11/01/2009 08:47 GMT+7

Xuất khẩu gạo 2009: Cạnh tranh quyết liệt

P.S.NGÂN
P.S.NGÂN

TT - Theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lúa năm nay sẽ tăng nhưng thị trường gạo sẽ giảm. Do đó xuất khẩu gạo sẽ có nhiều thay đổi, khó khăn hơn năm 2008 và “sẽ là một năm cạnh tranh quyết liệt”. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội Lương thực VN tổ chức ngày 10-1 tại Nha Trang.

“Bức tranh” sản xuất lúa - xuất khẩu gạo trong năm 2009 được dự báo sẽ có lắm điều phải lo.

otUaHsia.jpgPhóng to
Thu mua gạo xuất khẩu tại chợ Bà Đắc (Tiền Giang) - Ảnh: V.Tr.
qkhTsuWf.jpgPhóng to

Thị trường xuất khẩu gạo VN năm 2008 - Đồ họa: vĩ cường

Được giá

Đề nghị không hạn chế số lượng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Lương thực VN, mục tiêu của việc điều hành xuất khẩu gạo năm 2009 là tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa của nông dân với giá có lợi nhất, đồng thời đề nghị không hạn chế số lượng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong phạm vi chỉ tiêu của Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện điều hành xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu hướng dẫn hằng năm của Chính phủ và hướng dẫn chi tiết của Bộ Công thương. Không điều hành cụ thể từng quý, từng tháng. Đồng thời bổ sung cơ chế mua tạm trữ chờ xuất khẩu để tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa của nông dân khi thị trường gặp khó khăn và bảo đảm hiệu quả xuất khẩu, hạn chế thương nhân ép giá.

Theo Hiệp hội Lương thực VN, tình hình thị trường gạo trong và ngoài nước năm 2008 gặp nhiều khó khăn do những biến động có tính chất đột biến. Giá gạo trên thế giới đã bị đẩy tăng vọt lên đến đỉnh điểm chưa từng thấy vào cuối tháng 4 và 5-2008. Giá gạo trắng loại tốt nhất của Thái Lan (loại tiêu chuẩn 100% B) đã tăng lên mức đỉnh 1.080 USD/tấn. Gạo 5% tấm của VN cũng đạt “giá sốt” với trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn ba lần mức giá cùng loại năm 2007 (300-320 USD/tấn). Còn giá xuất khẩu gạo VN bình quân trong năm đạt 569,2 USD/tấn, tăng 273,6 USD so với năm trước.

Cả năm qua xuất khẩu gạo của VN đã tăng và đạt 4,6 triệu tấn, với giá trị thu được (theo giá FOB) là 2,6 tỉ USD, lượng gạo xuất khẩu tăng 3,3% và giá trị thu được (giá FOB) tăng 99%.

Linh động hơn trong việc mua tạm trữ

Trong khi đó, ở trong nước giá lúa gạo cũng tăng nhanh và đã xảy ra “chuyện chưa từng có”. Đó là từ việc tăng giá theo cùng thời gian bị biến động chung của thế giới (gạo 5% tấm từ 5.700 đồng/kg vào đầu năm đã nhảy lên 10.000 đồng/kg vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2008) đến đỉnh điểm là “cơn sốt thiếu gạo đột biến” xảy ra tại TP.HCM và một số tỉnh trong ba ngày từ 27 đến 29-4-2008.

Thế nhưng “cơn sốt nóng” về gạo ấy đã qua nhanh sau khi các nước nhập khẩu đã nhập đủ số lượng dự trữ và các nước sản xuất gạo thì đẩy mạnh gia tăng diện tích sản xuất lúa. Sau đó đã xảy ra “áp lực cung cấp thừa” từ các nước xuất khẩu gạo và khủng hoảng tài chính từ Mỹ. Giá gạo thế giới và gạo VN đều đã giảm. Hiện nay gạo 5% tấm VN chỉ còn khoảng 400-420 USD/tấn (giảm hơn một nửa so với giá trên 1.000 USD vào cuối tháng 4-2008). Trong tháng cuối năm 2008 giá lúa có tăng nhưng không đáng kể (chỉ 3.200 đồng/kg lúa thường và 3.530 đồng/kg lúa hạt dài).

Cùng với cái khó của nông dân vì lúa tụt giá, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng bị tăng áp lực bởi đợt tăng lãi suất ngất ngưởng của ngân hàng. Theo ông Nguyễn Quang Thuật - tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Lương thực đầu tư và xuất nhập khẩu Foodinco (Đà Nẵng), lãi suất mà doanh nghiệp của ông phải trả cho ngân hàng đã tăng gấp ba lần bình thường. Một khi các chi phí, giá thành sản xuất tăng cao, xuất khẩu bị ảnh hưởng thì hậu quả cuối cùng lại “đổ dồn vào nông dân”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối năm 2008 các doanh nghiệp đã mua lúa tạm trữ bốn đợt liên tiếp là 1,57 triệu tấn và hiện vẫn đang tiếp tục mua tạm trữ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Linh - tổng giám đốc Công ty Du lịch và thương mại Kiên Giang, “việc thu mua lúa tạm trữ là phải mua của nông dân, chứ mua của các doanh nghiệp thì khó kéo giá lúa lên được”. Vì vậy, ông đề nghị nên giao chỉ tiêu mua lúa tạm trữ cho nhiều doanh nghiệp, chứ ở một số địa phương các tổng công ty được giao chỉ tiêu ấy lại không có kho chứa tại địa phương. Còn các doanh nghiệp ở địa phương cũng mua lúa xuất khẩu nhưng hiện nay lại không được giao chỉ tiêu.

Tăng cường công tác dự báo

fd0SJMzE.jpgPhóng to
Thu mua gạo tại chợ Bà Đắc (Tiền Giang) - Ảnh: Vân Trường

Theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lúa năm nay sẽ tăng nhưng thị trường gạo sẽ giảm. Do đó xuất khẩu gạo năm 2009 sẽ có nhiều thay đổi, khó khăn hơn năm 2008 và “sẽ là một năm cạnh tranh quyết liệt”. Nguyên nhân là do kinh tế suy thoái từ khủng hoảng tài chính toàn cầu và tín dụng sẽ bị thắt chặt, ảnh hưởng đến thương mại trong đó có mặt hàng gạo. Bên cạnh đó lượng gạo tạm trữ, tồn kho khá lớn cũng góp thêm gánh nặng cho việc tiêu thụ năm 2009.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, năm 2009 sẽ là “năm của người mua” nên phải làm khác hơn và Bộ Công thương sẽ đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu gạo cao hơn. Thứ trưởng Biên yêu cầu Hiệp hội Lương thực VN phải tăng cường hơn cho công tác dự báo bởi “nếu không thì mọi việc sẽ đổ lên đầu nông dân”. Vì vậy, có thể phải dự báo sản lượng, dự báo các chủng loại gạo xuất khẩu để nông dân không bị lúng túng và có thể chọn giống sản xuất phù hợp với các hợp đồng xuất khẩu gạo của hiệp hội đã ký kết.

P.S.NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên