23/03/2011 07:10 GMT+7

Xoay xở với cúp điện

LÊ SƠN - T.V.N. - Q.KHẢI
LÊ SƠN - T.V.N. - Q.KHẢI

TT - Nhiều doanh nghiệp và người dân đang tất bật trang bị máy phát điện và những thiết bị khác để chuẩn bị đối mặt với cúp điện. Không chỉ thế, một số doanh nghiệp đang tính đến việc sắp xếp lại sản xuất...

Read this on Tuoitrenews.vn

r4cU3gU6.jpgPhóng to
Nhân viên một công ty tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM kiểm tra máy phát điện chuẩn bị cho ngày cúp điện 25-3 (ảnh chụp chiều 22-3) - Ảnh: Q.Khải

Tình trạng cúp điện xảy ra tại nhiều nơi đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp đành tìm mua máy phát điện, cơ cấu lại sản xuất, thậm chí cắt giảm lao động.

Ngày 22-3, nhiều công ty, doanh nghiệp trú đóng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã phản ảnh liên tục ba tuần qua hầu như tuần nào nơi đây cũng bị cúp điện.

Cúp điện để... bảo trì

Chị Trang, quản lý phân xưởng nhuộm của một công ty TNHH tại khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, cho biết mặc dù thời gian cúp không quá năm giờ nhưng phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc cả ngày. Theo chị Trang, sau thời gian bị cúp điện không thể ép công nhân làm việc đến 22g-23g rồi sáng hôm sau tiếp tục làm nữa.

Chưa kể quy trình thao tác nhuộm phải mất 1-2 giờ mới đủ thời gian làm nóng máy. “Cúp điện nhiều nhưng Công ty Điện lực Bình Chánh gửi giấy nói là bảo trì lưới điện. Trong một tháng cúp tới bốn lần để bảo trì” - chị Trang bức xúc.

Ông Nguyễn Thanh Long, giám đốc Công ty Điện lực Bình Chánh, khẳng định việc cúp điện như trên do công tác bảo trì sửa chữa lưới điện. Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) quy định thời gian cúp điện không quá năm giờ/lần nhưng do khối lượng công việc lớn nên phải chia nhỏ để thực hiện. Vì vậy có trường hợp một tuyến dây phải cúp điện bốn lần/tháng để thực hiện công tác mới xong.

Việc cúp điện đều được thông báo đến khách hàng. Không chỉ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, sắp tới việc cúp điện sẽ diễn ra tương tự ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Ông Long cũng cho rằng mức phân bổ điện từ EVN HCMC cho Công ty Điện lực Bình Chánh vẫn đảm bảo nhu cầu nên chưa phải tiết giảm điện.

Tuy nhiên, giải thích của ông Long khác với tuyên bố EVN HCMC trong cuộc họp về kế hoạch cung cấp điện mới đây là việc cắt điện công tác trong chế độ vận hành bình thường không quá năm giờ/ngày và không quá hai lần/tháng.

0aJQs1bS.jpgPhóng to

Hầu hết doanh nghiệp phải sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp với tình hình thiếu điện. Trong ảnh: dây chuyền dệt vải của Công ty cổ phần dệt may Thái Tuấn (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: Minh Đức

Chi tiền mua máy phát điện

Ngày 22-3, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc Công ty may mặc Thiên Thảo (Q.Tân Bình, TP.HCM), đảo quanh các điểm bán máy phát điện để tìm mua máy. “Nghe thông tin năm nay tình hình thiếu điện sẽ căng hơn năm ngoái nên tôi tranh thủ tìm mua máy phát điện sớm, tránh tình trạng sốt giá vào mùa cao điểm. Vẫn biết sử dụng máy phát điện chi phí sản xuất sẽ đội lên rất nhiều nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận để tự cứu mình”.

Để đối phó với tình hình cúp điện từ sớm và có khả năng kéo dài, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chọn giải pháp đầu tư mua máy phát điện thay vì thuê như mọi năm.

Tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, bà Ngọc Thắm - chủ một công ty gia công nhúng kẽm nóng - cho biết: “Đặc thù ngành tôi phải đảm bảo cấp điện liên tục. Vì vậy, chúng tôi phải tự trang bị máy phát điện, chuẩn bị đầy đủ dầu để khi cúp điện thì chạy máy, nếu không việc gia công bị đình trệ, thiệt hại còn nhiều hơn”.

Ông Dương Thái Sơn, giám đốc Công ty bao bì giấy Nam Long (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cho biết hiện doanh nghiệp đang gặp khó vì tình trạng cúp điện sớm xảy ra (cao điểm có tuần cúp điện hai lần). Do đó, bên cạnh việc tăng ca trong những ngày có điện, công ty phải chi hơn 100 triệu đồng mua máy phát điện chứ không thể ngưng sản xuất.

Ngoài việc bỏ ra chi phí ban đầu để mua máy phát điện, các doanh nghiệp còn phải tốn thêm khoản chi phí xăng dầu. Theo tính toán của một doanh nghiệp chế biến gỗ, một máy phát điện công suất 1.300 kVA tiêu tốn của doanh nghiệp trên 50 triệu đồng/ngày cho nhiên liệu. Giá thành điện sản xuất từ máy phát điện trên 3.000 đồng/kWh. Mặc dù chi phí cao gấp nhiều lần giá điện thông thường song các doanh nghiệp vẫn buộc phải chọn giải pháp dùng máy phát điện để duy trì sản xuất, đảm bảo giao hàng đúng thời hạn hợp đồng.

Cắt giảm nhân công

Ông Võ Trường Thành, tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Bình Dương), cho biết với tình trạng cúp điện như hiện nay buộc công ty phải cho công nhân nghỉ việc.

Ông Thành tính toán để đáp ứng lượng điện sản xuất cho khu xưởng 6.000 công nhân, công ty phải mất gần 10 tỉ đồng mua máy phát điện. “Với lãi suất và giá dầu như hiện nay chúng tôi không thể chọn phương án này. Việc giảm công suất lao động cũng khiến chúng tôi đau đầu khi nhiều công nhân nộp đơn xin nghỉ về quê vì thu nhập giảm” - ông Thành lo lắng.

Giải pháp mà Trường Thành xoay xở trong tình hình hiện nay là nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất, đầu tư quảng bá thương hiệu và tìm kiếm những thị trường mới có giá trị cao hơn.

Trong khi đó, ông Bùi Thọ Lưu Hiển, giám đốc Xí nghiệp Casumina Đồng Nai (Khu công nghiệp Đồng Nai), cho biết hiện nay công nhân chỉ có thể sản xuất năm ngày rưỡi/tuần, thay vì bảy ngày/tuần do thiếu điện. Theo ông Hiển, từ ngày 1-3 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều được thông báo chỉ sản xuất bốn ngày/tuần.

“Chúng tôi phải năn nỉ dữ lắm mới được nâng hạn mức sử dụng điện lên năm ngày rưỡi/tuần. Nếu so với nhu cầu 29.000 kWh/ngày thì lượng điện hiện nay vẫn thiếu, nhưng dù sao vẫn đỡ hơn nếu cắt ba ngày/tuần như trước” - ông Hiển nói.

Để tận dụng tối đa những ngày “được phép” sản xuất, Casumina Đồng Nai đề nghị các công nhân hạn chế nghỉ phép, tăng cường tối đa quân số đi làm nhằm bảo đảm sản lượng hàng hóa sản xuất để kịp tiến độ các hợp đồng đã ký. Thậm chí xí nghiệp còn chuyển sang đi làm ngày chủ nhật vì lịch cúp điện rơi vào ngày thứ hai, chỉ những bộ phận không liên quan đến sản xuất mới được khuyến khích đi làm vào những ngày bị cúp điện.

Riêng những trường hợp cần thiết nghỉ cũng được yêu cầu thông báo trước một tuần để bộ phận nhân sự thu xếp các công nhân khác trám vào chỗ trống để không bị hụt năng suất lao động.

TpvkEZb9.jpgPhóng to
Chọn mua máy phát điện tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM) - Ảnh: Lê Sơn

Khảo sát tại khu chuyên bán sản phẩm điện máy trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), xa lộ Hà Nội (Q.2, Q.9, TP.HCM) cho thấy thị trường mua bán, cho thuê máy phát điện khá sôi động.

Tại một số địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai xảy ra hiện tượng cúp điện sớm hơn mọi năm, do đó các loại máy phát điện có công suất lớn 100-500kVA phục vụ sản xuất, văn phòng của các công ty, khu công nghiệp đang rất hút hàng. Các loại máy phát điện dùng cho gia đình có công suất từ 1-5 kVA cũng được người dân tìm mua nhiều. Hiện nay phần lớn máy phát điện hiện có trên thị trường là hàng VN, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan...

Theo một số cửa hàng kinh doanh máy phát điện trên đường Lý Thường Kiệt, dòng sản phẩm do VN lắp ráp như Hòa Bình, Hữu Toàn, Hồng Minh... được khách hàng chọn mua khá nhiều bởi chất lượng tốt hơn hàng Trung Quốc, trong khi đó so với các sản phẩm nhập nguyên chiếc từ Nhật, Thái Lan, sản phẩm của VN có giá rẻ hơn rất nhiều. Theo một số đơn vị cung cấp máy phát điện, giá sản phẩm này tăng khoảng 12% so với năm trước.

LÊ SƠN - T.V.N. - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên