20/04/2005 13:37 GMT+7

Xử trí khi ngộ độc nấm

Bác sĩ PHẠM DUỆ - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bác sĩ PHẠM DUỆ - Theo Sức khỏe & Đời sống

Đầu tháng 4-2005, hơn 20 người dân thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang đã phải nhập viện do ăn phải nấm độc, có trường hợp đã tử vong. Bác sĩ Phạm Duệ, trưởng khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cung cấp một số thông tin cơ bản trong cách chọn nấm, nhận biết và xử trí ban đầu khi ngộ độc nấm.

MpxsUy3N.jpgPhóng to
Nấm độc Amanitavar muscaria
Đầu tháng 4-2005, hơn 20 người dân thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang đã phải nhập viện do ăn phải nấm độc, có trường hợp đã tử vong. Bác sĩ Phạm Duệ, trưởng khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cung cấp một số thông tin cơ bản trong cách chọn nấm, nhận biết và xử trí ban đầu khi ngộ độc nấm.

Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Hiện nay có rất nhiều chủng loại nấm, nhiều loại có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon; có loại còn được dùng như là thuốc bổ “thần dược”. Tuy nhiên cũng có không ít loài nấm độc gây chết người nếu ăn phải. Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm đã được đưa vào sách “Guiness”, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc.

Nấm độc có rất nhiều loại, và về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc. Vì vậy, người ta khuyên chỉ nên ăn những loại nấm đã biết chắc chắn là ăn được mà không bị ngộ độc. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc.

Hai loại ngộ độc nấm thường gặp

Nấm độc có thể gây nên bốn loại biểu hiện lâm sàng là tổn thương dạ dày - ruột, tổn thương gan, tổn thương thần kinh và gây tan máu; các triệu chứng này thường đan xen nhau tạo nên những bệnh cảnh lâm sàng phức tạp. Xin trình bày cách phân loại, triệu chứng và xử trí hai loại ngộ độc nấm thường gặp ở nước ta: loại gây ngộ độc nhanh và loại gây ngộ độc chậm.

Nấm gây ngộ độc nhanh

Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện ngay sau khi ăn nấm (trong vòng 6 giờ) và kéo dài vài giờ, bệnh nhân thấy đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy phân nhiều nước - đây là các triệu chứng chính, nổi bật. Ngoài ra tùy theo loại nấm còn có thể thấy:

- Nếu là nấm Amanita muscaria: Bệnh nhân có biểu hiện giãn mạch, vã mồ hôi, chảy nước dãi, chảy nước mắt, tiêu chảy, nhịp tim chậm, đồng tử co, hạ huyết áp (hội chứng muscarinic);

- Nếu là nấm Amanita panthera (có nơi gọi là nấm sậy): Bệnh nhân giãy giụa, co giật, mê sảng; niêm mạc miệng và mắt khô; mạch nhanh, đồng tử giãn, đỏ da (hội chứng atropin).

- Ảo giác (ảo giác đơn giản): Bệnh nhân nhìn thấy các chấm sáng và chấm màu, hoặc các vạch nối nhau chạy trước mắt.

Nấm gây ngộ độc chậm

Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người, đáng sợ nhất là loại này gây nên tình trạng viêm gan nhiễm độc phá huỷ tế bào gan dẫn đến hôn mê gan.

Các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi ăn 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 2-3 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, do đó dẫn đến tiểu ít hoặc vô niệu.

Sau vài ba ngày xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong.

Điều trị ngộ độc nấm

Khi phát hiện thấy bệnh nhân ăn phải nấm độc, nếu còn sớm, thì ngay lập tức gây nôn. Nếu có điều kiện thì cho bệnh nhân uống than hoạt tính với liều 1-2g cho mỗi kg cân nặng kèm theo sorbitol với liều 2g cho 1 g than hoạt. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol. Đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Tại cơ sở y tế: Rửa dạ dày nếu bệnh nhân đến trước 4 giờ. Truyền dịch glucose 5%, natriclorua 0,9%, theo dõi và điều chỉnh nước và điện giải, đặc biệt chú ý bù kali.

- Chống hội chứng muscarinic bằng atropin 0,5 - 1mg qua đường tĩnh mạch, 15 phút một lần cho đến khi có dấu hiệu thấm atropin (da ấm, hết tăng tiết, hết đau bụng tiêu chảy).

- Chống hội chứng atropin bằng seduxen, điều chỉnh nước, điện giải.

- Chống ảo giác bằng aminazin.

Làm các xét nghiệm đánh giá và theo dõi chức năng gan - thận: urê, creatinin, đường, điện giải đồ, transaminase, prothrombin...

Nếu là loại gây ngộ độc chậm (các triệu chứng đầu tiên xảy ra sau 12 giờ trở đi) thì sau khi áp dụng các biện pháp trên cần cho thêm:

- Silymarine (légalon) có tác dụng bảo vệ gan, viên 70mg, uống 6 viên/ngày.

- Penicillin G (benzylpencillin): Tác dụng ức chế hấp thu amatoxin vào gan, bảo vệ gan, làm giảm tỷ lệ tử vong; với liều 500.000 UI/kg/ngày hay 300mg/kg/ngày, dùng trong 3 ngày.

- N. Acetylcysteine (NAC): Làm giảm lượng glutathion của tế bào gan, khôi phục lại dự trữ glutathion, cải thiện dòng máu tới gan và cải thiện chức năng gan; liều dùng: N-acetylcystein (mucomyst) gói 200mg, uống 140mg/kg liều đầu, sau đó dùng 70mg/kg/lần, 4 giờ/lần, cho tới khi AST dưới 200U/l. Nếu có thuốc ống để tiêm tĩnh mạch thì càng tốt; liều cũng giống như dùng đường uống.

- Chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để có thể thay máu, ghép gan nếu có điều kiện.

Phòng bệnh:

Rất khó phân biệt nấm ăn được và nấm độc qua đặc điểm hình thái. Vì vậy, chỉ những người đã có kinh nghiệm và biết chắc loại nấm ăn được mới nên hái nấm rừng về ăn. Khi không biết một cách chắc chắn rằng loại nấm đó có ăn được hay không thì không nên ăn.

Bác sĩ PHẠM DUỆ - Theo Sức khỏe & Đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên