Vào tháng 5-2019, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được khởi động - Ảnh: NAM TRẦN
Vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất "giải pháp tổng thể" cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Theo đó, giải pháp được JVE đưa ra là vẫn sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor, kè dọc hai bên bờ, giải quyết toàn bộ các vấn đề như nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy; làm sạch nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông, đặc biệt là xây dựng hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông.
Đề án này sau khi trình UBND Thành phố Hà Nội, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sinh thái, cảnh quan môi trường.
Mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải - Ảnh: NAM TRẦN
Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên sẽ thành công. Qua đó giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hàng chục năm nay tại dòng sông này. Đồng thời biến nơi đây thành địa điểm thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu cho thành phố.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án, đặc biệt là việc xử lý dứt điểm việc ô nhiễm của dòng sông. Khi mà hằng ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, ủy viên Uỷ ban KHCN và môi trường Quốc hội, sông Tô Lịch có nguồn thải vô cùng phức tạp nên cần sử dụng nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm khác nhau. Nếu chỉ sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor thì chưa giải quyết triệt để được việc ô nhiễm ở con sông này.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, công nghệ Nano - Bioreactor không phải là một phép màu - Ảnh: PHẠM TUẤN
"Tôi đánh giá cao tính tiến bộ cũng như những điểm tích cực của công nghệ Nano - Bioreactor. Tuy nhiên, công nghệ này không phải là một phép màu, xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch cần phải có biện pháp tổng thể. Chúng ta phải phân vùng và xử lý từ đầu nguồn, sau đó thì xử lý trên sông và kết hợp với các nguồn nước cung cấp bổ sung" - ông Khải nói.
Theo TS Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, việc biến cảnh quan hai bên sông Tô Lịch trở thành công viên là chuyện đơn giản, yếu tốt cốt lõi là làm sao xử lý sạch dòng sông.
"Đây là một đề án rất hay, tuy nhiên để đánh giá tính khả thi của dự án thì chúng ta chưa thể nói được. Bởi vì hiện nay có rất nhiều lượng nước thải từ các làng nghề, sinh hoạt đổ vào rất lớn, nên nếu không giải quyết được vấn đề này, thì rất khó để dự án thành công" - TS Đào Trọng Tứ chia sẻ thêm.
Về phía đại diện công ty JVE, ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ tịch HĐQT cho biết, công ty này đang chờ phía Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án. Sau khi có quyết định từ phía thành phố, thì JVE sẽ công bố lộ trình chi tiết các bước xử lý vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận