30/12/2007 01:00 GMT+7

Xóm "cave"

NGUYỄN ĐẶNG HẠNH PHÚC (Huế)
NGUYỄN ĐẶNG HẠNH PHÚC (Huế)

TT - Buổi sáng nhợt nhạt năm 2005 tại Huế, tôi được bác xe thồ "làm mối" đến một xóm trọ nằm sát bến xe phía nam. Buổi đầu tiên tới đất cố đô cái gì cũng lạ, không bà con thân thích, tôi một mình vác balô cà tàng đi tìm nơi trọ học.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cả xóm trọ không một bóng người, yên tĩnh, vắng vẻ. Những cánh cửa đóng kín, những đôi dép ngổn ngang nằm im ỉm. Bà chủ nục nịch đon đả: "Xóm toàn người đi làm, chắc lại làm ca đêm về mệt quá đấy". Tôi chẳng nói gì, thỏa thuận giá cả rồi nằm dài trên giường. Chợt nhớ đến cảnh xóm trọ toàn sinh viên, vui vẻ, hồn nhiên giống như trong bộ phim Phía trước là bầu trời, cũng thấy lòng chộn rộn. Chẳng biết những vị hàng xóm của mình ra sao đây.

Quá trưa, hình như là hơn 12g rồi thì phải. Phía phòng đầu cùng vang lên tiếng cười nói... Nhỏm dậy, toan bước đến bắt chuyện thì suýt nữa tôi bị dập đầu bởi cánh cửa phòng bên mở thật mạnh một cách vô ý... Một chị mặc bộ đồ ngủ mỏng tang, vươn đôi tay, gập những ngón tay sơn màu lòe loẹt nghe răng rắc... Tôi thấy rờn rợn. Chị trố mắt nhìn tôi - một thằng nhóc quê mùa cộc kệch... "Vừa chuyển đến hả?". Chị hỏi nhưng chẳng cần câu trả lời. Tôi cũng ậm ờ cho qua chuyện....

Suốt cả buổi chiều và tối tôi ngồi thừ trước cổng, có cảm giác bất an với chốn cư ngụ mới của mình, khi những thành viên trong xóm toàn là "mắt xanh mỏ đỏ”, tóc không vàng thì cũng tím... Có may chăng thì ở phòng đầu có một người con trai trọ, làm công nhân cho một xí nghiệp nào đó nhưng cũng đang sống thử như vợ chồng với một chị. Chợt nhớ lại lời "đường mật" của bà chủ nhà: "Toàn người đi làm cả... đi làm ca đêm...", làm kiểu gì mà 8g đêm mới đánh xe ra khỏi nhà, quần áo kín kín hở hở thế kia. Ôi chao, vô duyên vô cớ tôi lại bị đẩy đến một xã hội thu nhỏ rất phức tạp. Ở đây, việc học sẽ đi về đâu?

Với suy nghĩ của tôi lúc ấy, từ "cave" thật khó nghe, bởi tôi quan niệm nó đồng nghĩa với nhơ nhớp, bẩn thỉu và vô liêm sỉ. Cả hai tuần liền, sáng xách cặp đi học, chiều về nếu tôi không lủi đi nơi khác thì cũng đóng cửa kín mít nằm lì trong phòng. Có chăng là đôi lời xã giao. Tôi sợ giao du với họ, sợ bộ dạng, sợ những điệu cười khả ố của họ, sợ cảnh những người đàn ông lạ mặt vào xóm...nhấn còi và những người con gái vướng bụi trần lao ra xe rồi mất dạng. Đây rõ ràng không phải là nơi để một thằng sinh viên - dẫu thế nào cũng có chút tri thức - như tôi ẩn náu. Rời xa cái chỗ quái quỉ này chỉ là vấn đề thời gian.

Lại thêm một buổi tối khủng khiếp nữa trôi qua. Thật ra vào khoảnh khắc ấy, xóm trọ thật vắng người bởi ai cũng phải đi "làm việc". Mang ghế ra giữa sân ngồi ngắm sao trời, lâu lắm rồi tôi mới có được giây phút lãng mạn , bỗng "rầm"... chiếc xe Mio tông mạnh vào cổng. Giật mình, tôi lao đến... "Chị Hương!". Mùi rượu nồng nặc bốc ra từ chị làm tôi không thể chịu nổi. Máu từ tay chị nhỏ giọt xuống chiếc áo hai dây cụt lủn. Cảm thấy ái ngại, thoáng dè dặt, bởi thật sự tôi không muốn chạm vào họ...Nhưng biết làm thế nào. Dìu chị vào phòng - cái phòng sực nức phấn son, miệng chị ú ớ: "Chiếc xe... chiếc xe...".

Đẩy chiếc Mio đã bị xước nhẹ ở phần mang và đuôi vào phòng xong , tôi toan đi về nhưng nghĩ làm thế có quá vô tâm không khi nghĩ dẫu sao họ cũng là con người. Tôi chợt nhớ lại cách đây mấy hôm nhìn thấy chị Mai - người ở cùng phòng với chị Hương - ngồi ngoài hiên khóc một mình, trên má vẫn còn đỏ ửng một dấu tay to tướng, chiếc áo mỏng bị kéo rách sau lưng một mảng dài. Tôi không thể để mặc chị được... Nắm chặt tay lại lấy can đảm, tôi trở vào. Lấy khăn nhúng nước ấm chùi lên trán chị và vết thương trên cánh tay... Pha cho chị một cốc nước chanh..., tôi ngồi ở cửa phòng chị canh đến 1g đêm, tới khi chị Mai về...

Gần họ lâu cũng thành quen. Cách nói năng suồng sã của họ không còn làm tôi khó chịu. Nhịp sinh học ngủ ngày làm đêm của họ chẳng làm tôi bận tâm. Thậm chí cả công việc của họ, mà sau này tôi biết là làm matxa, cắt tóc trá hình... tôi đã không còn sợ hãi như xưa nữa. Bởi tôi biết họ cũng có nỗi đau và cái khó xử riêng. Và sau những việc tôi "thể hiện" trước họ, họ cưng chiều tôi như đứa em út, sống rất thoải mái và niềm nở đối với tôi.

Tôi sẽ chuyển đi, đó là điều chắc chắn.... Lựa chọn ấy không cần phải bàn. Ba tháng sau, cuối học kỳ hai năm 1, tôi dọn đến một xóm trọ sinh viên. Tôi không tán thành cách sống buông thả, bất cần đời của các chị trong xóm "cave". Nhưng tôi sẽ nhớ lắm những quả trứng lộn nóng hổi mà những đêm "đi làm" khuya các chị mua về, cả xóm vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Nhớ hôm chị Hoa bị "khách" quỵt tiền, cả xóm "đoàn kết" ném dép, chửi bới gã khốn nạn. Nhớ hôm tôi bị ốm, các chị chăm sóc, quan tâm tôi như một ông hoàng con vậy. Nhớ lắm... Nhưng các chị biết không, sẽ có một điều tôi nhớ nhưng không hề muốn nhớ, mà tôi chỉ mong mình có thể quên đi, đó là cách mưu sinh của các chị phận gái hồng trần....

Thông báo của ban tổ chức cuộc thi

“Chuyện đời tự kể” (báo Tuổi Trẻ ngày 18-10-2007) có đăng bài dự thi “Một chuyện xấu hổ”. Sau đó, bạn đọc Nguyễn Đức Tiến (Quảng Ngãi) phát hiện bài này giống đến 90% bài “Đụng con bỏ chạy”, đã đoạt giải nhất cuộc thi “Kể cho chúng tôi câu chuyện của bạn” và đã được in trong sách do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - NXB Lao động Xã Hội Hà Nội ấn hành năm 2006.

Như vậy, tác giả Cao Bình đã vi phạm qui định của cuộc thi. Xin cảm ơn ông Nguyễn Đức Tiến và xin lỗi bạn đọc vì sơ suất nói trên.

Qua đây, chúng tôi xin được nhắc lại qui định của cuộc thi “Chuyện đời tự kể” là bài dự thi phải là chuyện có thật và chưa được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cuộc thi vẫn tiếp tục nhận bài tham dự cho đến hết ngày 15-7-2008. Bài dự thi gửi về tòa soạn Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Hoặc e-mail chuyendoituke@tuoitre.com.vn.

NGUYỄN ĐẶNG HẠNH PHÚC (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên