20/01/2009 06:08 GMT+7

Xử sao với lái xe say rượu?

T.N.
T.N.

TT - Tai nạn giao thông do lái xe say rượu gây ra chiếm tỉ lệ khá cao so với các nguyên nhân khác. Vì vậy, các nước phát triển có những biện pháp kiểm tra chặt chẽ và xử phạt nghiêm khắc, kể cả phạt tù những lái xe say rượu, dù họ chưa gây tai nạn.

8BNM4aOS.jpgPhóng to
Chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức an toàn giao thông hướng tới mục tiêu “một xã hội không còn tai nạn giao thông” do Tổ chức phi chính phủ MPKEN (Nhật Bản) phối hợp với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt - Nhật Hà Nội tổ chức cuối năm 2008. Trong ảnh: một hoạt động trong chiến dịch, MC Hoài Anh và nghệ sĩ hài Xuân Bắc hướng dẫn các em học sinh tiểu học khi tham gia giao thông Ảnh: CÙ ZAP

Không chỉ kiểm tra độ cồn

Tại VN, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển môtô, xe máy trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg (250 microgram)/lít khí thở sẽ bị phạt. Tuy nhiên, do mức phạt còn thấp, không đủ răn đe nên Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các cơ quan chức năng soạn thảo nghị định sửa đổi nghị định về phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, tài xế ôtô uống rượu, bia hoặc người điều khiển môtô, xe máy nếu có độ cồn vượt mức trên sẽ bị phạt nặng, tước bằng lái xe và có thể bị tạm giữ xe.

Ở hầu hết các nước, việc kiểm tra nồng độ cồn của lái xe có dấu hiệu khả nghi trên đường hoặc tại trạm kiểm tra được thực hiện qua máy đo độ cồn trong hơi thở. Chỉ những tài xế đã gây tai nạn hoặc không vượt qua được kiểm tra mới phải kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Nhtsa.com, trang web về luật giao thông ở Mỹ, cho biết cảnh sát nước này áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra tại hiện trường khác nhau, đơn giản nhưng hiệu quả để xác định tài xế có say rượu hay không, như yêu cầu họ đứng bằng một chân, đếm ngược và đếm xuôi các ngón tay, đi bộ trên một đoạn thẳng ngắn, kiểm tra độ nhận biết của mắt hoặc khả năng điều khiển của não bằng cách yêu cầu tài xế nhắm mắt lại và đặt một ngón tay lên mũi...

Sự đa dạng trong biện pháp kiểm tra được sử dụng để đảm bảo việc kiểm tra nồng độ cồn không chỉ là những con số chết, cũng như để tránh sai lệch do máy móc. Quan điểm làm luật của họ rất rõ ràng và bám sát thực tế: nếu một tài xế còn đủ tỉnh táo để làm tất cả những việc đó chính xác, anh ta còn có thể lái xe. Ngược lại, ngay cả khi không say xỉn, cảnh sát vẫn buộc người tài xế phải ngừng xe.

Tất nhiên, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vẫn được sử dụng để hỗ trợ cảnh sát giao thông.

Phạt nặng

Hình phạt nghiêm minh đối với những lái xe say rượu là một biện pháp khác để chính quyền các nước ngăn chặn tai nạn giao thông. Theo Channel News Asia, tại Singapore, ngay cả khi nồng độ cồn trong hơi thở ở mức cho phép, cảnh sát vẫn có thể phạt người lái xe nếu như họ kết luận anh ta không còn điều khiển được chiếc xe với hình phạt tối thiểu là tước bằng lái trong một năm cùng khoản tiền phạt 1.000-5.000 USD, hoặc thậm chí là 6 tháng tù cho lần đầu vi phạm. Những kẻ tái phạm gần như chắc chắn sẽ phải ngồi tù.

Theo Straits Times, ở Mỹ, nơi tai nạn giao thông do lái xe say rượu xảy ra thường xuyên nhất trong số các nước phát triển (chiếm khoảng 40% các vụ tử vong do tai nạn giao thông), hình phạt đang được xem xét nâng lên. Từ năm 2008, những người say rượu ở Florida có liên quan tới tai nạn giao thông chết người có thể bị phạt 2 năm tù giam. Iihs.org, trang web của cơ quan bảo hiểm tổn thất đường bộ, cho biết tất cả các bang tại Mỹ quy định việc tước bằng lái từ một tháng đến một năm, 29 bang quy định những người tái phạm có thể sẽ bị tịch thu luôn xe, 42 bang và thủ đô Washington DC quy định cấm tài xế, hành khách (hoặc cả hai) mang đồ uống có cồn trong xe.

Tại Canada, luật pháp quy định chi tiết cho lần đầu vi phạm tài xế bị phạt 1.000 USD, phạt cấm lái xe một năm hoặc bị bỏ tù. Lần tái phạm thứ hai sẽ là 30 ngày ngồi tù và hai năm cấm lái xe. Lần tái phạm thứ ba mức án là ngồi tù 120 ngày và ba năm cấm lái xe. Ngày 15-12-2005, ở Watford, Ontario, Canada Charly Hart, một tài xế có “thâm niên” 35 năm liền nhiều lần lái xe trong tình trạng say xỉn với 39 lần phạm luật, đã bị kết án 6 năm tù giam, mức án cao kỷ lục ở Canada với tội này.

Siết chặt thêm trong năm mới

Dịp năm mới cũng là thời điểm các nước thắt chặt luật pháp về giao thông đường bộ nhất. Ngày 27-12-2008, Channel News Asia cho biết cảnh sát Singapore đã tiến hành một chiến dịch bốn giờ bắt giữ 18 người lái môtô trong tình trạng say xỉn. Thống kê của nhà chức trách Singapore cho biết tính riêng năm 2008 đã có 3.552 người bị bắt khi lái xe trong tình trạng say xỉn.

Lái xe khi say xỉn đã trở thành một vấn đề rất bức xúc ở đảo quốc sư tử. Ngày 6-1, tờ Straits Times trích dẫn hai vụ điển hình là Lee Cheow Loong, ông chủ một quán rượu 30 tuổi, đã lái xe trong tình trạng say xỉn, cán chết một người, nhận án phạt 1 năm tù cùng mười năm cấm lái xe. Tương tự là Su Hong, một doanh nhân 48 tuổi, cũng bị 11 tuần ngồi tù với năm năm cấm lái xe. Năm ngoái là năm tình hình lái xe say rượu đặc biệt nghiêm trọng ở Singapore, với những gương mặt quen thuộc như diễn viên Christopher Lee hay người dẫn chương trình truyền hình Benedict Goh đều phải ngồi tù.

Các nước có quy định khác nhau về nồng độ cồn cho phép trong hơi thở khi lái xe:

* Hi Lạp là một trong những trường hợp khắt khe nhất với quy định tối đa là 25 microgram cồn/lít khí thở. Mức phạt cho người điều khiển vi phạm quy định tối thiểu tăng dần từ khoản phạt 200 euro lên đến tối đa là tước bằng lái 180 ngày và 1.200 euro tiền phạt.

* Ở Hà Lan và Phần Lan, mức tối đa là 220 microgram cồn/lít khí thở.

* Tại Singapore và Anh, khung hình phạt thoáng hơn với mức tối đa cho phép là 350 microgram cồn/lít khí thở.

Đối với mẫu máu, nồng độ cồn cho phép ở Hi Lạp, Hà Lan, Phần Lan là 0,05%, trong khi ở Anh và Singapore là 0,08%. Tại Mỹ thông thường cũng là 0,08% nhưng có thể thay đổi tùy bang.

T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên