Phóng to |
Vị trí não bị tổn thương. |
Dấu hiệu thường gặp sau tai nạn
Chảy máu: Nếu trẻ bị tai nạn gây chảy máu vùng vết rách da mặt, da đầu, chảy máu vùng này thường rất nhiều, làm cho gia đình và bản thân trẻ hoảng sợ. Gia đình nên bình tĩnh bế trẻ đồng thời ép chặt vùng chảy máu bằng miếng vải sạch rồi đưa ngay trẻ đến bệnh viện gần nhất để được sơ cứu ban đầu trước khi đến tuyến chuyên khoa.
Bầm tím phù nề, làm biến dạng hẳn khuôn mặt. Tuy nhiên lại trở về bình thường rất nhanh sau khoảng 3-4 ngày, nhưng nếu xử trí sai lầm thì hay để lại sẹo, đặc biệt ở những trẻ có cơ địa sẹo lồi.
Chấn thương vùng sọ mặt thường là những tổn thương tương đối nặng vì liên quan tới các cơ quan thiết yếu của sự sống như thở, tuần hoàn, hệ thần kinh... Thường gặp các chấn thương: gãy xương xung quanh ổ mắt - tổn thương mắt, rách tiền phòng, bong võng mạc, gãy xương gò má, xương hàm trên, xương hàm dưới... dẫn đến bầm tím, sưng nề xung quanh mắt, vùng mặt, sống mũi biến dạng, vẹo hoặc sập, khớp cắn giữa hai hàm bị lệch, thậm chí tách rời toàn bộ khối xương mặt ra khỏi hộp sọ.
Nếu mắt bị tím bầm như đeo kính râm, chảy máu mũi, chảy máu tai có thể kèm theo chảy dịch hồng là dấu hiệu ở những trẻ có tổn thương nền sọ. Phải để ý xem trẻ có đau đầu nhiều, nôn thường xuyên mà không liên quan đến bữa ăn, nếu xuất hiện những dấu hiệu này cần đưa đến khoa ngoại của các bệnh viện theo dõi chấn thương sọ não. Các chấn thương vùng mặt còn lại cần tìm đến chuyên khoa tai mũi họng có bộ phận phẫu thuật đầu cổ.
Kinh nghiệm xử trí chấn thương đầu mặt ở trẻ em
Khi khám những trẻ này trước tiên nên khám ở những vùng không đau trước để trẻ bớt lo lắng và hợp tác, điều này sẽ giúp đỡ rất nhiều để phát hiện đúng triệu chứng. Khám sọ mặt kết hợp với toàn thân để tìm tổn thương phối hợp.
Can thiệp đầu tiên khi gặp những bệnh nhân chấn thương sọ mặt là phải bảo đảm thông khí và huyết động - điều này có thể thực hiện được ở tuyến cơ sở.
Hút sạch trong khoang miệng lấy bỏ máu cục, mảnh xương vụn, răng gãy và dị vật. Nếu thấy lưỡi tụt ra sau gây khó thở cho trẻ phải kéo lưỡi ra trước bằng mọi cách: buộc chặt bằng gạc dài, khâu bằng chỉ ở chính giữa lưỡi rồi kéo ra trước...
Chấn thương gãy xương mặt phức tạp, phù nề nặng, xương hàm dưới gãy rồi tụt ra sau... cần đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản theo đánh giá và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nên có sự phối hợp giữa các bác sĩ tai mũi họng, phẫu thuật đầu cổ với bác sĩ nhi khoa, chỉnh hình, răng hàm mặt mới hy vọng giúp cho trẻ phục hồi lại tình trạng ban đầu tốt nhất.
Nếu đã loại trừ được chấn thương sọ não thì việc xử lý chấn thương vùng mặt càng sớm càng tốt để bảo đảm chức năng: nâng lại sống mũi trước 6 giờ vì xương vùng này tạo can rất sớm, xử trí các chấn thương xoang, tránh chảy máu mũi kéo dài sau chấn thương, kết hợp xương gãy vùng mặt...
Với trẻ từ 6-12 tuổi, có gãy răng phải cấy lại răng càng sớm càng tốt, rửa răng bằng nước muối sinh lý rồi đặt lại vào lỗ ổ răng, để trẻ ngồi giữ răng, nếu trẻ quá nhỏ không hợp tác, trẻ có thể bị sặc hoặc nuốt răng, lúc này bọc răng vào gạc tẩm nước muối sinh lý và chuyển đến bác sĩ răng hàm mặt.
Biện pháp phòng tránh
Phòng tránh chấn thương sọ mặt cho trẻ bằng nhiều biện pháp, như với những trẻ đang tập đi, nên để trẻ chơi ở những nơi rộng rãi, bằng phẳng, trống trải, trẻ lớn hơn có thể giải thích cho trẻ những trò chơi nguy hiểm và những rủi ro có thể gặp phải để trẻ tự phòng tránh cho mình.
Các bậc cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở và theo dõi hoạt động của con mình, tránh những nơi nguy hiểm, dễ gây tai nạn. Khi có rủi ro xảy ra, gia đình cần có những xử trí ban đầu như cầm máu, trấn an tinh thần trẻ, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng, kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận