22/02/2011 05:17 GMT+7

Xoay xở với lãi suất

B.HOÀN - T.V.NGHI
B.HOÀN - T.V.NGHI

TT - Không dám đầu tư mới, sản lượng sản xuất sụt giảm... Đó là những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt do lãi suất quá cao. Nhiều doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở để duy trì sản xuất.

Read this on Tuoitrenews.vn

BuUa2a38.jpgPhóng to
Kiểm tra máy thổi nhựa tại Công ty TNHH sản xuất văn phòng phẩm bút bi Quyky 1 - Ảnh: T.Đạm

Chưa khi nào việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lại “nhàn hạ” như lúc này. Bởi việc vay vốn cho sản xuất kinh doanh vẫn phải chờ đợi để các ngân hàng xem xét, giải ngân.

Đầu tư theo phương thức “cuốn chiếu”

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời điểm này doanh nghiệp buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm mọi chi phí có thể. Nên đầu tư theo phương thức “cuốn chiếu”, tức “suy nghĩ” những dự án lớn nhưng chia nhỏ thành nhiều giai đoạn thực hiện. Dồn vốn hoàn thành từng giai đoạn một, đưa vào sử dụng, khai thác ra hiệu quả kinh tế rồi làm tiếp từng phần còn lại. Một số doanh nghiệp cho biết ngay từ đầu năm đã hình thành mặt bằng giá cao nên cần thận trọng trong các kế hoạch sản xuất và trữ hàng.

Linh hoạt điều chỉnh giá

Ông Nguyễn Văn Lành - phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Thịnh Vina, doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón có trụ sở tại TP.HCM - cho biết đang gặp quá nhiều khó khăn do giá USD tăng và lãi suất ngân hàng quá cao. Vốn vay giải ngân trong tháng 1 và tháng 2 công ty phải gánh lãi suất tới 20%/năm. Lợi nhuận kinh doanh từ mặt hàng phân bón sử dụng nguyên liệu nhập khẩu rất khó bù đắp được mức lãi suất trên.

Ông Lành tính toán để trả được lãi suất ngân hàng, lợi nhuận trong thời điểm này phải đạt 35-40%. “Đâu chỉ có lãi suất ngân hàng, chúng tôi còn chịu tác động của giá USD. Do đó, để có được lợi nhuận trên là điều không tưởng. Nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá trong khi đầu ra vẫn còn loay hoay chưa giải quyết được” - ông Lành than thở.

Không trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nên theo ông Lành, công ty đang rơi vào tình thế bị động trước tác động của giá USD. Với lý do bị ảnh hưởng bởi tỉ giá USD, chỉ trong vòng một tuần, nhà cung cấp nguyên liệu đã hai lần tăng giá bán. Chưa kể chi phí vận chuyển, trợ cấp cho công nhân, giá một số nguyên vật liệu trong nước đều tăng.

Để tránh thua lỗ, trong tháng 1 và 2 Công ty Phúc Thịnh Vina đã ba lần phải điều chỉnh giá bán hàng với mức tăng tổng cộng 12%. Ngay lập tức, đầu ra bị thu hẹp khiến sản lượng phân NPK và phân vi sinh của công ty từ 1.800 tấn/tháng ở những thời điểm thông thường đã tụt xuống 500 tấn/tháng.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp khó trong việc thương lượng giá cả đầu ra với khách hàng. Bà Nguyễn Thị Như Thái, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Trường Lâm Thịnh (Đồng Nai), cho biết công ty làm cả hai thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều bị ảnh hưởng bởi giá USD. Theo bà Thái, việc mua USD để trả cho nguyên liệu nhập khẩu làm hàng trong nước không dễ dàng. Công ty mua được USD theo giá ngân hàng nhưng phải chịu phí, có thời điểm mức phí lên đến 10%.

Ông D., giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản tại TP.HCM, cho biết các ngân hàng lại dè chừng trong việc cho vay vốn. Vốn vay dự kiến được giải ngân sau tết vẫn ách lại đến nay. Điều này khiến doanh nghiệp chỉ có thể làm ăn bằng vốn tự có và phải bỏ lỡ không ít cơ hội làm ăn khi thị trường nông sản đang được giá.

Cố gắng duy trì hoạt động

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết: “Ít ngành kinh doanh nào có lời bằng với mức lãi suất 20%/năm. Nếu doanh nghiệp không đầu tư, không mở rộng mạng lưới sẽ càng khó khăn” - ông Hòa cho hay. Hiện Saigon Co.op đã lên danh sách cắt giảm nhiều khoản đầu tư để dồn vốn vào những dự án không thể không triển khai trong năm nay.

“Chúng tôi đã phải xin ý kiến đại hội thành viên điều chỉnh mức lợi nhuận và doanh thu đặt ra của năm theo hướng sáu tháng báo cáo một lần để dễ xoay xở theo diễn biến thị trường” - ông Hòa chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Ngành - giám đốc Công ty TNHH văn phòng phẩm Quyky (TP.HCM) - cho hay khoản vay dự kiến 3 tỉ đồng của công ty ông trong năm nay đã đình lại vì “không thể kham nổi lãi suất quá cao”. Nguyên liệu làm bút bi như mũi viết, mực... đều phải nhập khẩu. “Gánh” cả hai yếu tố lãi suất và tỉ giá, doanh nghiệp không dám nghĩ tới việc mở rộng đầu tư mà chỉ duy trì hoạt động để giữ được việc làm cho công nhân.

Ông N.A., một doanh nghiệp may tư nhân ở Q.Bình Tân, cho hay kế hoạch vay 0,5-1 tỉ đồng để cơi nới thêm phòng lưu trú cho công nhân từ giữa năm 2010 đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ngoài lương bổng, muốn giữ chân người lao động cần tạo điều kiện để công nhân có nơi ở ổn định. Hiện công ty còn khoảng 300 công nhân cần chỗ ở. Các công nhân này đang ở rải rác khắp nơi và được ông hứa sẽ tạo chỗ ở trong năm nay.

Đứng trước khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp khẳng định cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh của họ đều trông chờ vào việc điều hành linh hoạt ở cấp vĩ mô. “Chúng tôi hi vọng đây chỉ là giai đoạn tạm thời. Nếu mặt bằng lãi suất cao như hiện nay kéo dài đến hết năm thì năm sau sẽ không có nhiều doanh nghiệp đủ sức trụ nổi” - ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận định.

B.HOÀN - T.V.NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên