09/02/2008 00:00 GMT+7

"Xuất khẩu" âm nhạc: Thời của những tài năng trẻ

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - 2007 được coi là năm buồn tẻ và nhàm chán của nền showbiz Việt bởi chất lượng lẫn số lượng của các chương trình cứ bình bình. Các chương trình ca nhạc phần lớn đều không đột phá và thất bại về mặt doanh thu. Album ca nhạc thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng. Niềm vui duy nhất là các thương hiệu quốc tế đã bắt đầu ngắm nghía thị trường âm nhạc VN tuy còn non yếu nhưng đầy tiềm năng...

"Xuất khẩu" âm nhạc: Thời của những tài năng trẻ

84DrEY6d.jpgPhóng to

Hai thành viên trong ban nhạc rock Ngũ Cung của Hà Nội - giải nhất cuộc thi Rock Your Passion - Ảnh: Quỳnh Nguyễn

TT - 2007 được coi là năm buồn tẻ và nhàm chán của nền showbiz Việt bởi chất lượng lẫn số lượng của các chương trình cứ bình bình. Các chương trình ca nhạc phần lớn đều không đột phá và thất bại về mặt doanh thu. Album ca nhạc thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng. Niềm vui duy nhất là các thương hiệu quốc tế đã bắt đầu ngắm nghía thị trường âm nhạc VN tuy còn non yếu nhưng đầy tiềm năng...

Những thử nghiệm của thế hệ trước

Sau khi đạt một vài thành tựu, khẳng định được vị thế trong nước và thị trường ca nhạc VN tại hải ngoại, các ngôi sao ca nhạc VN bèn nghĩ ngay đến việc "tấn công" vào thị trường thế giới. Có thể coi nữ ca sĩ Hồng Hạnh và tam ca Áo Trắng là những trường hợp đầu tiên "xuất khẩu" sản phẩm âm nhạc VN ra ngoài lãnh thổ. Việc xuất khẩu ngày đó chủ yếu là nhờ vào các mối quan hệ và cơ duyên cá nhân: Hồng Hạnh lấy chồng Nhật và có điều kiện để hát những ca khúc Việt - Nhật, tam ca Áo Trắng quảng cáo cho một nhãn hàng của Nhật, từ đó tập hát một số ca khúc song ngữ Nhật - Việt để diễn cho các chương trình.

Cả Hồng Hạnh và tam ca Áo Trắng đều có những buổi biểu diễn tại Nhật. Riêng Hồng Hạnh còn ra hẳn một album tiếng Nhật gồm những ca khúc bất hủ của VN (được hát bằng tiếng Nhật) và Nhật Bản mang nhan đề Hồng Hạnh - First memorial cùng live show cá nhân tại Tokyo (2003). Cô cũng vinh dự được in chân dung lên tem của xứ sở hoa anh đào (2006).

Sau Hồng Hạnh, tam ca Áo Trắng, bạn yêu nhạc thấy những nỗ lực rất lớn từ Mỹ Linh cùng êkip của cô để đưa Made in Vietnam qua Mỹ, đó là chưa kể tham vọng "đến" Mỹ bằng dự án Coming to America. Nhưng thị trường Mỹ hoàn toàn không dễ vào. Cả Made in Vietnam và Coming to America của Mỹ Linh đều thất bại.

Còn Lam Trường sau thời gian luyện thanh ở Mỹ cũng chỉ dám bắt tay vào các dự án hợp tác với Thái Lan và chẳng làm nên cơm cháo gì. Mỹ Tâm sau thời gian luyện tập thanh nhạc và vũ đạo tại Hàn Quốc vẫn không thành công với album Vút bay (phát hành ở cả hai thị trường và không nổi bật ở cả hai). Một vài dự án âm nhạc của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nhạc sĩ Quốc Bảo, Đức Trí... cũng được thử rao bán trên mạng nhưng đều chỉ thuộc dạng "trưng bày" chứ ít có người mua.

… Và cơ hội rộng mở cho các "khát vọng" trẻ

Đó chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu trong nỗ lực "xuất khẩu" âm nhạc của các ca sĩ, nhà sản xuất VN. Bên cạnh những ví dụ tiêu biểu là không ít các dự án âm thầm, nhỏ lẻ và dĩ nhiên đều không có kết quả. Sau thời gian dài "tấn công" (thực chất chỉ là mon men tìm hiểu), các ca sĩ chợt hiểu trên thế giới người ta đã dẹp chợ và thay vào đó là những siêu thị từ lâu rồi.

Vì thế, cái kiểu tự nhiên mang sản phẩm của mình ra chợ rao bán sẽ không bao giờ có được lượng người mua như ý. Muốn sản phẩm âm nhạc đường hoàng có mặt tại các thị trường lớn, phải thông qua các "nhà phân phối" có uy tín và đạt một vài tiêu chuẩn chung của toàn cầu. Việc xuất khẩu âm nhạc thực chất cũng như xuất khẩu cái bánh tráng ở siêu thị vậy thôi.

Để được thị trường "người ta" chấp nhận, âm nhạc VN phải tìm được sự tương đồng với âm nhạc thế giới bên cạnh tính truyền thống. Các chuẩn về kỹ thuật dành cho âm thanh, hình ảnh, chất lượng băng đĩa cũng phải giống "người ta". Ca sĩ ngoài việc hát khá còn phải có một ngoại hình bắt mắt (có thể không đẹp nhưng phải có điểm nhấn) và khả năng biểu diễn siêu hạng. Quan trọng hơn là phải có được đối tác chiến lược hoặc ông bầu đủ sức tạo ảnh hưởng toàn cầu.

Chính Mỹ Linh đã phải thừa nhận: "Không dễ để thâm nhập thị trường nước ngoài nếu như chỉ bắt đầu bằng khát vọng và bản năng hát của mình". Nhưng với những khát vọng và bản năng đó, nếu được đẩy vào môi trường toàn cầu ngay từ đầu, sẽ dễ tiếp cận và được chấp nhận ở thị trường nước ngoài hơn. Ví như một Phương Vy dẫu non nớt cũng đã được thị trường châu Á chấp nhận và biết đến khi chiến thắng VN Idol để trở thành giọng ca đại diện cho VN ở Asian Idol. Và năm 2008 này sẽ có nhiều người trẻ có cơ may như Phương Vy.

Ban rock Việt chiến thắng ở Rock Your Passion dễ dàng được các "tín đồ” rock trên toàn thế giới biết đến qua buổi biểu diễn "tay đôi" với My Chemical Romance (Mỹ) trong đêm Unite 08. Người chiến thắng cuộc thi Tìm kiếm giọng ca châu Á Sutasi (đã thi tuyển tại VN hồi tháng 11-2007) sẽ có cơ hội xuất hiện trong các đêm diễn hoành tráng khắp các nước châu Á cùng những hợp đồng ghi âm được phát hành rộng rãi khắp châu lục đông dân nhất thế giới này.

Và cả những sân chơi đầy phấn khích của nhóm nghệ sĩ underground (qui tụ những tài năng nhưng ít xuất hiện trước công chúng và thường tham gia các hoạt động âm nhạc phi lợi nhuận) mà dự án IAC của Nokia vào cuối năm 2007 là một ví dụ, cũng sẽ mang đến cơ hội tỏa sáng cho những "chân nhân bất lộ tướng".

Sẽ không quá chật vật để có mặt tại các "siêu thị âm nhạc" toàn cầu như thời gian qua nữa nếu những giọng ca trẻ biết nắm bắt cơ hội từ những nhà sản xuất và phân phối quốc tế đang chuẩn bị "đổ bộ" vào VN.

QUỲNH NGUYỄN

iU3YkDSZ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 17 (ra ngày 15-01-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên