31/08/2009 08:00 GMT+7

Xử phạt hành chính vi phạm giao thông: TP.HCM vẫn kiến nghị tăng gấp đôi

G.HƯƠNG - V.V.THÀNH- NG.AN
G.HƯƠNG - V.V.THÀNH- NG.AN

TT - UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị như trên vì đó là biện pháp cấp bách, hữu hiệu để giảm kẹt xe và tai nạn giao thông. Một đại biểu Quốc hội nói trong trường hợp các mức phạt khác nhau được chứng minh là cần thiết thì phải kiến nghị sửa luật để áp dụng.

GF4JA9fh.jpgPhóng to
Đại úy Nguyễn Quang Uyên - CSGT TP.HCM - lập biên bản xử phạt tài xế xe container vi phạm Luật giao thông trên xa lộ Hà Nội - Ảnh: N.C.T.

UBND TP.HCM vừa tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho TP và thủ đô Hà Nội được thí điểm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức phạt gấp đôi so với hiện hành. Theo UBND TP.HCM, trước khi thực hiện, UBND hai thành phố sẽ trình HĐND thông qua.

Trước đây, vấn đề tăng mức phạt ở TP.HCM và Hà Nội đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào dự thảo nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông nhưng vừa bị Bộ Tư pháp “thổi còi”. Bộ Tư pháp cho rằng cùng một hành vi vi phạm nhưng mỗi nơi lại áp dụng quy định khác nhau là “không thực hiện đúng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật...”.

Tăng phạt để giảm ùn tắc và tai nạn

Trong kiến nghị mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho rằng tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm giao thông là một biện pháp cấp bách, hữu hiệu nhằm làm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại hai thành phố lớn. UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh: tại các địa bàn với tình hình ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông đang ở trạng thái nguy hiểm, có khả năng kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, nên phải có mức phạt hành chính cao hơn.

Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trật tự an toàn giao thông là do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân còn kém... Trong khi đó các quy định về cưỡng chế thi hành pháp luật đối với hai địa bàn trọng điểm là TP.HCM và Hà Nội vẫn chưa thật sự nghiêm khắc.

UBND TP.HCM cho biết tại nhiều cuộc họp, cả Hà Nội và TP.HCM đều kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng cho phép hai thành phố được áp dụng mức xử phạt cao hơn các địa phương khác.

XOeywlRe.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt các chủ xe máy vi phạm giao thông trên đường xuyên Á (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Các bộ nói gì?

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về việc UBND TP.HCM tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho tổ chức thí điểm tăng mức gấp đôi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ông Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) cho rằng ý kiến của Bộ Tư pháp đã thể hiện rõ trong văn bản trước đây.

Theo đó, cùng một hành vi vi phạm nhưng mỗi nơi lại áp dụng quy định xử phạt khác nhau là không thực hiện đúng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Ông Lê Hồng Sơn bày tỏ quan điểm: “Việc này sẽ do Chính phủ xem xét, quyết định nhưng tôi nghĩ là khó”. Theo ông Lê Hồng Sơn, việc giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông phải được thực hiện đồng bộ, trong đó xử phạt vi phạm hành chính chỉ là một giải pháp, với các quy định chung trong toàn quốc nếu được thực hiện thật nghiêm cũng sẽ có tác dụng nhất định.

Về phía Bộ Giao thông vận tải, theo bà Trịnh Minh Hiền (vụ trưởng Vụ Pháp chế), bộ trưởng Bộ GTVT đã ký tờ trình đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cho phép thực hiện thí điểm việc áp dụng mức phạt tiền cao hơn mức quy định chung đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Hà Nội và TP.HCM”.

Như vậy, mặc dù không có trong dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng việc nâng mức phạt ở Hà Nội và TP.HCM cao hơn so với quy định chung vẫn đang được đề nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đề cập vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng ý kiến của Bộ Tư pháp về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật là có cơ sở. Trong trường hợp mức phạt khác nhau được chứng minh là cần thiết thì cần phải kiến nghị sửa luật để áp dụng.

Cần có giải pháp kỹ thuật khác

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh (ủy viên ban chấp hành Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM) cho rằng tăng xử phạt vi phạm giao thông không phải là giải pháp tối ưu để chống ùn tắc, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tổ chức giao thông thật tốt, tăng diện tích mặt đường, nhất là giảm xây nhà chung cư hay cao ốc trong nội thành. Theo ông Ninh, đây là bài toán quy hoạch, không thể chỉ một biện pháp hành chính là có thể giải quyết được tình trạng kẹt xe ở TP.HCM hay Hà Nội.

Tương tự, luật sư Lê Đình Phạt nói: “Không nhất thiết phải xử phạt nặng hơn mới tránh được vi phạm hay ùn tắc giao thông. Để giải quyết những vấn đề này còn có nhiều giải pháp kỹ thuật khác: mở rộng đường, phân tuyến hợp lý, tuyên truyền vận động người tham gia giao thông chấp hành luật, tăng cường kiểm tra, giám sát...”.

Theo ông Doãn Phi Anh (nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải phía Nam), kẹt xe trong mấy năm qua phần lớn là do “lô cốt”, do các công trình giao thông chậm tiến độ. Nếu chính quyền TP giải quyết ngay chuyện này thì vấn nạn giao thông sẽ giảm và chưa hẳn phải cần tới một biện pháp hành chính cứng rắn.

● Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Phải được quy định trong luật

Chủ trương tăng cao mức xử phạt về giao thông tại đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng là một biện pháp cần thiết do điều kiện dân cư và đặc điểm của hệ thống đường giao thông quá tải. Tuy nhiên quy định này phải có trong luật, do Quốc hội quyết định chứ Chính phủ không thể ban hành nghị định. Tôi nghĩ Quốc hội nên xem xét để đưa quy định này vào trong luật, còn khi chưa có luật thì không thể có chuyện vượt rào.

V.C.M. ghi

G.HƯƠNG - V.V.THÀNH- NG.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên