Phóng to |
Và một điều thú vị ít ai ngờ nữa là tác giả của những bài viết phân hóa người đọc đồng thời cũng tự mâu thuẫn với nhau ấy là một chàng trai mới 27 tuổi - kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý.
Với người viết, ở tuổi ấy, nếu phải vật vã kiếm sống hoặc ngược lại, nhàn rỗi chăm chăm đào bới tìm kiếm cảm xúc của bản thân, thường sẽ chỉ cho ra đời loại “tác phẩm tuổi xanh”: hoặc “trữ tình tủi thân” hoặc thương vay khóc mướn.
Nhưng Quý thì chăm chăm một nỗi lo thế sự - thế sự bắt đầu từ những chi tiết be bé con con như tối nay đi xem kịch gì, ở đâu? Hay gần nhà có chợ cóc nào mới bị dẹp và lại sắp mọc ra? Cho đến những nhà mặt tiền lô nhô xấu xí, dị hợm khoe nhôm kính tiền của thị dân mới, những công sở vòm cột Hi La tố cáo “quan trí” bổ túc phổ thông tại chức 2-3 bằng đại học...
Cuốn sách chỉ 180 trang in, với trang bìa gợi màu hoài cảm (ngói âm dương, diềm mái chạm khắc, nhánh bàng xanh nõn...) lại ngồn ngộn những bức xúc của một kiến trúc sư - nghệ sĩ - công dân trước một Hà Nội “của mình”, Hà Nội máu thịt hồn cốt đang từng giây trở thành một tha nhân không thể định tính, gọi tên, ngay trước mắt mình, mà không thể làm gì được.
Hãy đọc những tên bài viết của Quý: Phố cổ, hồ Gươm... trong không gian Hà Nội; Hà Nội: chuyện phố cổ, phố làng; Hà Nội: văn hóa công viên; Kiến trúc thời nay hay là bộ quần áo mới của hoàng đế; Giây hiện tại của Hà Nội; Giới trẻ Hà Nội trong vòng vây giải trí... cũng là những cái tên như những tên của vô vàn bài nửa báo chí nửa nghiên cứu. Nó có thời sự, có hiện tượng, có bức xúc nhưng cũng có những số liệu điều tra riêng, có cả sự tỉ mẩn tầm chương trích cú của một người đọc nhiều.
Nhưng điều làm cho Tự nhiên như người Hà Nội tránh được những sự cao đàm khoát luận rất nhiều ý nghĩa mà rất ít thiết thực của các “nhà” này, “giả” kia là những chi tiết ngồn ngộn của đời sống hằng ngày, là sự nóng hổi của những sự kiện từ chính thống đến vỉa hè vừa diễn ra hôm qua. Người đọc thấy rõ cách nhìn, cách nghĩ và kiến giải của một người còn trẻ, đang sống cùng nhịp thở của Hà Nội hôm nay, cho dù anh ta đang bàn về việc trùng tu các ngôi chùa cổ hay đang than thở cho sự biến mất dần dần của làng đào ngoại thành.
Ở một góc khác, tính thế sự ấy không khiến cuốn sách trở thành một tập hợp các bài báo mang tính phản ánh đơn thuần, vì với một kiến văn khá rộng của tác giả, cộng thêm cách viết rất linh hoạt và duyên dáng, tất nhiên đôi khi cũng hơi quá đáo để và điệu đà (kiểu Khi người ta trẻ).
Yêu quá nên lo lắng, nên sốt ruột, nên nghiệt ngã. Và vì sốt và nghiệt nên lắm khi có những giải pháp thật táo bạo và... ngây thơ. Đó là trạng thái tâm lý của Tự nhiên như người Hà Nội. Nhưng cái sự chông chênh, thiếu hụt, đầy sơ hở và khiếm khuyết ấy làm cho cuốn sách càng hấp dẫn. Và như thế là công bằng, vì mấy ai yêu Hà Nội được tự nhiên như Quý - tự nhiên bằng cả trí tuệ của mình.
________________________
(*) Tự nhiên như người Hà Nội - tiểu luận của Nguyễn Trương Quý - NXB Trẻ 2004.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận