
Bản dịch do dịch giả Đặng Thế Bính (NXB Kim Đồng) và được đánh giá là tốt và sát với nguyên bản nhất.
Nhân dịp này, nhà văn Tô Hoài ôn lại chuyện ông viết tác phẩm đã trở thành sách "gối đầu" của nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi VN:

- Tôi đến với tuổi thơ từ những trang viết đầu tay của mình. Chẳng có yếu tố thần kỳ, bí ẩn nào trong câu chuyện của tôi. Thế giới các loài vật ngộ nghĩnh, dường như giàu nội tâm và gần gũi với con người; nhân vật dế mèn cá tính, say mê những cuộc phiêu lưu, những chuyến lên đường xa lạ..., và bao nhiều điều khác nữa, bạn đọc thấy và cảm nhận trong tác phẩm của tôi có được, tất cả là nhờ thực tế đời sống đưa lại. Lúc đó tôi vừa hết tuổi chơi dế. Nghĩa Đô và làng tôi, nơi tôi được sinh ra, bấy giờ còn thuộc về tỉnh Hà Đông, cảnh vật thiên nhiên còn hoang sơ lắm.
Kèo kẽo suốt bảy năm, mỗi ngày 14 cây số cuốc bộ qua Thụy Khuê, đường Cổ Ngư, đến bờ hồ Trúc Bạch - nơi có trường tiểu học Yên Phụ, tôi đi học ở đấy. Nhờ quang cảnh ven đường mà thuộc lòng từng bụi lau, bãi cỏ những rãnh cùng mương và cả con sông Tô Lịch nhỏ bé chảy qua đầu làng - nơi Dế mèn và các bạn thực hiện bao chuyến ngao du lý thú. Bạn đọc có thể xem, những cuộc phiêu lưu của Dế mèn cũng như là một phần kỷ niệm tuổi thơ tác giả.
* Vậy thì, sự yêu thích phiêu lưu của dế mèn cố nhiên cũng phảng phất đôi nét tính cách, sở thích ngao du, thăm thú trời mây, sông nước của nhà văn?
- Chúng ta thường nói: Văn là người. Đọc văn có thể đoán được phần nào tính cách hoặc nhiều hơn nữa là biết về những giai đoạn đã qua trong cuộc sống của người viết. Mèn ta thích đi đây đi đó, tôi cũng có chung sở thích ấy, nhất là từ khi bước vào nghề văn. Làm báo, viết văn là cái nghề hôm nay ở đồng bằng, mai đã ngược lên miền núi. Nghề tạo ra nghiệp. Song với tôi, chính cái nghiệp hay đi nó lại củng cố và gắn chặt mình bền lâu với nghề viết.
Dế mèn phiêu lưu ký vừa ra đời tôi đã đi khắp ba miền Bắc, Trung, Nam rồi sang cả Cam-pu-chia - phiêu lưu như anh dế mèn vậy...
Nhớ hồi đi chiến dịch Tây Bắc (1952), lúc vào các khu giải phóng của đồng bào Thái, Mường, Mông ở Sơn La, ở Lai Châu, sống ở các khu du kích tôi đã thu, ghi chép được kha khá vốn liếng để viết tập truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Cứu đất cứu mường, Mương Giơn, Vợ chồng A Phủ và truyện về một thiếu niên anh hùng trong kháng chiến là Vừ A Dính ở Pú Nhung trên Lai Châu.
Trải hơn 80 năm cuộc đời (Tô Hoài sinh năm 1920), đi quá nhiều, tôi đã viết lại trong nhiều hồi ký đã in, vừa thực tế vừa sáng tác, nếu đem vào văn học thì nó cũng ví như bao nhiêu những chuyến phiêu lưu của các bạn họ Dế.
* Trong hoàn cảnh nào cũng có thể tập trung viết, cho đến nay đã viết ngót 200 tác phẩm - một con số khổng lồ sau hơn 50 năm cầm bút (và chắc còn tiếp tục dài thêm nữa), những điều đó cho thấy ở ông một sức làm việc thật phi thường. Cảm nghĩ của nhà văn khi nhìn lại?
- Năng khiếu bẩm sinh cộng với sự rèn luyện đã hình thành nên con đường viết văn của tôi. Tôi vốn tự học cho nên vốn cũng sẵn tính chịu khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận