Y học đang có nhiều tiến bộ trong điều trị vảy nến - Ảnh minh họa: Berita Harian/AsiaOne
Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính, hay tái phát nên điều trị rất khó khăn. Các phương pháp điều trị 'truyền thống' là thuốc, quang hóa trị liệu, gần đây có thêm thuốc sinh học nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Thuốc uống
Bác sĩ thường kê toa các thuốc giúp làm giảm triệu chứng ngứa, lo âu, thuốc nâng tổng trạng... Thuốc đặc trị sẽ được cân nhắc cho các trường hợp nặng (biến chứng khớp, vảy nến mủ, đỏ da toàn thân).
Những thuốc đặc trị này thường được các bác sĩ có kinh nghiệm kê đơn, dành cho bệnh nhân nằm viện có sự theo dõi sát sao của nhân viên y tế. Các thuốc này bao gồm:
- Thuốc ức chế sự hình thành quá trình miễn dịch như cyclosporin
- Thuốc ức chế sự tân sinh như methotrexate
- Thuốc chứa chất vitamine A acid (Tigason, Soriatane) là các thuốc đặc trị, được dùng cho trường hợp vảy nến kháng trị hoặc vảy nến mủ. Thuốc này cho kết quả tốt nhưng đắt tiền và nhiều tác dụng phụ (nghiêm trọng nhất là gây quái thai cho phụ nữ nếu như mang thai trong giai đoạn dùng thuốc).
- Các chế phẩm sinh học chứa chất alefacept và etanercept cũng có tác dụng tốt trên bệnh vảy nến.
Thuốc bôi
Các thuốc giúp lột sừng, tiêu sừng như acid salicylic, AHA, các dẫn xuất của retinoid, ure, hắc ín... Thuốc bôi có chứa các chất corticoid giúp thuyên giảm nhanh triệu chứng ngứa, đỏ. Tuy nhiên các thuốc này nếu dùng lâu sẽ gây teo da, rậm lông, nổi mụn, đỏ da, lệ thuộc thuốc, tăng nguy cơ bội nhiễm (vi trùng, vi nấm, siêu vi trùng) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh...
Thuốc có chứa chất calcipotriol, một dẫn xuất của vitamin D, giúp ngăn chặn sự tạo vảy sừng, chống viêm, giúp da về trạng thái bình thường. Chất này đang được xem là chọn lựa đầu tiên cho việc trị liệu tại chỗ bệnh vảy nến. Tuy nhiên không được thoa lên mặt vì khả năng gây kích ứng và không được dùng cho phụ nữ có thai.
Quang và quang hóa liệu pháp
Phương pháp này được dùng cho các bệnh nhân vảy nến dai dẳng hoặc người có diện tích da bệnh khá nhiều (hơn 40% diện tích cơ thể). Lúc này việc thoa thuốc có thể bất tiện cũng như cơ thể phải gánh chịu các tác dụng phụ của thuốc thoa khi dùng trên diện rộng. Tuy nhiên không phải ai cũng được áp dụng phương pháp điều trị này.
Người có tiền căn nhạy cảm ánh sáng, đục thủy tinh thể, suy gan thận, người có các bệnh gắn liền với nguy cơ ung thư da như ngộ độc arsenic, người có các bệnh mà việc phơi nắng sẽ làm nặng thêm như bệnh lupus ban đỏ, porphyrie hoặc trẻ em dưới 12 tuổi đều không được chỉ định quang liệu pháp.
Bệnh nhân sẽ được chiếu tia cực tím A sau khi uống psoralen (gọi là PUVA liệu pháp) hoặc phối hợp uống chất retinoid với liệu pháp PUVA hoặc phối hợp thoa hắc ín với chiếu tia B hoặc chiếu tia cực tím B (UVB) đơn độc.
Quang trị liệu có tác dụng ức chế quá trình phân chia và nhân lên của các tế bào thượng bì do tác động trực tiếp của tia UVB lên nhân tế bào và phân tử khác. Mặt khác, cũng có giả thuyết cho rằng việc chiếu UVB sẽ làm chết các tế bào Lympho T, là tế bào có trách nhiệm một phần cho chứng viêm gây ra bệnh.
Thuốc sinh học
Thuốc sinh học được làm từ các tế bào sống. Các loại thuốc sinh học khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau, nhưng tất cả chúng đều nhắm đến cytokine - một loại protein do hệ thống miễn dịch tạo ra.
Trong trường hợp bình thường, cytokine đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các chất có hại hoặc không mong muốn. Khi cơ thể sản xuất thêm các cytokine như là một phần của phản ứng miễn dịch, tình trạng viêm sẽ xảy ra. Thông thường điều này không gây hại. Nhưng trong một số trường hợp, chẳng hạn như bệnh vảy nến, phản ứng miễn dịch vẫn tồn tại và tình trạng viêm vẫn tiếp tục.
Các nhà khoa học tạo ra thuốc sinh học từ tế bào sống được nuôi trong phòng thí nghiệm. Họ thu hoạch loại protein đặc biệt từ các tế bào này và sử dụng để bào chế thuốc. Những loại thuốc này nhằm mục đích điều trị triệu chứng của bệnh vảy nến bằng cách giảm các hoạt động miễn dịch liên quan. Một số loại thuốc có thể nhắm mục tiêu các tế bào T đặc biệt trong hệ thống miễn dịch. Điều này giúp ngăn chặn protein trong hệ thống miễn dịch phát triển. Các bác sĩ thường chỉ định loại thuốc này khi bệnh vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng và nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Một số loại thuốc sinh học thường được sử dụng trong điều trị vảy nến gồm:
Interleukin-12 và -23: Interleukin-12 (IL-12) và interleukin-23 (IL-23) là 2 trong số các protein mà cơ thể tạo ra như là một phần của phản ứng miễn dịch. Chúng có liên quan đến các triệu chứng bệnh vảy nến. Ngăn chặn sự hoạt động của các protein này có thể làm giảm tình trạng viêm do vảy nến.
Ustekinumab là thuốc chẹn IL-12 được FDA chấp thuận để điều trị nhiều loại bệnh vảy nến. Nó liên kết với cả IL-12 và IL-23 và làm giảm tác động của chúng trong cơ thể. FDA cũng đã phê duyệt các thuốc chẹn IL-23 sau đây để điều trị vảy nến mảng bám và các loại vảy nến khác: Guselkumab, tildrakizumab, risankizumab.
Interleukin-17A (IL-17A): IL-17A là một protein khác xuất hiện, kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch có thể dẫn đến bệnh vảy nến. Ngăn chặn điều này cũng có thể phòng ngừa khả năng bùng phát vảy nến. Ví dụ về việc tiêm vảy nến được FDA phê chuẩn có tác dụng ngăn chặn IL-17A bao gồm: Secukinumab, ixekizumab và brodalumab.
Ức chế yếu tố hoại tử khối u: Protein được gọi là cytokine có thể kích hoạt viêm trong cơ thể. Yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-alpha) là một loại cytokine. Khi một người có tình trạng như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, cơ thể sản xuất quá nhiều TNF-alpha.
Về mặt lý thuyết, ngăn chặn sản xuất TNF-alpha nên ngăn ngừa một số triệu chứng bệnh vảy nến. Một số thuốc tiêu biểu như: Etannercept (Enbrel), Infliximab (Remicade), Golimumab (Symponi), Adalimumab (Humira).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận