21/03/2009 03:04 GMT+7

Yêu thời "lu bu": tim này ví xẻ làm đôi...

HỒ THỊ (Công ty Hợp Tác Trẻ)
HỒ THỊ (Công ty Hợp Tác Trẻ)

TT - Khi tình yêu lao vào cuộc chiến giành giật thời gian với công việc, học hành... thì những nhân vật chính trong câu chuyện tình đó sẽ có suy nghĩ như thế nào?

ijg1t6RD.jpgPhóng to

Em gái tôi là nhân viên phòng tín dụng một ngân hàng nước ngoài, ngoài ra em còn là cộng tác viên vài tờ báo nên hầu hết quỹ thời gian đều dành cho công việc. Rời ngân hàng sau 7g tối, em chạy đến lớp học ở trung tâm ngoại ngữ, 9g tất tả về nhà lại cắm cúi vào chiếc laptop để bài không bị trễ...

Thế em dành cho chuyện tình cảm lúc nào? Đương nhiên em rất trầy trật để phân bổ thời gian giữa tình yêu và công việc trong thời điểm mà thời gian là kim cương, là châu báu. Những buổi tối hẹn hò hiếm hoi và vội vã, còn lại hầu như chỉ trông cậy vào chiếc điện thoại làm cầu nối với một anh chàng cũng... bận tối mặt. Em tôi từng ao ước nếu được chọn nó sẽ khoan... yêu để có thời gian phấn đấu vì công việc.

Lịch hẹn hò cạnh tranh với lịch... công tác!

“Không có thời gian để yêu”: hội chứng tập thể?

Thử tìm cụm từ “không có thời gian để yêu” trên trang web tìm kiếm Google thì có tới 22.900 kết quả sau 0,11 giây! Ngay từ trang đầu tiên đã có hàng chục cái tên của các ngôi sao thế giới và trong nước tuyên bố “không có thời gian để yêu”: từ tân hoa hậu thế giới, vợ chồng Madonna cho tới Ngô Thanh Vân, Linh Nga, cây hài Minh Béo, Ưng Hoàng Phúc... Còn đi vào sâu hơn là cả một rừng tâm sự của những người thiếu thời gian cho chuyện hẹn hò, yêu đương...

Tiếp tục tìm với cụm từ “có đủ thời gian để yêu” thì kết quả tìm kiếm khá thê thảm: sáu kết quả, mà thật ra đó là những kết quả... ké của cụm từ “không có đủ thời gian để yêu”!

Người ta nói bước đầu tiên của tình yêu là phải tìm, rồi hiểu nhau mới tạo thành tình yêu bền vững. Nhưng coi bộ các cô gái, chàng trai thời nay chỉ làm được bước đầu tiên là tìm thấy nhau cho khỏi lạc lõng với người ta, rồi... để đấy bởi có thời gian đâu mà hiểu nhau!

Trong thời khủng hoảng kinh tế, công việc và chuyện bồi dưỡng nghiệp vụ luôn được đặt lên hàng đầu, nếu không bạn sẽ bị đào thải ngay tức khắc. Sự cạnh tranh khốc liệt làm nhiều người phải sống chết dành hết thời gian cho công việc khiến áp lực cuộc sống càng nặng hơn. Chuyện yêu đương cũng quan trọng nhưng trong lúc người ta phải đương đầu với áp lực mất việc, lương giảm thì tình yêu liệu có chen chân nổi với “cơm áo gạo tiền”?

Thời gian dành cho tình yêu của bạn trẻ đang bị đe dọa bởi tính thực dụng khi lịch hẹn hò nằm cạnh... lịch công tác. Thông thường sẽ có hai kiểu yêu thời bận rộn: kiểu thứ nhất, cả hai đều bận nên không có giây phút nào dành cho nhau, nếu có chỉ là đại khái qua loa, càng kéo dài càng chẳng đi đến đâu, càng thấy nhạt thếch!

Kiểu thứ hai, chỉ một trong hai người bận rộn nên người còn lại sẽ có cảm giác mình bị bỏ rơi. Từ cảm giác đó sinh ra nhiều nghi vấn về người yêu của mình và thường người kia không thể nào thỏa mãn 101 câu hỏi của đối phương. Đến nước này cả hai cảm thấy dường như mình không hiểu nhau thì tại sao phải chịu đựng nhau.

Bạn thử nghĩ xem tình cảm giống như một loại cây, từ khi nảy mầm đến khi cao lớn bạn phải chăm bón phân nước đầy đủ cây mới có quả, chưa kể thỉnh thoảng còn phải bắt sâu, trừ cỏ thì cây mới xanh tươi. Nếu bỏ bê, thiếu vắng hơi người cây sẽ chết khô... Vậy bạn nuôi trồng cây tình yêu của mình ra sao?

“Cây tình yêu” của tôi èo uột...

Nói thì dễ, làm mới khó. Tôi cũng chẳng khá hơn em gái vì chưa khi nào tôi ngủ trước 1g sáng. Vì thế “cây tình yêu” của tôi chẳng phát triển nổi. Những buổi hẹn hò lãng mạn ở quán xá trở nên vô vị vì ai cũng theo đuổi ý nghĩ riêng của mình về bản báo cáo sắp tới... Ly nước cam bỗng chát đắng trong miệng khi anh bảo có lẽ mối tình của chúng tôi phải “hi sinh” vì công việc. Sức chịu đựng của anh đã tới mức “tức nước vỡ bờ” khi hầu như 90% quỹ thời gian của tôi là những chuyến công tác dài ngày, những cuộc họp bất kể giờ giấc, những cuộc tiếp xúc khách hàng không giới hạn thời gian.

Những lần thất hứa, những cái hẹn bị hủy bỏ vô điều kiện là lý do để anh cho rằng mình là người thừa trong cuộc đời tôi vì “em yêu công việc hơn yêu anh, cần sự nghiệp hơn cần anh...”.

Tôi không biết phải điều chỉnh đồng hồ thời gian của mình như thế nào để rảnh rỗi thăm anh khi anh bị cảm, tôi cũng không thể bỏ cuộc họp để chạy đến an ủi anh khi anh cần, tôi càng không thể bỏ chuyến công tác để xuôi về quê anh một chuyến. Không ai biết chúng tôi đang yêu nhau vì tần số gặp nhau ít ỏi. Những cuộc điện thoại, tin nhắn lúc 0 giờ không thể thay thế những nụ hôn, những cái chạm tay nhau của những cặp đôi. Những điều đó là gia vị cho tình yêu thêm nồng nàn, nhưng nó quá xa xỉ với những người bận rộn như chúng tôi. Thế đấy, tôi như bị vùi trong hàng núi công việc đang chờ phía trước, còn chuyện yêu đương lắm lúc tôi chẳng biết nó nằm ở góc nào trong cái mớ bòng bong ấy.

NgàyThứ tư 11-3: Chương trình

8g30: Họp với sếp tổng, báo cáo tình hình đi khảo sát, trình bày phương án hợp tác với điạ phương

12g: Ăn trưa với đối tác

13g: Kiểm tra mail, trả lời thư khách hàng

13g30: Họp bộ phận international workcamp, phân chia công tác cụ thể

16g: Sắp xếp lịch đón - đưa Mr. Jeff tham quan cơ sở hoạt động

17g30: Học tiếng Hoa

19g: Hạn chót dự án cho người nhiễm HIV

21g30: Đón sân bay Mr. Jeff

...

Với một lịch làm việc dày đặc như thế này, tình yêu rất chật vật để chen vào cuộc sống của những người trẻ bận rộn.

(Trích từ lịch làm việc tuần của bạn dilly2000, đang làm việc tại Tổ chức YMCA)

........................................

Sao có thể lơ là với tình yêu?!

Tham công tiếc việc chỉ là một trong những nguyên do làm người ta không còn xem tình yêu là tiêu điểm của tuổi trẻ như trước đây. “Yêu thì vẫn yêu”, với họ không thể gọi là “quăng cục lơ” với tình yêu được. Họ vẫn muốn yêu, có người yêu và đang yêu đấy thôi, nhưng hình như trong lĩnh vực này họ không được “tập trung vào chuyên môn” cho lắm.

Nhiều người trong số này quan niệm có người yêu thì yên tâm, không phải lo lắng về đường duyên số nữa nên chủ yếu tập trung vào công việc, vào con đường thăng quan tiến chức hoặc tranh thủ chạy đua kiếm thật nhiều tiền.

Một số khác lại có những suy nghĩ khá thực dụng: đã yêu rồi phải lo đầu tư cho tương lai, phải chuẩn bị đầy đủ tiền bạc, nhà cửa, bằng cấp để thẳng tiến tới hôn nhân, không cần phải “sến như con hến” nữa. Với những người này, hẹn hò lãng mạn theo kiểu tình yêu cổ điển là hơi bị... xa xỉ!

Ngoài ra còn có những người tuy đang yêu nhưng rất lý trí. Các đương sự này cho rằng một ngày có 24 giờ, với rất nhiều việc phải làm và biết bao nhiêu mối quan hệ, cần phải chia đều thời gian và sức lực cho cuộc sống cân bằng, để lỡ có trục trặc gì trong tình yêu thì rủi ro luôn ở mức tối thiểu.

Những quan niệm này nghe qua có vẻ rất chính đáng và tùy thuộc quan điểm sống của mỗi người nên cần được tôn trọng. Và sẽ không có gì đáng nói nếu những người có cùng quan điểm này tìm được nhau trong đời. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy những người có cùng suy nghĩ với mình. Vì thế mới có chuyện một bên cảm thấy mình đang quá tải với công việc, vậy mà không thấy người yêu chia sẻ giúp đỡ được gì, còn mè nheo so sánh với người nọ người kia; trong khi bên còn lại cũng chẳng sung sướng gì, lúc nào cũng ở tâm trạng mong ngóng, kỳ vọng rồi thất vọng, buồn phiền và mệt mỏi, “sao mình cũng có người yêu mà không được chăm sóc, quan tâm như người ta?!”.

Có bệnh thì phải chữa!

Tùy vào tình trạng, hoàn cảnh, tính cách của từng người mà có toa thuốc khác nhau, không thể uống cùng thuốc mà khỏi bệnh được. Tuy nhiên có thể tham khảo một vài định hướng dưới đây:

- Trước hết, hãy hồi tưởng và gọi tên, khẳng định mối tình của mình, khẳng định có một người đang sẵn sàng quan tâm, chia sẻ với mình.

- Hãy xác định rõ mục tiêu cuộc đời, mục tiêu từng giai đoạn để tránh bị ngoại cảnh cuốn đi.

- Lập kế hoạch cụ thể cho công việc để có thể vượt qua những áp lực trong công việc. Sắp xếp thời gian hợp lý cho từng mối quan hệ.

- Thay đổi nhận thức tự thân về giá trị đích thực của tình yêu bằng việc đọc thêm nhiều sách báo có viết về tình yêu, hôn nhân, xem những bộ phim tình cảm ca ngợi tình yêu đôi lứa.

- Tìm kiếm hoàn cảnh giúp đỡ người khác để học cách cảm nhận và chia sẻ niềm vui với người khác.

- Loại bỏ các yếu tố gây áp lực (gia đình, dư luận) để kiểm tra lại tình yêu đang có, liệu có sự ngộ nhận nào ở đây không.

Và tốt hơn hết là hãy phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu bạn đang sở hữu một mối tình đích thực, đừng lãng phí nó. Hãy sử dụng từng thời khắc để tận hưởng nó. Đừng quá lười nhác và tính toán sẽ làm mất đi những giây phút hạnh phúc của tình yêu!

HỒ THỊ (Công ty Hợp Tác Trẻ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên