06/05/2009 18:22 GMT+7

Xưa anh hùng, nay vẫn anh hùng

LÂM SƠN - VŨ HÀ
LÂM SƠN - VŨ HÀ

TTO - Chiều 4-5-2009, tại buổi giao lưu truyền thống các nhân chứng từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tôi gặp Đại tá, Anh hùng LLVT Phùng Văn Khầu và được biết, ông không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là một điển hình chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngắm bắn qua... nòng pháo

Anh hùng Phùng Văn Khầu kể:

- Tôi là người dân tộc Nùng, quê gốc ở Trùng Khánh (Cao Bằng). Mẹ mất sớm, tôi phải đi ở đợ nhà địa chủ. Năm 1946, tôi trốn nhà địa chủ, xin vào bộ đội pháo binh thuộc Trung đoàn 174, sau đó chuyển sang Trung đoàn 675 làm pháo thủ số 2 kiêm khẩu đội phó... Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội pháo 75 ly của tôi có 9 người, phải vào trận địa trước. Tôi cùng 8 đồng đội đã vác nặng gấp ba lần bình thường, hành quân 6 ngày đêm thì đến chân đồi Him Lam, bí mật vào chiếm lĩnh trận địa chỉ cách quân địch chừng 150 mét.

- Nghe nói ngày đó bác ngắm bắn qua nòng pháo? – Tôi hỏi.

- Đúng vậy vì ngày đó tôi chưa biết chữ, phải bắn ước lượng. Chiều ngày 30-3-1954, khẩu đội của tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch, chi viện cho bộ binh đánh chiếm đồi E. Cấp trên cho phép bắn 30 viên, nếu còn thừa đạn thì sẽ khen thưởng, bắn quá thì phải chịu kỷ luật. Nhận lệnh xong, tôi rất lo! Ngắm bắn quả đầu tiên vào lỗ châu mai của lô cốt thì đạn cách khoảng 10 mét. Tôi điều chỉnh, bắn phát thứ 2 thì đạn chui thẳng vào lỗ châu mai. Hôm đó, tôi và khẩu đội đã bắn liền 20 phát trúng mục tiêu bằng phương pháp ngắm qua nòng pháo…

IxAQwrWT.jpgPhóng to
Anh hùng Phùng Văn Khầu (thứ 2 từ trái sang) tại buổi giao lưu các nhân chứng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tá Phùng Văn Khầu hăng say kể tiếp: Ác liệt nhất là trận tập kích vào trận địa pháo 105 ly của địch ở bờ sông Nậm Rốm vào ngày 23-4-1954. Đồng đội tôi lần lượt bị thương và hy sinh. Căm thù địch bao nhiêu, tôi càng quyết tâm phải trả thù. Dồn tâm trí vào nòng pháo, lại được đồng đội “phù hộ”, tôi và một đồng chí bị thương là Lý Văn Pao đã diệt gọn cả 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu đại liên địch, tạo điều kiện cho quân ta tiến công thắng lợi.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được phong Anh hùng. Chính tôi cũng không tin nổi tại sao mình an toàn trước bão đạn của địch, mà lại ngắm bắn chính xác thế…

"Người hùng" chống tiêu cực

Chuyện chiến đấu của Anh hùng Phùng Văn Khầu đã đặc biệt, nhưng khi theo ông về nhà (Khu phố 8, phường Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội) nghe ông kể về chuyện chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, tôi lại càng mê hơn. Lục chiếc tủ đựng hồ sơ các vụ việc tiêu cực được lưu giữ hơn 10 năm qua cho chúng tôi xem, ông say sưa bộc bạch:

- Hơn 40 năm quân ngũ, trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi bảo vệ biên giới phía Bắc, qua nhiều chiến trường ác liệt, như Điện Biên, Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào, Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968… tôi và đồng đội phải chịu đựng bao nhiêu gian khổ, hy sinh để giữ gìn từng tấc đất. Biết bao máu xương đã đổ, bao nhiêu người anh dũng hy sinh. Thế mà khi đất nước hoà bình, một số cán bộ địa phương lại cố tình làm trái chủ trương, chính sách của Đảng để vụ lợi. Chứng kiến những vụ việc tham nhũng, tiêu cực ấy, tôi không thể nào chịu được vì cảm thấy mình và đồng đội, nhất là những đồng chí đã hy sinh bị xúc phạm ghê gớm.

vFua478x.jpgPhóng to
Ông Khầu giới thiệu các bộ hồ sơ chống tiêu cực

Ông mở tủ, lấy ra một đống hồ sơ chống tiêu cực và giới thiệu một số vụ việc điển hình mà ông đã trực tiếp đấu tranh thành công. Bà con ở phường Sơn Lộc gọi ông là “người hùng chống tham nhũng” quả không sai. Người anh hùng đã từng nhiều năm vào sinh ra tử ở khắp các chiến trường bảo đấu tranh chống tiêu cực có lúc còn gian nan, khó khăn hơn khi cầm súng chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Từ ngày về nghỉ hưu, ông đã nhiều lần phải “bày binh, bố trận”, điều tra rất tỷ mỷ, công phu mới khai thác được hồ sơ, tài liệu, chứng cớ chống tiêu cực; không ít lần ông lặn lội ra gặp các đồng chí lãnh đạo cấp Trung ương trình bày, yêu cầu giải quyết thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng.

Trong số hàng chục vụ tiêu cực điển hình mà “người hùng” Phùng Văn Khầu trực tiếp "phá án", có hai vụ được cả nước biết. Đó là vụ một số cán bộ xã Cổ Đông (Sơn Tây – Hà Tây cũ) lợi dụng quyền hạn cho thuê, xác nhận trái phép quyền sử dụng hơn 300.000m² đất, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng (từ năm 2002 đến năm 2004); vụ chính quyền sở tại “bí mật” cho “người quen” thuê hàng nghìn mét vuông đất mặt phố ở phường Sơn Lộc với giá “rẻ như cho”, khi ông và một số người quyết liệt đấu tranh, buộc chính quyền phải đưa ra đấu giá đã thu về cho ngân sách 16 tỷ đồng…

Tâm sự với chúng tôi, vợông - bà Hà Thị Cay (là Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1955) nói vui mà rất thật:

- Những năm chiến tranh, ông nhà tôi cứ đi biền biệt. Về hưu, ông ấy không chỉ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” với nhiều chức vụ “không lương” cho đến tận bây giờ, mà còn mải đấu tranh với các tệ nạn, tiêu cực. Ở đây, ai biết vụ tiêu cực nào, bức xúc việc gì cũng đến mách nhà tôi. Nhiều đêm nhìn ông ấy vò đầu, bứt tai bên đống hồ sơ, tôi còn lo hơn lo đạn thù thời chiến. Khuyên ông ấy nên nghỉ ngơi vì tuổi đã già, nhưng ông chỉ cười rồi nhắc lại những lời Bác Hồ căn dặn: “Chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành, trung thực, thật thà, thẳng thắn”…Tôi cũng đã được gặp Bác Hồ và được Bác dặn dò, nên ông Khầu nói thế thì tôi đành “bó tay”.

Công dân mẫu mực

“Xứng danh Anh hùng” là nhận xét của nhiều người dân ở Khu phố 8, phường Sơn Lộc dành cho Đại tá Phùng Văn Khầu. Là cán bộ cao cấp của quân đội, đạt nhiều thành tích vẻ vang trong chiến đấu và công tác (4 lần được gặp Bác Hồ, được Bác tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên), nhưng ông Khầu sống rất mộc mạc, giản dị, gần gũi quần chúng và tích cực giúp đỡ mọi người.

bwQ0bwzP.jpgPhóng to
Ông Khầu cùng con trai thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Ảnh tư liệu gia đình)

Bác Nguyễn San, Bí thư chi bộ Khu phố 8, phường Sơn Lộc, kể bằng vẻ thán phục:

- Với bác Khầu thì không ai chê được điều gì, vì bác và gia đình luôn mẫu mực từ những việc nhỏ nhất. Về hưu hơn 20 năm, tuổi xấp xỉ tám mươi nhưng hầu như bác không phút nào ngơi làm việc, chưa bao giờ bỏ một buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, học nghị quyết. Được bà con tín nhiệm bầu làm nhiều công việc của địa phương, chạy “long tong” suốt ngày, song về đến nhà là bác xăng xái ra vườn, giúp con cháu dọn dẹp nhà cửa. Mấy năm trước, bác Khầu còn mở lớp học tại gia, trực tiếp dạy môn toán miễn phí cho các cháu học sinh…

“Tốt một mình chưa đủ” là quan điểm của Anh hùng Phùng Văn Khầu. Vì thế, ngoài việc nuôi dạy các con chăm ngoan, học hành tiến bộ, ông còn nhiệt tình khuyên nhủ, động viên các cháu thanh, thiếu niên trong khu phố phấn đấu trở thành người tốt. Đặc biệt, trong sinh hoạt chi bộ và các tổ chức ở địa phương, ông luôn chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến, giúp các đồng chí có thiếu sót khuyết điểm phấn đấu tiến bộ.

Tiếp xúc với Anh hùng Phùng Văn Khầu, tôi rất tâm đắc với lời tâm sự đau đáu, rút ra từ trái tim, chí khí của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa: “Mình là người lính Điện Biên, đã từng vào sinh ra tử, lại vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu và dặn dò nhiều lần thì phải sống sao cho xứng đáng. Nếu mình không gương mẫu, sống bàng quan vô nghĩa là có tội với Bác Hồ, với những đồng đội đã anh dũng hy sinh”.

LÂM SƠN - VŨ HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên