13/11/2018 11:19 GMT+7

Xu hướng mới trong đầu tư giáo dục đại học tư ở Việt Nam

PHẠM THỊ LY
PHẠM THỊ LY

TTCT - Giáo dục đang là một thị trường thực sự. Các trường ĐH tư ở Việt Nam hiện nay đã và đang hoạt động hoàn toàn như một doanh nghiệp.

Xu hướng mới trong đầu tư giáo dục đại học tư ở Việt Nam - Ảnh 1.

Thông tin về việc Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua được Trường ĐH Hoa Sen, trở thành chủ sở hữu của ĐH Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen, ĐH Gia Định, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu và rất nhiều trường mầm non và phổ thông khác, là một sự kiện nhất quán với xu hướng nổi bật mấy năm gần đây: mua bán và sáp nhập các trường ĐH tư.

Có thể kể thêm trường hợp Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech (là chủ sở hữu của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) mua lại Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM (UEF). 

Tập đoàn Hùng Hậu Holdings sở hữu Trường ĐH Văn Hiến cách đây 2 năm cũng hoàn tất mua hàng loạt trường CĐ Vạn Xuân, Trung cấp Vạn Hạnh, Trung cấp Vạn Tường, Trung cấp Âu Lạc (Huế). 

Tập đoàn Thành Thành Công cũng bắt đầu tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thông qua việc mua Trường ĐH Yersin, Trường CĐ Sonadezi. Đây là một hiện tượng rất đáng quan sát, nghiên cứu, và phân tích về bức tranh hiện tại/tương lai của giáo dục ĐH (GDĐH) Việt Nam.

Những sự kiện trên đây cho thấy rất rõ một hiện tượng: các trường ĐH tư ở Việt Nam hiện nay đã và đang hoạt động hoàn toàn như một doanh nghiệp (DN). 

Và giáo dục đang là một thị trường thực sự, cho dù giới nghiên cứu hay giới làm chính sách có thừa nhận hay không, thì điều đó cũng không làm thay đổi bản chất DN của các trường và bản chất thị trường của khu vực tư trong GDĐH.

Vấn đề là, hiện tượng này phản ánh xu hướng gì của GDĐH Việt Nam và có ý nghĩa gì đối với sự phát triển tương lai của GDĐH tư và GDĐH nói chung?

Xu hướng mới trong đầu tư giáo dục đại học tư ở Việt Nam - Ảnh 2.

Trường ĐH Hoa Sen là cơ sở giáo dục mới nhất đổi chủ sở hữu - Ảnh: M.G.

Câu chuyện của 30 năm

Cần trở lại bối cảnh và lịch sử phát triển của GDĐH tư mấy thập niên qua để đánh giá hiện tượng nói trên. Cho đến nay, đã có thể thấy rõ ba giai đoạn phát triển của GDĐH tư.

Giai đoạn đầu (từ 1988 - 2000) là thời kỳ các trường ĐH tư đầu tiên ra đời với những bước đi dò dẫm. Những trường này thậm chí còn chưa dám gọi mình là ĐH tư mà phải nói tránh đi là ĐH ngoài công lập. 

Điển hình là trường hợp Trường ĐH Thăng Long tên gọi ban đầu là Trung tâm ĐH dân lập Thăng Long (thành lập năm 1988), mãi đến năm 1994 mới chính thức có tên gọi là Trường ĐH dân lập Thăng Long. 

Từ năm 1995-2000, một loạt trường ngoài công lập ra đời như ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Phương Đông, ĐHDL Thăng Long, ĐHDL Quản lý và kinh doanh công nghệ, ĐHDL Hải Phòng, ĐHDL Hùng Vương, ĐHDL Văn Lang. 

Những người sáng lập các trường trong giai đoạn này chủ yếu là các nhà giáo có uy tín, hoặc đã từng lãnh đạo các trường ĐH công lập. Vì thế, tuy dựa vào nguồn vốn tư nhân và tự hạch toán, nhưng mô hình tổ chức và cung cách quản trị thì không mấy khác so với trường công.

Giai đoạn 2 (từ năm 2001-2013) được đánh dấu bởi sự chính thức công nhận các trường ĐH tư thục về mặt pháp lý và sự tham gia của các nhà đầu tư. Chỉ tính trong giai đoạn bùng nổ 2005-2009, số trường đã tăng từ 35 lên 77, tức là tăng hơn gấp đôi chỉ trong 5 năm. 

Không như giai đoạn 1 (người thành lập trường là các nhà giáo), giai đoạn 2 được đánh dấu bởi sự có mặt của trường ĐH quốc tế và các nhà đầu tư thuộc giới DN, điển hình là các trường ĐH RMIT, ĐH FPT, ĐH Tân Tạo, ĐH Hà Hoa Tiên... 

Do sự tham gia của giới DN và đầu tư chuyên nghiệp, các trường này có mô hình quản trị rất gần với các DN, thậm chí hoàn toàn giống DN, trong đó hiệu trưởng đóng vai trò CEO, một người quản lý cấp cao phải hoàn thành những chỉ tiêu mà giới chủ đặt ra.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ năm 2014, khi xã hội chất vấn về việc thành lập quá nhiều trường tư, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, sinh viên ra trường thất nghiệp, chất lượng và học phí của các trường có sự phân hóa rất mạnh mẽ. 

Nhiều trường lâm vào tình cảnh khốn đốn do không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: dùng học phí thấp để cạnh tranh với trường công, do học phí thấp không thể đào tạo có chất lượng, vì chất lượng kém dẫn đến mất uy tín, càng mất uy tín lại càng không thể tuyển sinh được dẫn đến khó khăn nghiêm trọng. 

Tình hình đó khiến Bộ GD-ĐT siết chặt việc cấp phép thành lập trường ĐH mới với những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt. Bối cảnh này đã làm nảy sinh việc mua bán các trường ĐH như một tất yếu. 

Mấy năm nay việc mua bán, đổi chủ các trường ĐH, CĐ, trung cấp diễn ra sôi động chưa từng thấy trước đây.

Quá trình này cho thấy diễn tiến của GDĐH tư ở Việt Nam tuân theo một xu hướng nhất quán là doanh nghiệp hóa, thị trường hóa, và càng lúc càng tiến sâu vào chỗ thương mại hóa. Chúng ta không nên quên là GDĐH tư ở các nước không nhất thiết là có cùng xu hướng giống như vậy. 

Cho đến nay, vẫn có nhiều nước không công nhận GDĐH tư vì lợi nhuận, đặc biệt là ở phương Tây, GDĐH tư vẫn chủ yếu là không vì lợi nhuận.

Xu hướng mới trong đầu tư giáo dục đại học tư ở Việt Nam - Ảnh 3.

Tác động của xu hướng này đối với chất lượng giáo dục

Một điều dễ thấy là cùng với sự xuất hiện các nhà đầu tư lớn, cơ sở vật chất của các trường đã tốt hơn trước. 

Trong giai đoạn đầu, phương thức đầu tư chủ yếu là "lấy mỡ nó rán nó", dùng nguồn thu từ học phí để đầu tư lại cho cơ sở vật chất, từng bước cải thiện phòng học thuê mướn, trang thiết bị tạm bợ tới chỗ khang trang hơn. 

Giai đoạn 2 nhờ sự tham gia của giới DN và đầu tư, đã có những đầu tư lớn cho cơ sở vật chất ngay từ đầu, như trường hợp RMIT hay Trường ĐH Tân Tạo. 

Tuy vậy, cơ sở vật chất to đẹp, khang trang cũng không phải là một bảo đảm cho thành công. Vì thế trong giai đoạn 3, việc đổi chủ sở hữu gắn liền với không chỉ tái thiết cơ sở vật chất, mà còn là thay đổi lớn về mô hình quản trị.

Nhờ nguồn vốn đầu tư lớn ban đầu, các trường bắt đầu có những điều kiện học tập tốt hơn cho sinh viên, có chiến lược đầu tư dài hạn cho việc tạo ra tên tuổi và thương hiệu, trong đó có việc đầu tư cho các nhóm nghiên cứu để có bài công bố quốc tế.

Quan trọng và trực tiếp hơn là việc áp dụng mô hình quản lý DN vào các trường. Mặt tích cực của nó là nhấn mạnh vào hiệu quả, nhờ đó giảng viên và nhân sự quản lý của các trường có mức lương tốt hơn, tăng cường động lực làm việc hơn và hướng tới những kết quả cụ thể hơn. 

Thêm vào đó, vì hoạt động trong cơ chế thị trường, các trường này rất bén nhạy với các nhu cầu và động lực của thị trường, đồng thời rất thành thạo và chuyên nghiệp trong việc tiếp thị cũng như đối đãi, phục vụ với sinh viên như những khách hàng của mình.

Việc quản lý các trường ĐH tư theo mô hình DN có thể tránh được, hay nói đúng hơn, là tạo ra một khuôn khổ để xử lý những tranh chấp, bất đồng trong vấn đề sở hữu và quản trị như đã xảy ra và làm suy yếu nhiều trường tư trước đây. 

Quản lý theo mô hình DN cũng không phải là điều xa lạ đối với các trường ĐH công lập trên thế giới do những ưu điểm của nó.

Tuy nhiên, hoạt động theo mô hình DN và trở thành một DN về bản chất là hai vấn đề khác nhau. Hoạt động theo mô hình DN là vấn đề quản trị, tổ chức và quản lý, còn trở thành một DN là vấn đề sứ mạng và mục tiêu của tổ chức.

Việc các trường ĐH hoạt động hoàn toàn như một DN cũng không ngừng bị chỉ trích trên thế giới vì nó gắn với hiện tượng thương mại hóa GDĐH. Lý do cũng dễ hiểu: đã là DN thì mục tiêu là lợi nhuận. 

Khi đã xem GDĐH là một loại dịch vụ, tương tự như học nghề, khám chữa bệnh, thì cung ứng dịch vụ nhằm tìm kiếm lợi nhuận cũng là điều bình thường. 

Theo những người chỉ trích, "việc thương mại hóa GDĐH có thể diễn ra ở hai cấp độ khác nhau: ở cấp độ quản lý là đòi hỏi vận hành nhà trường như một DN, tập trung vào chi phí và hiệu quả về mặt tài chính, nhấn mạnh việc tìm kiếm nguồn thu, đánh giá các sản phẩm và thành tích bằng các thước đo cụ thể, và coi sinh viên như những khách hàng; ở cấp độ chuyên môn là đối xử với toàn bộ quá trình dạy và học theo nguyên tắc chi phí - lợi ích, tái định hình mục tiêu của việc dạy và học, phi nhân tính hóa quá trình dạy và học" (Li Qing Tao, NYT, 2018). 

Adriana Kezar (2016) cũng cho rằng điều này tất yếu khiến cho những sứ mạng phục vụ lợi ích công của trường ĐH bị coi nhẹ.

Việc hoạt động như một DN có thể biến các trường thành một siêu thị tương tự như Walmart, trong đó các giảng viên có biên chế và cơ hữu đã bị thay thế phần lớn bằng giảng viên hợp đồng, vì chi phí cho một giảng viên hợp đồng thấp hơn nhiều (Keith Hoeller, 2014). 

Vì có lợi về mặt chi phí, những hệ quả tiêu cực của việc này đã bị bỏ qua: thật khó mà nói tới chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khi giảng viên bị trả lương rẻ mạt, không có sự an toàn về chỗ làm, và không có gì bảo vệ quyền tự do giảng dạy và nghiên cứu của họ.

Tuy nhiên, trường ĐH mang những trọng trách và sứ mạng khác có thể bị tổn thương do mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. 

Đó cũng là điều mà GS Philip Altbach (Boston College), giám đốc sáng lập Trung tâm giáo dục Đại học Quốc tế Boston, cảnh báo: 

"Trong nhiều thế kỷ trước đây, các trường ĐH truyền thống đã hoạt động với chức năng là trung tâm của xã hội. Tuy chức năng ấy đã thay đổi qua thời gian, nó vẫn không biến mất. 

Trong gần một ngàn năm, các trường ĐH đã tự định nghĩa mình là những tổ chức với sứ mạng giáo dục dựa trên những hiểu biết phổ biến về giá trị của nhà trường, tức không chỉ là những đơn vị đào tạo tri thức chuyên môn trong một ngành nghề cụ thể nào đấy mà còn là những tổ chức văn hóa chủ yếu của xã hội. 

Các trường đại học được xã hội công nhận một cách hoàn toàn đúng đắn là những tổ chức đặc biệt bởi vì mục tiêu của nó vượt xa những hoạt động thương mại hằng ngày. Ngày nay tất cả những điều đó đang bị đe dọa nghiêm trọng".

Xu hướng mới trong đầu tư giáo dục đại học tư ở Việt Nam - Ảnh 4.

Ngay cả trong trường hợp coi trường ĐH chỉ là trường dạy nghề, thì các trường cũng đang bán một món hàng rất đặc biệt mà chất lượng của nó thật ra là nằm trong tay người mua: kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ, là những thứ thực ra không thể mua bán được như những món hàng thông thường. 

Nhà trường chỉ có thể tạo ra điều kiện cho người học thụ đắc những thứ đó. 

Vì thế, việc xem sinh viên như những khách hàng có thể dẫn đến những thỏa hiệp về chất lượng, còn việc xem giảng viên như những công nhân được yêu cầu làm việc theo những quy trình nhất định và bị kiểm soát bởi những chỉ tiêu nhất định sẽ làm tổn hại đến tự do giảng dạy và nghiên cứu, không có nó thì một cơ sở đào tạo không thể được coi là một trường ĐH.

Đó là lý do mà xét về mặt hệ thống, cần có các trường công và tư, trong khu vực tư cần có các trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận để bổ sung cho nhau. 

Xu hướng DN hóa, thị trường hóa, thương mại hóa các trường tư ở Việt Nam, vì thế, có những tác động tích cực nhất định trong một chừng mực hợp lý. Nhưng nếu xu hướng đó trở thành tuyệt đối, nó sẽ tạo ra các lỗ hổng khiếm khuyết cho hệ thống. 

Cũng có thể là các trường tư vì lợi nhuận trong quá trình phát triển sẽ biến đổi theo hướng nhìn vào lợi ích dài hạn, và duy trì lợi ích dài hạn bằng cách thực hiện một số việc mà các trường không vì lợi nhuận sẽ làm. 

Chính sách cần được thiết kế trên cơ sở khích lệ tầm nhìn dài hạn cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong khu vực GDĐH là vì thế.

Do nhấn mạnh yếu tố chi phí và hiệu quả về mặt tài chính, thẩm quyền quyết định trong mọi vấn đề được trao vào tay giới quản lý, còn tiếng nói của giới hàn lâm thì thường bị coi nhẹ.

Điều này phản ánh rất rõ trong sự chênh lệch về mức lương giữa giới quản lý và giới hàn lâm cả trên thế giới và ở các trường tư Việt Nam hiện nay.

Ở Mỹ, lương hiệu trưởng ĐH tính trung bình là 450.000 USD/năm, kỷ lục cao nhất năm 2017 là mức lương 4,29 triệu USD/năm, trong lúc lương bình quân của giáo sư Mỹ khoảng 70.000 USD/năm, đó là chỉ tính giáo sư trong biên chế, chiếm khoảng 25% tổng số giáo sư Mỹ.

75% còn lại là giảng viên hợp đồng thì chật vật với 20.000-25.000 USD/năm, 1/4 trong số họ phải dựa vào các chương trình tài trợ của chính phủ dành cho người nghèo, thậm chí có người không nhà, phải sống trên xe hơi.

Ở Việt Nam, hiện không có thống kê chính thức về lương hiệu trưởng của các trường tư nhưng có lẽ kỷ lục là mức lương 500.000 USD/năm của một trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong số các trường tư trong nước, kỷ lục là mức lương tương đương 150.000 USD/năm. Mức lương khoảng 2-3 tỉ đồng/năm, tức xấp xỉ 150-250 triệu/tháng, cũng không phải là cá biệt.

Mức lương hiệu trưởng trong khoảng 80-120 triệu đồng/tháng hiện khá phổ biến ở các trường tư đang có doanh thu tốt.

Trong khi đó, thu nhập giảng viên ở các trường tư dao động trong khoảng 10-20 triệu đồng/tháng ở các trường thuộc tầm trung, ở các trường thuộc phân khúc cao nhất cũng chỉ khoảng 20-40 triệu đồng/tháng.

Mức chênh lệch này cho thấy người ta đã chú trọng tới việc tìm kiếm nguồn thu và sử dụng nguồn thu theo cách mang lại lợi nhuận cao nhất, vốn là trách nhiệm chính của giới quản lý, mà quên rằng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thực chất là nằm trong tay giới hàn lâm.

Nở rộ mua bán đại học: Tránh thương mại hóa giáo dục Nở rộ mua bán đại học: Tránh thương mại hóa giáo dục

TTO - Tuy pháp luật không cấm việc mua bán trường đại học nhưng có luồng ý kiến: giáo dục có thể xem là hàng hóa, mua bán được, nhưng cần tránh tình trạng thương mại hóa giáo dục.

PHẠM THỊ LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên