Phóng to |
Ảnh minh họa |
Có thể nói không ngoa rằng lịch sử loài người là lịch sử của những cái mâm. Lịch sử loài người là sự nối tiếp của những cái mâm. Cái mâm của thời nguyên thuỷ có thể là một bãi đất trống mà trên đó để những chùm hoa quả hái lượm được, những muông thú ném bắt được. Cái mâm thời ấy cũng có thế là những phiến đá nhẵn, là tàu lá to…
Khi gia đình ra đời thì mâm tre, mâm gỗ xuất hiện. Mâm tre ban đầu là những thanh tre ghép lại thành tấm hình chữ nhật, có thể có bốn chân. Thế rồi mâm tròn bằng gỗ xuất hiện. Phương thức sản xuất càng phát triển, công cụ càng được cải tiến, bàn tay con người càng khéo léo, thì những cái mâm gỗ mít, gỗ sung càng tròn hơn, đẹp hơn.
Những nhà khá giả không dùng mâm gỗ mộc mà dùng mâm son (mâm sơn đỏ). Những đôi đũa mộc nhà nghèo không dám chòi mâm son là vì thế. ở những nhà nghèo, cái mâm có thể là cái dần, cái sàng, cái mẹt. Đến thời đại đồ đồng thì mâm đồng ra đời. Nhưng bà con ta vẫn thường dùng mâm gỗ vì mâm gỗ vừa nhẹ, vừa rẻ, lại vừa lành, tiện dụng cho mọi gia đình.
Từ thời kháng chiến chống Mỹ đến giờ là thời đại mâm nhôm. Mâm nhôm ra đời và nhanh chóng có mặt khắp mọi miền đất nước. Mâm nhôm rẻ hơn, tiện dụng hơn mâm gỗ. Mâm nhôm cũng lành, cũng đảm bảo được an toàn thực phẩm. ở các nhà hàng khách sạn, mâm tiệc không phải là mâm tre, mâm gỗ, mâm nhôm nho nhỏ mà là cả một cái bàn ăn to hình tròn, hình chữ nhật hoặc bầu dục mà trên đó có thể sắp được nhiều món ăn theo yêu cầu của khách.
Ở các gia đình thì cái mâm đời ông bà nối cái mâm đời cụ, cái mâm đời cha nối cái mâm đời ông, mâm đời con nối mâm đời bố... Mâm cũng như người, càng ngày càng phấn đấu để đẹp hơn lên. Đặc biệt là những món ăn đựng trong mâm của đời sau ngon hơn, phong phú hơn những món ăn đời trước. Hình thức của cái mâm có thể không khác nhiều nhưng nội dung trong lòng cái mâm thì phát triển theo thời đại. Mâm cơm của con cháu người Việt bây giờ có nhiều món ngon mà thời ông bà ta xưa chưa có. Ví như món thịt lợn hộp, thịt gà hộp, món nấm rơm, ngô bao tử, món tôm hùm, cá ba sa chế biến theo phương pháp công nghiệp. Mâm cơm của thời đại nào cũng mang những nét đặc trưng của thời đại ấy.
Nhưng mâm cơm của người Việt Nam ta dù đã nghìn đời nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Mâm cơm của người Việt Nam ta hẳn không có bánh mì và pho mát, hẳn không có nhiều món ngon của các nước Tây, Tàu. Nhưng mâm cơm của ngời Việt Nam ta có canh cua mồng tơi, có quả cả nén dòn chấm mắm tôm thơm phức, có món muối vừng thơm lừng hảo hạng - những món ăn ngon lành tuyệt diệu mà bất cứ người nước ngoài nào cũng ước ao được thưởng thức một lần.
Cái mâm gắn liền với đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Không có cái mâm thì con người biết cúng lễ làm sao? Dù quanh năm chân lấm tay bùn, cuốc bẫm cày sâu nơi đất quê hay tha hương nơi đất khách, dù có "bát ăn bát để"' hay "nghèo rớt mùng tơi" thì những ngày giáp tết, nhà nào mà chẳng phải lo sắm một mâm ngũ quả, nhà nào mà chẳng phải lo sắp sửa mâm xôi con gà cúng giao thừa, mời các cụ về ăn tết?
Cái mâm còn cần để đáp ứng nhu cầu tiếp khách, đãi khách của gia đình. Những ngày giỗ, đám cưới, đám tang, đám cất nhà, đám về nhà mới... con người ta phải huy động nhiều mâm vào cuộc ít là vài chục mâm. Nhiều hàng trăm mâm, có khi còn nghìn mâm nữa chứ! Mâm được dùng làm đơn vị đo quy mô của bữa tiệc, quy mô của đám. Mâm được dùng để đánh giá độ rộng mối quan hệ của gia chủ. Việc tổ chức một đám cưới, một đám tang, một đám cất nhà, làm đất, về nhà mới... chung quy lại là bao nhiêu mâm. Bao nhiêu mâm tức là bấy nhiêu tiền, bấy nhiêu trâu bò, lợn gà, ba ba, cá, tôm, cua, ốc, ếch...
Còn chất lượng của mâm cỗ thi lại phụ thuộc xào mấy bát, mấy đĩa. Bát để đựng các món nấu, hầm, om, ninh, mọc. Đĩa để đựng các món giò, chả, luộc, rán, xào... Ngoài ra còn có các loại gia vị: hành, tỏi, ớt, chanh, hạt tiêu, dấm, mắm tôm, xì dầu, ma di, nước mắm phù hợp với những món luộc, rán, xào, nấu, om, ninh, mọc kia.
Cái mâm là bạn của mọi gia đình. Có thể nói: Một gia đình được bắt đầu với hai trái tim vàng và một cái mâm. Cái mâm là chứng nhân của sự sum họp gia đình. Cái mâm chứng kiến biết bao những vui buồn, ngọt, bùi, cay, đắng của một gia đình, của một đời người, của một số phận.
Có những số phận cả đời chỉ ngậm ngùi bên cái mâm với bát cơm hẩm, cà thiu. Có những gia đình mâm cơm đầy chất ngất những sơn hào hải vị, những loại giò, chả, nem, bóng, mực... đắt tiền nhưng người ăn "nhai như bò nhai rơm", mỗi miếng cơm là một miếng đắng chát trong cổ họng. Nhưng có những ngời chỉ chan cơm với nước cua, nước cáy mà họ ăn ngon lành rồi lăn ra manh chiếu thâm thâm pho pho ngáy.
Có những gia đình quây quần bên mâm cơm chỉ vẻn vẹn có “râu tôm nấu với ruột bầu”, thế mà "chồng chan, vợ húp", con cái sì sà sì sụp, ai cũng khen ngon. Có những gia đình chỉ có rau đay, mồng tơi, con cua, con rạm, có thể cái mâm chỉ là cái mẹt, cái sàng, thế mà cả nhà ăn uống ngon lành. Thật là bữa cơm gia đình đầm ấm. Dẫu là “nồi tròn, vung tròn” hay "nồi méo, vung méo", dẫu là “cơm dẻo canh ngọt” hay "bát mẻ đũa vênh"... tất cả cuộc đời đều được diễn ra bên cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục thân quen ấy.
Không chỉ là chứng nhân của sự sum họp gia đình, cái mâm còn là chứng nhân của sự hộ ngộ anh em, bạn bè, chiến hữu. Cái mâm là chứng nhân của bao nhiêu cuộc gặp gỡ bất ngờ thú vị, là chứng nhân của bao nhiêu cuộc hội ngộ cảm động thân tình...
Nếu Bụt hiện lên cho ta chỉ được ước có một điều, ta sẽ ước sao cho khi ngồi bên cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục thân quen kia, tất cả mọi người ai ai cũng cảm thấy được bình yên hạnh phúc, không ai phải buồn đau, ăn năn hối hận, không ai phải toan tính một điều gì. Và khi ngồi bên cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục thân quen kia, không một ai phải nắn lại túi áo của mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận