Nguồn lợi từ chăn nuôi cá tra cho người dân thu hoạch hàng nghìn tấn cá mỗi vụ, nhưng cũng đồng nghĩa hàng trăm tấn chất thải ô nhiễm trút ra sông.
![]() |
Tú Trinh và Ngọc Minh - Ảnh: L.H. |
“Chất thải hữu cơ từ thức ăn dư thừa, thuốc kháng sinh tồn tại trong ao nuôi nếu không xử lý sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, lây dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi” - Trinh nhận định. Điều này khiến cô sinh viên “muốn làm gì đó”.
Tú Trinh rủ thêm Ngọc Minh - bạn cùng lớp - nghiên cứu và cuối cùng tìm ý tưởng xây dựng ao chứa xử lý nước thải kiêm luôn ao nuôi trai. Đôi bạn tranh thủ giờ giải lao, buổi tối mày mò tìm tài liệu, nghiên cứu. Ngày nghỉ cuối tuần cả hai thường nhảy xe đò về Đồng Tháp, xắn quần lội ao ngoài đồng từ sáng đến tối để thực nghiệm ý tưởng. “Nhiều khi làm hăng say đến quên cả bữa ăn, quần áo chân tay lấm lem bùn đất nhưng vẫn thấy vui vì ý tưởng của mình thành hiện thực” - chàng sinh viên dân Sài Gòn Ngọc Minh bày tỏ.
Sau mấy tháng cặm cụi, ao xử lý nước thải do Tú Trinh và Ngọc Minh thực hiện đã hoạt động xử lý tốt nước thải và cho thu hoạch trai với sản lượng khá. Thấy hiệu quả cao và dễ ứng dụng, cả hai quyết định mang ý tưởng đi trình làng ở cuộc thi “Ý tưởng bảo vệ môi trường” do Trung ương Đoàn phát động từ tháng 6-2009, không ngờ “ẵm” luôn giải nhất.
“Đã có không ít dự án của các đơn vị, tổ chức khoa học nhưng người dân không mặn mà vì quá phức tạp, nhiều công thức, ý tưởng của tụi mình bất cứ người nông dân nào cũng hiểu và làm được một cách dễ dàng” - Tú Trinh chia sẻ bí quyết thành công của dự án.
Dù đã mất bao nhiêu công sức, thời gian để nghiên cứu, thực nghiệm ý tưởng nhưng cả Trinh và Minh đều khẳng định sẵn sàng “trao tay” miễn phí cho bất cứ bà con nào. “Thế giới đang vật lộn để đối phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, việc mình đóng góp ý tưởng nhỏ thì thấm gì đâu” - cả hai cười và bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận