận thức và khả năng dự báo. Nhận thấy xu hướng giới trẻ ngày càng mê “đồ chơi” kỹ thuật số, ông lập chiến lược đánh mạnh vào sản phẩm kỹ thuật cao (thanh niên Hàn Quốc nổi tiếng là thành phần infomaniac - “điên vì thông tin”, với khoảng 25 triệu người sử dụng Internet và 30 triệu người thuê bao điện thoại di động). Do đó, một trong những sản phẩm được Samsung Electronics đầu tư mạnh là điện thoại di động. Bí quyết thành công điện thoại Samsung chỉ ở chỗ họ biến loại sản phẩm này thành thứ hàng thời trang với thiết kế đẹp và đa năng (chẳng hạn điện thoại có từ điển song ngữ Anh - Hàn Quốc, Kinh Thánh, nhạc Phật giáo và tất nhiên không thể thiếu game). Chiến thuật giúp Samsung Electronics thành công nữa là mở cửa cho vốn đầu tư nước ngoài.
Về kinh doanh, Yun Jong Yong đưa ra lý thuyết “sashimi” (lấy theo tên một món cá của Nhật). Khi lần đầu tiên được bắt và đem ra chợ, cá được bán với giá cao cho những nhà hàng danh tiếng; hôm sau, số cá ế chỉ bán còn nửa giá cho nhà hàng loại trung; hôm sau nữa, số cá còn lại còn 1/4 giá và chỉ bán cho nhà hàng loại thường. “Sau đó - Yun nói - mớ cá đã thành cá khô rồi” (Forbes 11-4-2004). Lý thuyết “sashimi” đã được áp dụng trong kinh doanh hàng điện tử, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển và sản phẩm được thay thế liên tục bằng sản phẩm tốt hơn. Do đó, Samsung luôn tìm cách tung một dòng sản phẩm mới trước đối thủ. Chỉ khi đó mới có thể bán được giá cao nhất, cho đến khi sản phẩm bắt đầu biến thành hàng “nguội”. Đó là cách mà Samsung tung ra thế hệ truyền hình công nghệ DNIe (digital natural image engine) và cũng là cách mà điện thoại di động Samsung chinh phục người tiêu dùng (dù có không ít người sử dụng - ít nhất tại thị trường Việt Nam - than phiền rằng điện thoại di động Samsung chỉ bắt mắt nhờ thiết kế đẹp trong khi phần cứng hoạt động không ổn định và sóng yếu). Trung bình Samsung tung ra dòng sản phẩm mới mỗi năm tháng, so với 14 tháng cách đây sáu năm (và 12-18 tháng của Motorola). Từ năm ngoái, Samsung cũng bắt tay Microsoft để phát triển dự án Home Media Center (mạng điện tử tích hợp có thể điều khiển tất cả thiết bị điện tử gia đình).
Với loạt chiến lược thông minh và quyết đoán, Yun Jong Yong đã đưa Samsung Electronics trở thành công ty có cổ phiếu tăng nhanh nhất Hàn Quốc và công ty cũng có nhiều cổ đông nước ngoài nhất (chiếm khoảng 30 tỉ USD) so với tất cả công ty Hàn Quốc. Năm năm qua, cổ phần Samsung Electronics tăng hơn 10 lần, đạt 273 triệu USD vào năm 2003; và lợi nhuận tăng 30 lần trong một thập niên. Tháng 7-2003, Hãng tư vấn toàn cầu Interbrand đã đánh giá Samsung là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới, với giá trị thương hiệu 10,8 tỉ USD. Hiện tại, Samsung tiếp tục là công ty làm ăn tốt nhất làng doanh nghiệp Hàn Quốc (kế đó là LG và SK Group), với vốn thị trường khoảng 79,2 tỉ USD, cùng hơn 285 chi nhánh tại 67 nước. Riêng Samsung đã chiếm 1/5 tỉ lệ xuất khẩu của Hàn Quốc và đóng 7% tất cả các loại thuế nội địa (5 tỉ USD/năm). Xét ở góc độ quản trị, rõ ràng Yun Jong Yong đã thành công và có thể được xem là nhà quản trị giỏi nhất châu Á hiện nay.
MẠNH KIM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận