TT - Hôm qua tại tòa soạn Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã diễn ra lễ trao giải cho bạn đọc trúng giải các vòng 21, 22, 23 và 24. Như vậy, cuộc thi “Bình luận viên ngoại hạng” dành cho bạn đọc hâm mộ bóng đá Anh, thích viết bình luận đã đi được hơn nửa chặng đường.
Gần bảy tháng qua, ban tổ chức cuộc thi đã nhận trung bình mỗi tuần hơn 400 bài viết, chủ yếu qua email. Có độc giả hơn 70 tuổi vẫn gửi bài dự thi viết tay, có cả độc giả ở tận vùng đảo xa xôi là đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cũng tham gia viết bình luận.
Bạn đọc Nguyễn Đắc Sơn (Hải Phòng) gửi cho Tuổi Trẻ một email, viết: “Sau mỗi trận đấu hay ở Giải ngoại hạng Anh, tôi và bạn bè đều hẹn nhau ra quán cà phê tranh luận. Mỗi người một ý kiến, không ai giống ai. Cuộc thi là nơi để tôi và những người bạn chia sẻ cảm xúc và ý kiến riêng về một bàn thắng đẹp, một câu chuyện hay trên sân hay cách ứng xử đẹp của cầu thủ, khán giả, HLV... Tôi mong Tuổi Trẻ tiếp tục tổ chức cuộc thi ở những năm sau để chúng tôi có thêm sân chơi sau những giờ làm việc căng thẳng”.
Cuộc thi đã phát hiện nhiều cây bút bình luận rất sắc sảo. Phan Nguyễn Khánh Đan - cựu sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM - là một trong những bạn đọc gửi bài đều đặn và thường xuyên đoạt giải. Khánh Đan là bạn đọc nữ nhưng rất am hiểu bóng đá. Bài viết của cô thường tập trung vào chuyện con người, những giá trị cuộc đời sau một câu chuyện hay trên sân bóng. Ngoài ra, còn phải kể đến những cái tên quen thuộc khác với rất nhiều bài bình luận hay như Phan Huy Đăng - sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, Nguyễn Nghĩa Vy Dân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Giang Nam (Đắk Lắk)...
Trong buổi trao thưởng hôm qua, một số bạn đọc đã góp ý cách thức tổ chức để những cuộc thi sau hấp dẫn hơn. Chúng tôi trân trọng ghi nhận ý kiến đóng góp của bạn đọc và cam kết sẽ nỗ lực hết sức để cuộc thi vẫn tiếp tục ở những mùa bóng sau.
K.B.
Bài dự thi “Bình luận viên ngoại hạng” : Những người đi tìm hình của bóng Cuối tuần qua cả Chelsea lẫn Liverpool đều hòa trên sân nhà. Nếu như Chelsea hòa trong nuối tiếc thì “lữ đoàn đỏ” Liverpool đã có một trận kịch chiến. Nhưng một lần nữa người hâm mộ lại thất vọng về Fernando Torres (Chelsea) lẫn Carroll (Liverpool) - những ngôi sao được hai CLB trên mua về với số tiền kỷ lục. Khi Chelsea đang dẫn trước 3-2, Torres đã có một pha đối mặt thủ môn. Ở pha bóng đó anh có thể “kết liễu” trận đấu nếu không sút bóng như một cầu thủ... nghiệp dư. Những người có niềm tin mãnh liệt nhất khi xem pha bóng đó cũng phải băn khoăn không biết mình có đặt niềm tin nhầm chỗ hay không. Còn ở trận tiếp Tottenham, Caroll cũng có một cơ hội mà 99% là sút vào, nhưng anh vẫn thuộc về 1% nhỏ nhoi kia. Cả Torres lẫn Carroll đều mới có hai bàn thắng ở mùa này, một con số quá ít ỏi cho số tiền bỏ ra mua họ. Thậm chí nhiều người mê tín còn bảo đó là do lời nguyền. Torres rời Liverpool và Carroll là người thay thế nhưng cả hai chỉ gây thất vọng mà thôi. Nếu ai xem trận Chelsea - M.U mới thấy áp lực đè nén lên Torres như thế nào. Mỗi lần bỏ lỡ cơ hội, mặt anh lại thoáng đỏ lên, mắt hơi liếc về nơi đặt máy quay gần nhất như một đứa trẻ mắc lỗi cúi nhìn ba mẹ trong lo sợ. Còn với Carroll, áp lực ghi bàn khiến cầu thủ này nhiều lúc biến thành mãnh thú “gầm thét” trên sân sau mỗi lần bỏ lỡ cơ hội. Biết rằng bỏ lỡ cơ hội thì ai chẳng nuối tiếc, nhưng tiếc nuối một cách điên cuồng như thế thì có hơi quá chăng? Dù biết rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của một tiền đạo là ghi bàn, nhưng đừng vì chuyện này mà tạo áp lực cho mình cao như thế. Muốn học được điều này cả Torres và Carroll hãy nhìn Rooney mà học tập. Có một thời gian dài Rooney tịt ngòi. Nhưng có sao đâu khi anh vẫn thi đấu xuất sắc vị trí hộ công, kiến tạo, thu hút hàng hậu vệ đối phương. Nếu ngày nào chưa cởi bỏ được áp lực, cả Torres và Carroll cũng chỉ là những người đi tìm hình của bóng mà thôi. NGỌC SƠN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận