01/09/2006 05:12 GMT+7

"Xóm chòm mả" giữa phố

PHẠM DIỄM
PHẠM DIỄM

TT - Xóm nằm ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, nhà cửa và mồ mả nằm sát bên nhau. Đó là khu vực IV, phường An Cư, nhưng người dân nơi đây quen gọi là “xóm chòm mả”.

hwesfGJ8.jpgPhóng to
Bà Tiên lau cái mả nằm trong nhà mình
TT - Xóm nằm ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, nhà cửa và mồ mả nằm sát bên nhau. Đó là khu vực IV, phường An Cư, nhưng người dân nơi đây quen gọi là “xóm chòm mả”.

Ba mươi năm lau mả

Ông Năm Chơn, một trong những người sống lâu năm ở đây, nói: “Tôi về đây năm 1947, hồi đó ở đây hoang sơ chỉ vài ba cái nhà, mồ mả thì hàng ngàn cái. Bây giờ người ta đã san lấp hết, nhiều cái mả đã mãi mãi nằm sâu trong lòng đất mà thân nhân họ đến tìm cũng không thấy”.

Mới năm ngoái, trong lúc đào đường người ta phát hiện một quan tài, hiện đã đem cốt vào chùa Bửu Liên của xóm. Hiện tại còn gần 30 cái mả khác nổi trên mặt đất. Nhà chị Lương (bán vé số), ngay trước cửa và hông nhà chị có sáu cái mả.

Trong đó có hai cái có mộ bia ghi rõ tên người dưới mộ, hai cái khác chỉ còn nhô lên khỏi mặt đất chừng ba tấc nhưng không thấy được trọn vẹn vì những vật dụng của nhà chị chất lên nó. Một cái nằm tụt hẳn dưới ao nước đen, bia mộ nhô khỏi mặt nước chưa đầy hai tấc. Ngoài ra còn có hai cái mả vừa được bốc để lại hố đất trống.

Theo tiến sĩ Huỳnh Thu Hòa - phó trưởng khoa khoa học Trường ĐH Cần Thơ, thông thường những thi hài được chôn trên 10 năm mới có khả năng phân hủy hoàn toàn. Quá trình này sẽ sinh ra một số chất, chủ yếu là cacbônic, mêtan, ở người chết trẻ còn có thêm phôtpho… mà cảm quan bình thường sẽ không nhận thấy. Đôi khi vi khuẩn, vi sinh ở vùng nghĩa địa cũng ngấm vào mạch nước ngầm, kể cả hệ thống nước trên mặt đất bị rò rỉ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sống tại đây.

Ở cái xóm này chuyện xây nhà trên những cái mả hay gần kề bên mả là chuyện thường, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là nhà của vợ chồng ông Hai Tiên (mua ve chai). Ngôi nhà lá rộng chưa đầy 18m2 nhưng chứa trong nó cái mả to đến nỗi không có chỗ để trải trọn vẹn một chiếc chiếu.

Khi chúng tôi đến, bà Tiên đang lau mả, một việc mà bà thường làm đã gần 30 năm. Tối đến bà trải chiếu nằm xuôi theo cái mả, còn chồng bà thì nằm vắt vẻo ngang đầu mả mà cả hai vợ chồng đều không hề biết người nằm dưới lòng đất là ai.

Cách nay mấy năm con của người trong mả có tìm đến định bốc cốt nhưng thấy ông bà Tiên đối với người thân mình thân thiện, họ đổi ý và lót nền mả để cả người sống và người chết đều có chỗ sạch sẽ. Đến dịp thanh minh hoặc tết họ về thăm mả.

Sát vách phải nhà bà Tiên là nhà con trai bà cũng có mấy cái mả nhưng bà Tiên bảo: “Người ta vừa bốc nên phía nhà bếp con tôi được nới rộng”. Còn bên vách trái là nhà chị năm Hồng (bán chè) cũng có ba cái mả ngay trước cửa nhà, một cái to chắn ngang lối đi nên ai muốn vào nhà chị phải nghiêng người lách qua ba cái mả. Cứ như vậy, người sống và người chết ở đây như cùng một thế giới.

Chờ TP cho ở hay đi

“Xóm chòm mả” được hình thành từ việc san lấp nghĩa địa làm nhà của những người dân có cuộc sống khó khăn và đến nay phần lớn số hộ trong xóm đều sống bằng những nghề không ổn định. Chẳng hạn, ông bà Hai Tiên đã từng bán một cái nền 25m2 với giá 7,5 triệu đồng trước khi về ở với cái mả hiện giờ.

Bà Tiên bảo: “Hồi đó thiếu nợ, tôi mới bán cái nền kia, hi vọng sống bằng số tiền còn dư sau khi trả nợ, nhưng bây giờ chỉ trông chờ vào gánh ve chai của ổng”. Vài năm gần đây, “xóm chòm mả” bắt đầu có người giàu về xây nhà cho sinh viên trọ, có cán bộ công chức về ở.

Hiện người dân trong xóm xài điện “câu đuôi” với giá 2.000-3.000 đồng/kWh, mua nước với giá 4.000 đồng/m3 từ các hộ giáp ranh với xóm. Phần vì phải mua nước giá cao, phần do nước bị rò rỉ vì tải đường xa bằng ống nhựa mỏng nên nhiều hộ rất tằn tiện nước, thậm chí tận dụng nước ao hồ gần nhà.

Mặc dù vậy, họ vẫn không rời bỏ nơi đây và cho biết: “Chúng tôi ở đây để sống qua ngày. Chỉ hi vọng ngày nào giải tỏa thì Nhà nước thương tình cho một nơi ở khác hoặc cũng cho một ít tiền đền bù”!

Theo UBND phường An Cư, xóm này có diện tích 2.529,8m2 với khoảng 59 hộ dân đang sinh sống. Toàn bộ số hộ trong xóm đều không có sổ đỏ, không có hộ khẩu tại đây. Phường cũng đang chờ ý kiến của UBND thành phố: qui hoạch hay cho dân sử dụng để thu tiền sử dụng đất.

PHẠM DIỄM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên