![]() |
Cảnh được mùa sen ở Thành nội như thế này đã trở nên quá xa vời - Ảnh: Thái Lộc |
Ông Luyến đã 88 tuổi, có hơn 70 năm gắn bó với nghề trồng sen, là người có công góp phần tạo dựng nên thương hiệu sen Tịnh Tâm nổi tiếng ở Huế. Giờ đây ông đang nẫu ruột ngồi nhìn những đầm sen của Huế ngắc ngoải chết.
Một đời gắn bó với sen
Nhà ông Luyến nằm bên sông Ngự Hà, ông đang ngồi trên bậc đá dẫn xuống vuông sen nhỏ. Mấy hôm nay ông cứ ra đây ra ngồi, suốt ngày nhìn xuống vuông sen này. Anh Nguyễn Văn Vân, con trai ông Luyến, nói: "Dạo này sen cứ chết hoài nên ông buồn như người mất hồn!".
Ông Luyến theo nghề trồng sen từ hồi 16, 17 tuổi. Ông bắt đầu trồng sen trong hồ Tịnh Tâm cũng từ hồi đó. Anh Vân kể dù đã già yếu nhưng ngày nào ông cũng đi bộ ra hồ Tịnh Tâm. "Khi mùa sen nở là ông ngồi suốt bên bờ hồ mà ngắm sen đến tận tối mịt. Ông mê sen lắm, cả đời gắn bó với sen nên chừ không sống thiếu sen được".
Bây giờ già yếu, ông Luyến không còn tự tay trồng sen, nhổ sen được nữa. Nhưng mỗi vụ trồng hay thu hoạch sen, ông luôn ra hồ Tịnh Tâm xem và chỉ dẫn cho con cháu. Mấy người con ông Luyến đều nối nghiệp cha, trồng sen trên khắp các hồ đầm, họ cũng chính là những người hằng năm vào trồng sen làm đẹp cho các lăng tẩm của Huế.
Ông Luyến bước thoăn thoắt trên cây cầu tre dẫn vào đảo Phương Trượng giữa hồ Tịnh Tâm. Ông thuộc vị trí từng gốc cây trên hồ, biết chúng mọc lên từ hồi nào, thời nào. Ông đã gắn bó với nơi này từ thời vua Bảo Đại, khi hồ Tịnh Tâm còn là nơi vua dạo chơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp. Theo ông Luyến, sen Huế không giống sen nơi khác. Sen Huế không phải chỉ trồng để lấy hạt mà còn để chơi, để ngắm.
Từ chỗ chỉ trồng sen trong hồ Tịnh Tâm, dần dà ông Luyến được giao cho việc trồng sen ở khu Đại nội, trong các cung, phủ… Ông nhớ nhất là những lần được gọi vào trồng sen trong cung An Định, nơi hoàng hậu Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - sống. Hồ trong cung này hồi đó sâu gần cả 2m, nên trồng cho sen lên được là chuyện không dễ. Nhiều người bó tay nhưng ông Luyến vẫn mày mò trồng được. Ông Nguyễn Văn Nhân, một người bạn trồng sen của ông Luyến, nói: "Ở Huế, nói về kinh nghiệm trồng sen thì không ai qua nổi ông Luyến. Sau này ông là người đi đầu trong việc phát triển giống sen Huế ở các hợp tác xã sản xuất. Tui là lớp sau, học được nhiều từ ông lắm!".
Khóc sen
![]() |
Sen chết, ông Luyến ngồi bần thần nhìn ra hồ Tịnh Tâm - Ảnh: Nguyễn Duy Ngọc |
Đã hết tháng sáu mà hồ Tịnh Tâm chỉ có lác đác vài bông sen còi cọc ngoi lên khỏi mặt nước. Những chiếc lá sen vừa nhô được lên đã khô quắt lại, nằm rạp trên mặt hồ nhớp nháp rong rêu. Ông Luyến chua xót: "Bảy, tám năm lại đây sen cứ mất mùa liên tục. Năm ni thì coi như chết trụi luôn. Chồi sen vừa ngoi được lên mặt nước là cứ rụi dần, rụi dần. Không chỉ hồ Tịnh Tâm, sen trong hào quanh Đại nội, sen trên sông Ngự Hà… cũng rụi hết. Ra đây nhìn hồ sen xác xơ là tui không cầm lòng nổi, cứ muốn khóc. Đời tui 70 năm trồng sen chưa khi mô thấy sen chết thảm như ri!". Theo ông Luyến và một số người trồng sen có kinh nghiệm thì sen chết chủ yếu do tình trạng ô nhiễm môi trường nước.
Ông Luyến dắt tôi đi chỉ từng cái cống đang xả những dòng nước đen ngòm xuống hồ Tịnh Tâm. "Cứ cái đà ni thì không còn sen hồ Tịnh Tâm nữa rồi!". Ông cho biết nhiều người thầu mặt nước hồ để trồng sen, nhưng năm nào sen cũng chết nên ai cũng ngao ngán. Họ chỉ còn cách thả rau muống xuống hồ để vớt vát lại ít vốn mà thôi.
Buông mái chèo, đẩy chiếc ghe nhỏ ra xa bờ, đôi tay ông Luyến run run nâng lấy một đóa hoa sen hiếm hoi trên mặt hồ. Cái cách ông chạm tay vào đóa sen rất lạ, nhẹ nhàng và trìu mến. Trên đôi mắt già nua, nhăn nheo của ông, một giọt nước mắt ứa ra và lăn dài, giọt nước mắt của người cả đời sống trọn tình trọn nghĩa với hoa sen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận