13/07/2015 00:10 GMT+7

​Xúc tiến phát triển bệnh viện vệ tinh trong cả nước

Nguồn: Bộ Y tế
Nguồn: Bộ Y tế

Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị “Tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh - Giảm quá tải bệnh viện, thực hiện Thông báo số 99/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ”.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, hiện nay đề án bệnh viện vệ tinh đã phát triển được 14 bệnh viện hạt nhân và 46 bệnh viện vệ tinh tại 32 tỉnh, thành phố; chuyển giao các kỹ thuật về chuyên khoa tim mạch, ung bướu, nhi khoa cho các bệnh viện tuyến sau như bệnh viện Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Điện Biên…

Nhiều bệnh viện vệ tinh đã thực hiện được các kỹ thuật khó, phức tạp như: bệnh viện đa khoa Khánh Hòa đã thực hiện được toàn bộ các kỹ thuật về tim mạch, không còn bệnh nhân chuyển tuyến lên các bệnh viện tuyến trên; các bệnh viện Lâm Đồng, Ninh Bình đã giảm từ 30-39% tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên…

Từ năm 2013-2015, chuyên khoa ung bướu đã có 18 trung tâm là các bệnh viện vệ tinh trong cả nước; chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đã triển khai được 5 bệnh viện hạt nhân và 22 bệnh viện vệ tinh; chuyên khoa tim mạch có 6 bệnh viện hạt nhân và 33 bệnh viện vệ tinh; chuyên khoa sản có 2 bệnh viện hạt nhân và 19 bệnh viện vệ tinh; chuyên khoa nhi có được 20 bệnh viện vệ tinh…

hinh-1-1436782812.jpg

Trong giai đoạn 2 (2016-2020), Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh phát triển đề án bệnh viện vệ tinh tới tất cả các địa phương trong cả nước với mục tiêu mở rộng nhiều chuyên khoa và chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, nhất là các tỉnh phía Nam. Những bệnh viện nào tham gia đề án bệnh viện vệ tinh sẽ được cấp kinh phí để chuyển giao kỹ thuật từ Bộ Y tế, từ nguồn ngân sách của địa phương và từ vốn ưu đãi.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khi phát triển bệnh viện vệ tinh phải thực hiện chuyển giao toàn bộ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, năng lực khám chữa bệnh cũng như các dịch vụ chăm sóc y tế có cùng chất lượng như bệnh viện hạt nhân thì các bệnh nhân mới hoàn toàn tin tưởng các bệnh viện vệ tinh.

Tuy nhiên, qua tổng kết giai đoạn 1, việc thực hiện bệnh viện vệ tinh còn gặp phải một số khó khăn, nhất là tại các tỉnh phía Nam khi nhiều tỉnh chưa duyệt cấp hoặc chưa đủ kinh phí cho đề án; một số bệnh viện tuyến dưới chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật; nguồn nhân lực tại các bệnh viện vệ tinh còn thiếu và yếu; chất lượng khám chữa bệnh, chuyên môn của y tế tuyến dưới còn hạn chế…

Do đó, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, của Bộ Y tế cần phải có sự đánh giá, thẩm định thường xuyên giữa các bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh; giữa Bộ Y tế với các địa phương. Đặc biệt, rất cần có sự đồng thuận và hỗ trợ của địa phương (về các ưu đãi như vốn, quỹ đất…) để đề án bệnh viện vệ tinh tại các địa phương thành hiện thực. 

Nguồn: Bộ Y tế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên