28/10/2010 09:08 GMT+7

Xóa triệt để nạn đua xe trái phép

TTO
TTO

TTO - Sáng 28-10, nhiều câu hỏi và câu trả lời rất thẳng thắn đã được đưa ra tại buổi trao đổi trực tuyến chủ đề: “Đua xe trái phép - biện pháp xóa bỏ?” do Tuổi Trẻ Online tổ chức.

loLFGM5I.jpgPhóng to
Các khách mời trao đổi trực tiếp với bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Minh Đức

Khách mời buổi trao đổi trực tuyến gồm:

- Đại tá Võ Văn Nhuận - trưởng Phòng Cảnh sát giao đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM

- Thượng tá Phan Văn Chung - phó trưởng Công an quận Bình Thạnh

- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM

- Luật sư Huỳnh Văn Nông

- Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy

- Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thống, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy

Sau đây là nội dung buổi trao đổi trực tuyến

:

* Ấn tượng, cảm xúc của các ông trong cuộc truy quét nạn đua xe đêm 23 rạng ngày 24-10 thế nào? (sahsa@...)

GUm0ZQ9o.jpgPhóng to
Thượng tá Phan Văn Chung trả lời độc giả từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Minh Đức

- Thượng tá Phan Văn Chung: Ấn tượng, cảm xúc chung của các lực lượng công an quận, công an phường, công an giao thông, dân phòng, ban bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, cảnh sát hình sự... sau khi chặn đứng được dòng đua xe là rất vui khi quần chúng nhân dân hai bên đường vỗ tay vui mừng, như lời cảm ơn từ nay sẽ được bình yên. Đó là điều tất cả lực lượng chống đua xe trong đêm 23 rạng ngày 24-10 cảm thấy hạnh phúc vì đã làm được một việc có ích cho dân.

* Xin hỏi đại diện Công an TP.HCM: Sắp tới bên công an có kiến nghị gì với chính quyền thành phố để nạn đua xe thật sự không còn tồn tại khi các bạn thanh thiếu niên như tôi đây không có chỗ để vui chơi giải trí lành mạnh như: sân bóng, công viên, sân quần vợt... cho dù nó là những sân đất bình thường như dưới quê (Lê Xuân An, 23 tuổi, lxan228@...)

Công an Thành phố đã đề xuất UBND Thành phố có văn bản về tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống tụ tập, đua xe trái phép hoặc chạy xe gây rối trật tự công cộng, trong đó chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các cơ quan chức năng cùng tham gia đấu tranh xóa bỏ tệ nạn này.

- Đại tá Võ Văn Nhuận: Công an Thành phố đã đề xuất UBND Thành phố có văn bản về tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống tụ tập, đua xe trái phép hoặc chạy xe gây rối trật tự công cộng, trong đó chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các cơ quan chức năng cùng tham gia đấu tranh xoá bỏ tệ nạn này.

UBND Thành phố đã chỉ đạo các ban ngành từ Ban an toàn giao thông thành phố, Công An Thành Phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Giáo dục và đào taọ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Tư Pháp; Đài truyền hình thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thành đoàn TNCS Thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố. Hội Cựu chiến binh thành phố tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng chống tệ nạn tụ tập đua xe trái phép, chạy xe gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố.

Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, sự phối hợp nhuần nhuyễn của các ban ngành đoàn thể theo chỉ đạo của thành phố cùng với sự ủng hộ của nhân dân thành phố sẽ góp phần thực hiện tốt công tác xóa bỏ tệ nạn này.

TP.HCM hiện nay có rất nhiều điểm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân, như các Trung tâm văn hóa quận huyện, Nhà văn hóa thanh niên, Nhà văn hóa phụ nữ… ở đây thanh thiếu niên có thể tham gia vào các hoạt động thể chất lành mạnh.

* Tại sao các quận khác không cùng hợp tác triệt phá các băng nhóm tụ tập đua xe trái phép mà chỉ có quận Bình Thạnh? Để rồi địa bàn quận này hết tụ tập đua xe đến địa bàn quận khác tiếp tục đua tiếp! Cứ như vậy chừng nào mới giải quyết dứt điểm được tình trạng đua xe, lạng lách, nẹt pô và đánh võng? (Nguyễn Chí Đạt, 21 tuổi, nguyenchidat1989@gmail.com)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Kế hoạch phương án phải chọn thời cơ thời điểm. Thời điểm của Công an quận Bình Thạnh đến trước, điều kiện cho phép thì triển khai trước. Các quận khác khi có đủ điều kiện như vậy thì sẽ làm sau.

* Ngoài các bạn trẻ thích cảm giác mạnh và tham gia đua xe thì cũng có một nhóm rất đông các thanh niên tham gia cổ vũ. Phải chăng hiện nay thành phố đang rất thiếu các sân chơi an toàn dành cho thanh niên và phải chăng một bộ phận không nhỏ trong thế hệ thanh niên ngày nay đặt ý thức "chơi nổi", thể hiện cái tôi cho dù tốt hay xấu lên trên ý thức phục vụ cho lợi ích cộng đồng (Nguyễn Xuân Huy, 21 tuổi, nguyen_xuan_huy1989@)

- TS Đinh Phương Duy: Ý thức "chơi nổi" của thanh niên thì ở thời đại nào cũng được thể hiện một cách rất cụ thể. Việc hình thành cái tôi của thanh niên chịu sự tác động mạnh mẽ từ các giá trị và chuẩn mực xã hội, đặc biệt là nhận thức về lợi ích và ý thức phục vụ. Có nhiều trường hợp thanh niên thể hiện cái tôi một cách thiếu kiềm chế, không phải do họ thiếu ý thức mà có thể họ không nhận thức rõ về lợi ích của bản thân và của cộng đồng đối với điều họ đang thể hiện. Để giúp bạn trẻ khẳng định giá trị của mình một cách lành mạnh, các lực lượng giáo dục cần tổ chức hoạt động xã hội đa dạng, tạo điều kiện để thanh niên được trải nghiệm, sống với cảm xúc thực của mình để họ không có cảm giác bị căng thẳng, tránh được những hành động nông nổi, "xung động": tổ chức những cuộc du khảo, thám hiểm các vùng đất mới hoặc các trò chơi phiêu lưu, tạo cảm giác mạnh trong một môi trường an toàn.

* Từ góc nhìn của mình (CSGT, Công an quận, Hội liên hiệp Thanh niên VN, tâm lý), các anh chị lý giải thế nào về nguyên nhân hiện tượng đưa kéo xe kéo dài qúa lâu ở TPHCM)? (Thanh Minh, 22 tuổi, thanhminh27392@yahoo...)

- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Đối với các bạn trẻ trong độ tuổi mới lớn thường xuất hiện nhu cầu khám phá và khẳng định vai trò của cá nhân của mình, các bạn luôn có một mong muốn được làm thủ lĩnh của một nhóm cụ thể nào đó. Hiện tượng tụ tập đi "bão", biểu diễn các màn điều khiển xe nguy hiểm của một bộ phận thanh niên trong thời gian vừa qua cũng xuất phát từ lí do đó. Tôi thấy nơi nào có đông thanh niên cổ vũ thì những người này mới thực hiện các màn biểu diễn nguy hiểm. Tuy nhiên đây là một trong những chọn lựa sai về mặt giá trị của nhóm bạn trẻ này, ví chính hành động đó đã vi phạm luật và gây tác hại lớn đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thiết nghĩ các nhóm bạn trẻ này tham gia vào các hoạt động tình nguyện của thanh niên thành phố, các hoạt động chia sẽ cho người già và em bé tuy trong hoàn cảnh khó khăn nhưng rất quý trọng cuộc sống và nỗ lực vươn lên sẽ cảm nhận những giá trị thật của cuộc sống và tôi nghĩ họ sẽ thay đổi lại hành vi.

* Sao không tạo một sân chơi lành mạnh cho công dân ? Như các nước bạn thay vì tập trung lực lượng để ngăn chặn hao tốn tài sản về người và của (Quach Tuan Du, 26 tuổi, singertuandu@...)

Phải tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh niên là một vấn đề rất nghiêm túc và tôi đồng tình.

- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Hiện tượng tụ tập đua xe trái phép trong thời gian qua của một bộ phận thanh niên là một hành vi sai luật và gây nguy hiểm cho xã hội, do đó việc sử dụng biện pháp mạnh để trấn áp và loại trừ hiện tượng này là cần thiết, mang lại sự yên bình, an toàn cho nhiều người khi tham gia giao thông. Và tôi thấy biện pháp này đã tạo sự đồng tình rất là cao của người dân thành phố, bạn có thể tham khảo từ khảo sát của báo Tuổi Trẻ Online. Trong thời gian tới tôi nghĩ những biện pháp mạnh sẽ được tiếp tục thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để loại trừ hẵn một hành vi của những bạn trẻ nêu trên.

Vấn đề bạn đặt ra phải tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh niên là một vấn đề rất nghiêm túc và tôi đồng tình, trong khi chờ đợi những khu vui chơi được hình thành tôi nghĩ các bạn trẻ có thể tự thiết kế những sân chơi cho riêng mình, vừa thỏa mãn những nhu cầu hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe và vui chơi giải trí phù hợp với từng điều kiện cụ thể của từng nhóm.

* Tình trạng nạn đua xe liên tục kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là những thánh giáp tết nguyên đán. Các anh đã có kế hoạch gì nhăm ngăn chăn tình trạng trên? (Nguyễn Minh Tiến, 51 tuổi, minhtien.ttvt2@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Cơ quan công an lúc nào cũng có phương án, kế hoạch chống đua xeiện nay đã làm, đang làm và sẽ làm tiếp đến khi nào nạn hết nạn đua xe thì thôi. Thường thì đua xe vào dịp hè nhiều hơn. Tết cũng có đua nhưng không đáng kể.

* Theo ông Vũ, làm thế nào để ngăn chặn việc đua xe trái phép như hiện nay (trần đức tiến, 23 tuổi, tranductien89_@...)

- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Trước tiên phải làm cho các bạn trẻ hiểu về vấn đề mà luật pháp quy định về các điều kiện trong đảm bảo an toàn giao thông. Nếu có điểu kiện thì gia đình nên đưa các bạn trẻ này đến thăm các phòng cấp cứu của bệnh viện sẽ thấy sự khốc liệt từ hậu quả của việc điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông, sẽ cảm nhận nổi đau và mất mát của gia đình và xã hội khi có một công dân trẻ bị tai nạn giao thông. Bên cạnh đó cần thiết phải tạo nhiều sân chơi cho các bạn trẻ thể hiện, thu hút ngày càng nhiều hơn để các bạn đến với các hoạt động có ích cho xã hội thì việc đua xe sẽ giảm đi. Dĩ nhiên những biện pháp mạnh trấn áp những người cố tình vi phạm tiếp tục được duy trì và mạnh tay hơn.

* Trên tuyến đường Nguyễn Thái Sơn và Trường Sơn (gần sân bay), tối thứ 7 đi làm về tôi rất sợ, có lần thấy công an tới thì những người đua xe giải tán, công an đi thì họ lại tụ tập. Liệu có biện pháp nào để triệt để làm người đi đường an tâm? (ĐẶNG LÊ DUY, 35 tuổi, duy.2310@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Cơ quan công an quận Tân Bình và quận Phú Nhuận sẽ có kế hoạch triệt phá và giải quyết nạn đua xe một cách triệt để để người đi đường an tâm.

* Nếu “quái xế” gây tai nạn cho người khác làm họ phải bị thương tật nặng không còn khả năng lao động và trường hợp người bị nạn tử vong thì luật sẽ xử như thế nào?

Trong trường hợp “quái xế” bỏ trốn sau khi gây tai nạn cho người khác thì lực lượng CSGT và cơ quan chức năng giải quyết như thế nào?

Một nhóm “quái xế” khoảng 4,5 người gây tai nạn cho người khác mà lúc đó không ai làm chứng về việc họ đua xe và họ gây tai nạn thì phải làm sao? Mong các vị khách mời vui lòng cho biết nội dung 3 câu hỏi trên, cảm ơn! (Châu Văn Hiệp (Sóc Trăng), 39 tuổi, sambauser@yahoo.com)

- Luật sư Huỳnh Văn Nông: "Quái xế" đua xe trái phép gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác thì có thể bị phạt tù đến 7 năm, gây thiệt hại về sức khỏe rất nghiêm trọng hoặc làm chết 1 người thì có thể bị phạt tù đến mức 15 năm.

Xác định "quái xế" trong trường họp này thuộc về cơ quan điều tra hình sự. Bằng các biện pháp điều tra thì cơ quan điều tra sẽ tìm ra hung thủ gây tai nạm rồi bỏ trốn. Tham khảo thông tin từ quần chúng xung quanh là một trong các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan điều tra nhằm tìm ra hung thủ.

* Luật và chế tài xử phạt về giao thông thì đã có, tuy nhiên theo anh Nông: chúng ta đã thật sự làm hết trách nhiệm về xử phạt nghiêm minh với tất cả các đối tượng vi phạm trong việc đua xe trái phép hay chưa? (Hà Hướng Nhật, 28 tuổi, giotsuong361992@...)

- Luật sư Huỳnh Văn Nông: Thông thường hành vi vi phạm pháp luật diễn ra nhiều hơn kết quả xử lý, tuy nhiên lực lượng của cơ quan có thẩm quyền thì có hạn, do vậy còn đâu đó có hành vi vi phạm là tất nhiên

* Khi truy quét đua xe làm sao các anh phân biệt người đi đường dừng lại và người tham gia ủng hộ đua xe trái phép. Khi thấy đua xe chúng tôi phải tấp vào lề đậu đến khi chúng đi qua. Tiếng xe đua và những động tác lạng lách rất nguy hiểm nên chúng tôi rất sợ khi chạy tiếp trên đường (Trần Hùng, 29 tuổi, congviec24h@...)

Do9pESq6.jpgPhóng to
Đại tá Võ Văn Nhuận trả lời độc giả TTO - Ảnh: Minh Đức

- Đại tá Võ Văn Nhuận: Theo nghị định 34 của chính phủ, đối với người tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ vi định, lạnh lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép... và người cổ vũ, kích động đua xe cản trái phép mà cản trở mà chống đối người thi hành công vụ thì mức phạt thấp nhất là 500.000 đến 1 triệu đồng và tối đa là 2 đến 4 triệu đồng.

Để xử lý một người vi phạm về giao thông, thì các lực lượng chức năng khi phát hiện xác định hành vi vi phạm thì mới tiến hành lập biên bản xử lý.

* Tôi nghĩ nếu CSGT chúng ta kiên quyết sẽ dẹp được nạn đua xe thôi. ngay bây giờ hãy giam hoặc tịch thu những xe thay đổi kết cấu và đôn dên, xoáy nòng chạy ngoài đường, chứ không cần là phải tụ tập đua xe mới bắt. Vậy CSGT có làm được điều này hay không? Xin cám ơn (Trần Quốc Việt, 31 tuổi, bmwsports1980xmen@...)

93OtGyvD.jpgPhóng to
Khung cảnh buổi trao đổi trực tuyến - Ảnh: Minh Đức

- Đại tá Võ Văn Nhuận: Qua đánh giá chung, hầu hết các đối tượng vi phạm điều khiển xe đánh võng, lạng lách, đua xe .... đều sử dụng xe mô tô gắn máy được thay đổi đặc trưng (đôn dên, xoáy nòng, thay đổi pô xe ...). Đối với các trường hợp vi phạm, thông qua công tác phát hiện, kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông đều xử lý triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Các phương tiện có thay đổi đăc trưng thì buộc phải trả lại hiện trạng ban đầu theo đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe

Theo nghị định 34 của Chính phủ, đối với việc đôn dên, xoáy nòng (tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước của xe, tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn xe không đúng với giấy đăng ký....) có mức phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Hiện nay chúng tôi đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý giấy phép hành nghề của những tiệm sửa xe, ngăn chặn tình trạng "độ xe". Ngành công an chỉ đạo cho cảnh sát hình sự theo dõi những đối tượng thường xuyên lui tới các tiệm "độ xe" để lập hồ sơ theo dõi và có biện pháp xử lý. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tổ chức cho các chủ tiệm sửa xe cam kết không tiếp tay, "độ xe" cho các đối tượng có biểu hiện vi phạm hoặc thông tin, phản ánh cho cơ quan chức năng.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, các phương tiện có thay đổi đăc trưng thì buộc phải trả lại hiện trạng ban đầu theo đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe.

* Nạn đua xe trái phép đã diễn ra nhiều năm nay. Tại sao vấn đề này đến nay vẫn không dập tắt được? Để dập tắt nạn đua xe, cơ quan chức năng đã xây dựng những biện pháp gì chưa? (Hoàng Tuấn, 1980 tuổi, ninhlv@...)

Không phải là không dập tắt được nạn đua xe mà quan điểm của Đảng và Nhà nước chủ yếu là vấn đề tuyên truyền và giáo dục để thanh thiếu niên nhận thức và điều chỉnh được hành vi của mình.

- Thượng tá Phan Văn Chung: Không phải là không dập tắt được nạn đua xe mà quan điểm của Đảng và Nhà nước chủ yếu là vấn đề tuyên truyền và giáo dục để thanh thiếu niên nhận thức và điều chỉnh được hành vi của mình. Bởi vì đây là vấn đề tệ nạn, cả xã hội cùng tham gia giải quyết. Vì vậy, các chủ trương, chính sách, biện pháp của Nhà nước đề ra trong thời gian qua chủ yếu là phương pháp giáo dục, thuyết phục. Vấn đề chế tài chỉ là vấn đề thứ yếu. Hơn nữa, để giải quyết được tệ nạn thì cần phải được dư luận ủng hộ, ví dụ báo chí, quần chúng nhân dân, ngay cả từ phụ huynh, giáo viên... thì lúc đó, mới thấy được đây là tệ nạn nghiêm trọng. Nếu làm mạnh ngay từ đầu thì dư luận có thể cho rằng chúng ta quá nặng tay. Phải đợi đến lúc bức xúc cộng đồng bị dồn nén thì khi công an ra tay, cộng đồng mới ủng hộ.

Có nhiều biện pháp để giải quyết nạn đua xe. Thứ nhất là tiếp tục tuyên truyền vận động trong lực lượng thanh thiếu niên. Lực lượng tuyên truyền gồm thanh niên, lực lượng trong các trường học, các phương tiện thông tin đại chúng, bản thân gia đình, các hội đoàn của các ngành các giới... Tuyên truyền sâu rộng trong từng tầng lớp, với các bậc phụ huynh và ngay cả các đối tượng thanh thiếu niên tham gia đua xe. Tính đến thời điểm hiện nay, nỗi bức xúc của xã hội, quần chúng, chính quyền đã lên đến đỉnh điểm. Khi đã lên đến đỉnh điểm, thì lực lượng công an ra quân dẹp đua xe thì sẽ được ủng hộ. Có sự hậu thuẫn như vậy thì công an mới yên tâm.

Về mặt chính quyền cũng cần có những biện pháp chế tài mạnh để công an dẹp nạn đua xe có hiệu quả.

Từ trước đến nay, chúng ta chỉ làm nhỏ làm lẻ, bắt khoảng năm ba chục xe. Nhưng bây giờ, về mặt xã hội đã có sự đồng thuận, Nhà nước có sự tập trung chỉ đạo của các ngành, các cấp, cho phép lực lượng công an áp dụng những biện pháp mạnh để giải quyết đua xe. Do đó, lực lượng công an đã có những đợt truy quét mạnh, bắt hàng trăm xe.

* Theo tiến sĩ, các bạn trẻ vẫn biết đua xe là trái phép nhưng sao vẫn lao vào? Phải chăng “chọc tức” công an, thách thức pháp luật cũng là thú vui của các bạn trẻ này? (Phụng Anh, 20 tuổi, phunganh2009@)

- TS tâm lý Đinh Phương Duy: Hiện tượng này là sự thể hiện của tâm lý phản kháng một cách có ý thức hoặc vô thức của bạn trẻ. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tâm lý là các bạn trẻ cảm thấy thiếu an toàn với môi trường chung quanh và có thôi thúc làm một điều gì đó để tự bảo vệ mình. Nếu định hướng giá trị của các bạn không phù hợp với chuẩn mực xã hội thì những hành vi tự vệ ấy có thể có nguy cơ vi phạm pháp luật. "Chọc tức" công an, thách thức pháp luật trong một số trường hợp đối với bạn trẻ có thể xem là một "trò chơi" cảm giác mạnh của họ vậy.

* Bác sĩ nghĩ sao nếu áp dụng phương án dùng vòi rồng để khống chế người đua xe? (lê vi, 33 tuổi, vinhlephuoc@...)

FOVUsv0s.jpgPhóng to
BS Nguyễn Vĩnh Thống trả lời câu hỏi độc giả - Ảnh: Minh Đức

- BS Nguyễn Vĩnh Thống: Dùng vòi rồng để khống chế đua xe trái phép chỉ là biện pháp tình thế để đối phó nhóm đua xe, đây không phải là giải pháp cơ bản.

Dùng vòi rồng để giải tán đám đông đua xe là có thể chấp nhận được vì không gây tổn thương trầm trọng cho người, nhưng có lẽ nhờ nước sẽ làm nguội các đầu nóng đang bị kích động để đua xe.

* Chuẩn bị dua xe trái phép và bắt đầu đua xe nhưng chưa gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác thì có truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tại sao? Có cần sửa đổi bổ sung Điều 207 Bộ Luật hình sự không? (DINH VAN QUE, dinhvanque@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Luật Hình sự đã có quy định xử phạt với hành vi đua xe trái phép, không đợi đến lúc gây hậu quả. Gây hậu quả chỉ là tình tiết tăng nặng để định mức hình phạt. Bạn thấy điểm nào không hợp lý trong Điều 207 Bộ Luật hình sự?

* Sao chúng ta không thực hiện biện pháp mạnh tay như Campuchia từng làm: tịch thu và phạt tù đối tượng đua xe, quan chức nào có con cháu tham gia thì tự động làm đơn xin thôi việc hoặc bị cách chức ngay lập tức? (nguyễn văn vui, 33 tuổi, vui.nguyenvan@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Mỗi quốc gia có cách xử lý khác nhau, không thể lấy cách xử lý của quốc gia này áp dụng cho quốc gia khác. Tại Việt Nam, chúng ta thiên về thuyết phục giáo dục. Sau cùng mới là chế tài.

* Việc xử lý vi phạm (đua xe) đã thực sự nghiêm hay chưa? Có trường hợp nương nhẹ hay bỏ qua vì thư tay hay điện thoại từ cấp trên không? (Trần Đăng Ninh, 58 tuổi, ninh.trandang@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Việc xử lý vi phạm đua xe đã được thực hiện nghiêm. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kể là ai khi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

* Thưa bác sĩ Thống, mỗi ngày trung bình Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bao nhiêu ca chấn thương vì tai nạn giao thông? Xin BS cho biết cụ thể? (Ngoc Mai, 32 tuổi, maingoc@...)

- BS Nguyễn Vĩnh Thống: Mỗi ngày tại bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận chừng 150-200 ca chấn thương do tai nạn giao thông, trong đó 70% ca chấn thương sọ não, gãy xương cột sống và tay chân 20%, phần còn lại là chấn thương ngực, bụng,... Trong số này tử vong 1h sau khi nhập viện là 3-5 trường hợp 1 ngày, số trường hợp trầm trọng cần phải theo dõi đặc biệt khoảng 30 ca.

* Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy cho tôi hỏi vấn đề tâm lý ở giới trẻ bây giờ là thích đua xe. Vậy sao không tổ chức cho các em một sân chơi lành mạnh như các nước bạn, để em nào thích chứng tỏ cứ vào đó chứng tỏ vừa an toàn vừa thu được lợi nhuận? (Nguyễn Lâm Phong, 53 tuổi, lamphongtn@)

- TS Đinh Phương Duy: Việc tổ chức những sân chơi lành mạnh cho thanh niên đã được các cấp chính quyền và các đoàn thể đẩy mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên vì nhu cầu vui chơi giải trí của thanh niên ngày càng đa dạng nên chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ và hoàn hảo. Đối với sân chơi "đua xe" ở Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu một cách cụ thể nhu cầu này để có thể tổ chức một cách có hiệu quả, không lãng phí và không tạo điều kiện để bị lạm dụng. Tôi tin rằng trong tương lai, chúng ta sẽ có những sân chơi lành mạnh nhiều hơn nữa để góp phần lành mạnh hóa các sở thích của thanh niên.

* Có thể mình tăng các chế tài của vi phạm đua xe lên ví dụ như người nào tham gia đua xe trái phép thì sẽ bị tịch thu xe và xung vào công quỹ giúp đỡ các người khác. Chứ các chế tài hiện giờ chưa đủ phạt những người tham gia đua xe trái phép nếu chế tài thấp sẽ dẫn tới những lần sau nữa. (Nguyen Hieu, 21 tuổi, 0907607206@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Tôi nghĩ là nên tăng, chủ tịch và phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã trả lời trên báo chí rằng sẽ tăng mức chế tài với những người đua xe. Đối với người vi phạm thì kiểm điểm trước dân, cải tạo tại địa phương, đưa vào trường giao dưỡng... Đối với xe thì lần thứ hai vi phạm (chạy xe thành đoàn và tụ tập cổ vũ đua xe) sẽ bị tịch thu. Còn riêng đua xe thì ngay lần đầu đã bị tịch thu xe.

* Tại sao không phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm cho tội đua xe trái phép? Theo tôi phạt như thế sẽ không còn nạn đua xe trái phép nữa (Nguyễn Hữu Tân, 23 tuổi, thienlongvd@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Đua xe trái phép là sẽ bị phạt tù theo quy định của Luật Hình sự.

* Với các bạn trẻ đang có đam mê tốc độ, tiến sĩ có lời khuyên gì để các bạn giải tỏa những đam mê này mà không gây ảnh hưởng xấu đến người khác? (Mộc Anh, 15 tuổi, mocanh@...)

sj0lNG1A.jpgPhóng to
Tiến sĩ Đinh Phương Duy trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Minh Đức

- TS tâm lý Đinh Phương Duy: Mỗi người có thể có nhiều đam mê, nhưng nếu những đam mê ấy gây hại cho mình và cho người khác thì cần phải điều chỉnh để niềm đam mê được thăng hoa. Để giải tỏa một đam mê nào đó, con người có thể tìm kiếm một niềm đam mê khác để "chuyển hướng" hưng phấn, ví dụ có thể tham gia một hoạt động thể thao hoặc... có bạn gái chẳng hạn. Mặt khác, cuộc sống cần được đa dạng hóa, không nên để bản thân mình lệ thuộc vào bất kỳ một điều gì, kể cả đó là một thú vui.

* Thực trạng tự ý thay đổi hình dạng, màu sơn, một số chi tiết trên xe gắn máy đang là trào lưu của giới đua xe. Những chiếc xe này không chỉ đợi đến giờ đua mới đem ra sử dụng mà hằng ngày cũng tham gia giao thông như bao chiếc xe bình thường khác (điều này rất dễ nhận biết). Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến số đông giới trẻ hiện nay: tính tự do thái quá dẫn đến xem thường pháp luật. Ông Chung nghĩ sao về vấn đề này? (Nguyễn Thị Diễm Kiều, 32 tuổi, mskieu09@...)

Hiện nay, các biện pháp chế tài đã và đang được đề nghị tăng lên và cho phép công an mạnh tay trấn áp, giải quyết nạn đua xe

- Thượng tá Phan Văn Chung: Những xe này vẫn bị xử lý bình thường theo quy định của nghị định 34, dù không tham gia đua xe. Thay đổi, độ xe sẽ có hai dạng, nếu như bạn ở trong hội nào đó có sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền thì không vi phạm pháp luật. Còn nếu anh tự ý thay đổi kết cấu xe thì đã vi phạm và bị xử lý theo quy định.

Do thời gian vừa qua, chúng ta thiên về giáo dục tuyên truyền nên một số thanh niên đã tỏ ra xem thường pháp luật. Vì vậy, hiện nay, các biện pháp chế tài đã và đang được đề nghị tăng lên và cho phép công an mạnh tay trấn áp, giải quyết nạn đua xe, như Công an quận Bình Thạnh đã làm trong đêm 23 rạng ngày 24.10 tại đường Hoàng Hoa Thám và đường Bình Quới.

* Pháp luật xử lý hành vi đua xe còn quá nhẹ so với các nước khác. Xin quý ông cho ý kiến? (Thiên Khánh, 35 tuổi, khanhvdt@gmail.com)

- Luật sư Huỳnh Văn Nông: Pháp luật hình sự hiện hành để truy cứu trách nhiệm hình sự người đua xe trái phép cần phải có hành vi đua xe trái phép và "gây thiệt hại cho sứ khỏe, tái sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa an tích mà còn vi phạm".

Do vậy, người đua xe lần đầu thì không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội đua xe trái phép. Theo tôi thì nên sửa luật hình sự bỏ yếu tố "gây thiệt hại cho sức khỏe, tái sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa an tích mà còn vi phạm". Khi ấy mọi hành vi đua xe phải bị xử lý hình sự.

* Xin cho tôi hỏi cơ quan chức năng đã bao giờ làm một điều tra về nhu cầu của những người tham gia đua, "đi bão" trái phép chưa? Việc tổ chức sân đua, giải đua hợp pháp đã có, nhưng tại sao số này không tham gia? Nếu giải đua, sân "chơi" đã có mà còn không tham gia thì lý do của họ là gì? chi phí cao? luật lệ, quy định nghiêm ngặt? hay là "không đã"? Nếu không tham gia mà nói là thiếu sân chơi thì rõ ràng là không hiểu luật và làm trái luật. Đề nghị có biện pháp giải quyết, ngăn cấm triệt để.

Cơ quan công an và CSGT có đề nghị biện pháp xử phạt tăng thật nặng không? Vì như vậy mới giúp giải quyết tận gốc vấn đề, "đỡ mệt" cho ngành và cho xã hội. Chứ xử lý nhẹ hều, luật "lướt" thì chỉ làm nhờn những kẻ vi phạm thôi (Hà Thanh, 35 tuổi, lehathanh@...)

W34aMhHE.jpgPhóng to
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời độc giả TTO - Ảnh: Minh Đức

* Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM: Câu hỏi của bạn rất thú vị, có một số hàm ý cho giải pháp hạn chế nạn đua xe trái phép mà tổ chức hội có thể vận dụng trong thời gian tới như khảo sát và tìm hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của nhóm bạn trẻ này, để có những tuyên truyền về pháp luật thật sự phù hợp.

Các hành vi như bạn đề cập trong câu hỏi là những biểu hiện phạm luật cụ thể của một nhóm các bạn trẻ, có rất nhiều nguyên nhân về hiện tượng này kéo dài trong thời gian qua, theo tôi một bộ phận bạn trẻ hiểu sai về giá trị mà mình muốn thể hiện, sự buông lỏng trong quản lý của gia đình, việc còn hạn chế các sân chơi và biện pháp xử lý cũng chưa thật sự mạnh, đủ sức răn đe và trấn áp. Tôi đồng thuận với việc tăng cường các biện pháp xử phạt và những giải pháp trong cách giáo dục cho một bộ phận thanh niên này.

* Chúng ta có số điện thoại nóng nào để khi thấy đua xe gọi cho cơ quan chức năng không? Cách đây mấy tháng, vào lúc 6g30 sáng có tổ chức đua xe cả trăm chiếc ở đường Chu Văn An, phường 26 khiến người đi đường không ai dám lưu thông, tôi đã bức xúc và gọi cho 113 nhưng không thấy ai xuống. Cuộc đua kéo dài hơn nửa tiếng đến khi có tai nạn giữa các đối tượng đua thì đám đua mới giải tán. (Toàn, 22 tuổi, socy_nau@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung - phó trưởng Công an quận Bình Thạnh: Đề nghị bạn đọc gọi đến công an phường hoặc 113. Chống đua xe thì phải có kế hoạch và phương án. Những trường hợp như bạn nói nên gọi điện thoại cho công an phường gần nhất để công an giải tán đua xe. Những thông tin của người dân về đua xe, cơ quan công an sẽ điều tra, nghiên cứu và lên kế hoạch tổ chức truy quét.

* Cơ quan công an có thể cung cấp cho bạn đọc thông tin cá nhân của những đối tượng đua xe trái phép? (Trân Châu, 49 tuổi, chaupecc3@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Theo quy định của Nhà nước, công an không cung cấp thông tin cá nhân của những đối tượng này.

* Tôi là người dân ở khu vực giáp ranh 3 quận: Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Tình trạng đua xe ngày càng diễn ra công khai và tính chất ngày càng quy mô. Tại sao chúng ta không có những biện pháp thật mạnh, thật nghiêm như giam xe, tịch thu giam giữ vô thời hạn? (Nguyen Thanh Tin, 28 tuổi, ranh_thi_yeu1980@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, luật pháp quy định thế nào thì chúng ta làm vậy. Nếu trong quá trình thực hiện mà luật pháp còn khiếm khuyết hoặc không còn phù hợp thì chúng ta kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành điều chỉnh sửa luật cho phù hợp với thực tiễn rồi chúng ta mới bắt đầu thực hiện.

* Nạn đua xe trái phép đã diễn ra nhiều năm nay. Tại sao vấn đề này đến nay vẫn không dập tắt được? Để dập tắt nạn đua xe, cơ quan chức năng đã xây dựng những biện pháp gì? (Hoàng Tuấn, 1980 tuổi, ninhlv@...)

P8OSsQNY.jpgPhóng to
Đại tá Võ Văn Nhuận (bìa phải) xem câu hỏi trả lời bạn đọc - Ảnh: Minh Đức

- Đại tá Võ Văn Nhuận: Trong thời gian qua các lực lượng chức năng (lực lượng CSGT) đã chủ động xây dựng nhiều phương án, kế hoạch huy động lực lượng có kinh nghiệm để tập trung chốt chặn, đấu tranh với tệ nạn này.

Sau thời gian cao điểm, tình hình đã được ổn định, nạn tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên từ tháng 6-2010 trở lại đây, tệ nạn này lại tiếp tục rộ lên với phạm vi rộng hơn, dàn trải trên nhiều tuyến đường ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố.

Nguyên nhân là chưa có sự lên án mạnh mẽ từ xã hội mà ngược lại còn thờ ơ, cá biệt còn cổ vũ như tụ tập đứng xem, một số cơ quan thông tin dùng các từ ngữ như "bão nổi lên rồi"... vô hình trung tạo phấn khích cho các đối tượng này.

Nguyên nhân là chưa có sự lên án mạnh mẽ từ xã hội mà ngược lại còn thờ ơ, cá biệt còn cổ vũ như tụ tập đứng xem; một số cơ quan thông tin dùng các từ ngữ như "bão nổi lên rồi"... vô hình trung tạo phấn khích cho các đối tượng này.

Đa số các đối tượng tham gia là các thanh thiếu niên có độ tuổi từ 14 đến 25, với nhiều thành phần, có cả học sinh, sinh viên, những đối tượng thất nghiệp, hư hỏng… sử dụng các loại xe gắn máy được đôn dên, xoáy nòng, thay đổi đặc trưng (gắn pô, còi không đúng quy định); các đối tượng vi phạm thường rất manh động, khi bị truy bắt sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ…Tình trạng các hàng quán, ăn uống sau 23 giờ, các quán bar, vũ trường hoạt động thâu đêm suốt sáng cũng là mầm móng, là điểm hội tụ trước khi xuất phát gây thêm phức tạp tệ nạn này cũng chưa được giải quyết dứt điểm trong thời gian qua.

Để dập tắt nạn đua xe, cơ quan chức năng đã xây dựng những biện pháp:

- Công an Thành phố đề xuất UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các ngành các cấp (phát huy sức mạnh của toàn xã hội) cùng tham gia đấu tranh đối với tệ nạn này, xem đây như là một tệ nạn xã hội cần phải lên án mạnh mẽ, không để tồn tại kéo dài và kiên quyết xử lý triệt để, không để phát sinh tình huống phức tạp cũng như xảy ra đua xe trái phép.

- Lên danh sách các đối tượng vi phạm và phân loại đối tượng để có biện pháp quản lý giáo dục; lập danh sách các điểm sửa xe có dấu hiệu “độ xe”, vận động các điểm sửa chữa xe, các điểm kinh doanh dịch vụ hàng quán về đêm cam kết không “độ” xe, tiếp tay cho các đối tượng đua xe làm điểm xuất phát hoặc thông báo cho lực lượng công an khi phát hiện các biểu hiện tụ tập, gây rối.

- Phối hợp lực lượng công an quận, huyện tổ chức tuần tra, chốt chặn trên các tuyến đường, khu vực, thời gian phức tạp về tệ nạn đua xe trái phép, chủ động phòng ngừa ngăn chặn ngay từ đầu.

- Tổ chức kiểm điểm, giáo dục tại tổ dân phố đối với các đối tượng vi phạm tụ tập, đua xe được thông báo về địa phương để tạo được làn sóng phê phán, lên án mạnh mẽ…

- Thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo đài đưa các tin tức, hình ảnh về tác hại của hành vi tổ chức đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự trên đường như các trường hợp thương tích, tử vong do các hành vi đua xe gây ra.

* Hiện nay nạn đua xe vẫn tiếp diễn và ngày càng tinh vi hơn, các ngành chức năng sẽ có biện pháp nào trước mắt để chấn chỉnh lại tình hình, làm yên lòng dân? Nên chăng cần khởi tố các đối tượng đua xe và "phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm" để răn đe mạnh các đối tượng? (kim ngọc long, 26 tuổi, kimngoclong2003@gmail.com)

- Luật sư Huỳnh Văn Nông: Việc đua xe có thể có hai tội "tổ chức đua xe trái phép" hoặc "đua xe trái phép". Với tội tổ chức đua xe trái phép thì nhất thiết phải bị xử lý hình sự nhưng với người đua xe trái phép chỉ bị xử lý hình sự khi đã có "gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm". Thông thường, nếu bị khởi tố về hình sự thì người phạm tội có thể bị khởi tố ở khung hình phạt cao vì có tình tiết định khung là "đua xe nơi tập trung đông dân cư", "tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua", "chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép". Trong trường hợp như thế đối với người tổ chức đua xe trái phép thì có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm tù, hay người đua xe trái phép sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm tù.

* Thưa TS tâm lý Đinh Phương Duy, có lẽ các bạn trẻ tham gia đua xe cũng thừa hiểu sự nguy hiểm của việc này nhưng sao vẫn có không ít bạn tham gia đua xe và cổ vũ đua xe? (Gia Bảo, 27 tuổi, giabao@gmail.com)

- TS tâm lý Đinh Phương Duy: Hiện tượng này là sự thể hiện tác động của tâm lý đám đông lên hành vi của thanh niên. Khi được trình diễn trước đám đông, họ cảm thấy càng hưng phấn và bị kích thích nhiều hơn, do đó họ sẽ khó làm chủ cảm xúc và có những hành vi vượt ngưỡng cho phép. Mặt khác, đó cũng có thể xem là sự thể hiện của tâm lý khẳng định cái tôi của bạn trẻ, họ muốn gửi một "thông điệp" cho xã hội và người lớn biết rằng: họ tuy còn trẻ nhưng không bao giờ sợ hiểm nguy.

* Tại sao công an phường không xử lý các tiệm làm xe. Tôi thấy việc xử lý này đâu có gì khó? (nguyen canh chinh, 19 tuổi, cung0tai0em@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Vừa qua, Công an quận Bình Thạnh đã phát hiện và xử lý một tiệm sửa "xe độ" về một số hành vi trái phép: lắp ráp trái phép phương tiện giao thông đường bộ (4 triệu đồng), lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh sửa xe (25 triệu đồng), phạt chủ 12 chiếc xe độ đang có trong tiệm đã thay đổi đặc trưng xe mỗi chủ 750.000 đồng, buộc phục hồi nguyên trạng xe rồi mới trả xe.

Thẩm quyền xử phạt này thuộc về công an quận. Công an phường tham gia phối hợp theo sự chỉ đạo của công an quận.

* Nếu xe thay đổi kết cấu và đôn dên, xoáy nòng thì có bị giam xe không? (Trần Quốc Việt, 31 tuổi, bmwsports1980xmen@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung - phó trưởng Công an quận Bình Thạnh: Xe này vi phạm thì sẽ bị tạm giữ theo quy định. Và khi xử lý vi phạm xong, trước khi trả xe cho đương sự thì buộc đương sự phục hồi tình trạng ban đầu khi xe xuất xưởng.

* Sài Gòn có chỗ nào cho thanh niên vui chơi miễn phí không? Chỗ nào cũng tiền! Không gian trống thì không có, toàn thấy cao ốc. Vậy cho em hỏi chính quyền thành phố có khi nào suy nghĩ là xây dựng, đầu tư cho thanh niên khu vui chơi lành mạnh không? (Nguyễn Văn Nguyễn, 20 tuổi, ndd737@...)

- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM: Tôi đồng ý vớibạn về việc thiếu sân chơi không phải chỉ riêng đối tượng thanh niên mà nhiều đối tượng khác cũng đang gặp phải tình trạng này. Quy hoạch và phát triển một số khu đô thị mới chưa đi kèm với sân chơi cho thanh niên, ví dụ các khu vui chơi văn hóa và thể thao. Theo tôi được biết, chính quyền thành phố đã có những giải pháp điều chỉnh và bổ sung quy hoạch để tạo nên nhiều sân chơi hơn và tôi hi vọng trong tương lai vấn đề này sẽ được cải thiện. Bên cạnh các khu vui chơi công cộng (không thu phí) tôi cũng đồng thuận về việc xã hội hóa các hoạt động tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu niên có mức phí hợp lý và thực tế đã có rất nhiều khu vui chơi như vậy đã hình thành, đáp ứng một phần nhu cầu của thanh thiếu niên.

Hằng ngày, đặc biệt là cuối tuần, tôi thường thấy nhiều nhóm thanh niên tổ chức các hoạt động lành mạnh tại công viên, các tổ chức Đoàn - Hội như: những điệu nhảy xanh, sinh hoạt câu lạc bộ "Sao bắc đẩu", các hoạt động du khảo bằng xe đạp, xe máy, các hoạt động thể dục thể thao... Nó cũng chuyển tải được một phần của thanh niên, thiết nghĩ bạn hãy tham gia những hoạt động như vậy.

* Các đơn vị chức năng sẽ giải quyết vụ này như thế nào để biết được người đi đường thật sự hay người tham gia "đi bão"? Vì tôi tin chắc sẽ có rất nhiều người đi đường vô tình bị cuốn cùng đường với "đi bão" vì chính bản thân tôi cũng bị 1 lần, các đơn vị chức năng sẽ làm như thế nào để nhận biết được người vi phạm hay không vi phạm? (Nguyễn Thị Thu Hiền, 23 tuổi, ntthuhien87@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Trong vấn đề "đi bão", như Công an Bình Thạnh bắt là thường khuya, từ 0g trở đi, giờ đó rất hiếm có người lưu thông bình thường, giờ đó đã vắng, thường chỉ có người đi chơi, nếu có người nào có công việc đột xuất lúc đó thì khi bắt giữ, công an vẫn sẽ tạm giữ họ và nghe họ trình bày. Chỉ cần nghe trình bày hợp lý thì công an sẽ giải quyết ngay hoặc sau này sẽ giải quyết khi xử lý vi phạm. Công an vẫn sẽ ghi lại biển số xe để lưu ý trong những lần sau.

* Ai sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường nếu lỡ có người đi đường bị vướng và bị tai nạn, nhất là khi tai nạn nghiêm trọng? (Nguyễn Thị Hoa, 51 tuổi, hoan53505@...)

- Luật sư Huỳnh Văn Nông: Theo quy định của pháp luật thì người gây tai nạn là người phải bồi thường thiệt hại. Những người đua xe là người gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợ̣p nhiều người đua xe có người bị xử lý hành chính, có người bị xử lý về hình sự nhưng nói chung tất cả phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

* Thưa bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thống, xin cho hỏi những chấn thương thường gặp khi bị té xe, tông xe là những chấn thương loại nào? Mức độ nguy hiểm đến tính mạng ra sao? Làm sao để có thể phòng ngừa những loại chấn thương như thế? (Như Quỳnh, 22 tuổi, quynhnhu@...)

- BS Nguyễn Vĩnh Thống: Tai nạn giao thông gây ra các chấn thương, mức độ trầm trọng của các chấn thương tỉ lệ với bình phương của tốc độ. Do đó tai nạn do đua xe với tốc độ cao thường gây ra các tổn thương rất nặng. Tổn thương nặng nhẹ tùy theo cơ quan bị tổn thương. Thường chấn thương sọ não là trầm trọng nhất vì nguy cơ tử vong cao kế tổn thương của lồng ngực, hô hấp và tim mạch. Tổ thương khác không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng để lại hậu quả trầm trọng cho cuộc sống là chấn thương cột sống cổ, gây liệt tứ chi không hồi phục. Tổn thương cột sống cổ cũng thường gặp trong các tai nạn xe cộ tốc độ nhanh.

Làm sao phòng ngừa các tai nạn do tốc độ cao gây ra. Bên cạnh các đường cao tốc với các phương tiện di chuyển với tốc độ cao tuân theo kỷ luật nghiêm khắc của luật giao thông, một số không ít các trường hợp đua xe máy trên các tuyến giao thông là bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, do đó cần phải có biện pháp ngăn chặn các cuộc đua xe trái phép này.

* Theo tôi, để dẹp nạn đua xe tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh là xây 10 cái gờ giảm tốc độ, mỗi cái cách nhau 50m là không thể đua xe tại đây được. Các ông nghĩ sao? (lehoan, 30 tuổi, lehoan8001@...)

- Thượng tá Phan Văn Chung: Nếu làm gờ giảm tốc ở đường Hoàng Hoa Thám thì thành phố này có cả ngàn con đường thì phải làm giảm tốc ở cả ngàn con đường? Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến lưu thông, do đó đây không phải là biện pháp. Vì nếu làm ở đường Hoàng Hoa Thám thì người đua xe sẽ chọn con đường khác. Do đó phải tìm biện pháp khác.

* Đối với những xe gắn máy khi tham gia giao thông có hình dáng, màu sắc và một số chi tiết có thay đổi (không như nguyên mẫu của nhà sản xuất) thì xử lý như thế nào? Hay chăng tịch thu phương tiện không hoàn trả? (Ra Thành Trung, 35 tuổi, ratrung@... )

- Thượng tá Phan Văn Chung: Xe muốn thay đổi cấu trúc, màu sơn phải xin phép cơ quan đăng ký xe. Không có quy định tịch thu mà chỉ có quy định xử phạt.

* Chúng ta có đua ngựa, đá bóng, ở nước ngoài có đua xe (loại nhỏ), vậy tổ chức đua xe gắn máy cũng là một sân chơi, quý vị nghĩ có phải không? (Tống Nguyễn Thùy Mai, 52 tuổi, thuymait902@...)

- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ:Sở thích đua xe trong điều kiện an toàn là một trong những sở thích của một bộ phận thanh niên của các nước trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tượng một bộ phận thanh niên tụ tập và cổ vũ đua xe trái phép trong thời gian vừa qua, theo tôi, là một hành động đáng lên án vì không chỉ đơn thuần là những bạn thích tốc độ mà những người đó chọn cho mình một giá trị sai để khẳng định. Thực tế là số người đua rất ít mà những người tham gia cổ vũ chiếm đa số. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật và tôi đồng tình với cách xử lý của các cơ quan chuyên môn vừa qua.

Trước đây tại thành phố từng tổ chức trường đua dành cho xe môtô loại nhỏ, tuy nhiên số người tham gia thật sự không nhiều và hoạt động này phải tạm ngưng. Việc cần thiết tổ chức một sân chơi về môn thể thao này, theo tôi sẽ có nghiên cứu và triển khai trong điều kiện cụ thể khi các vấn đề về kỹ thuật về an toàn phải được đảm bảo tuyệt đối. Dù có mê tốc độ hoặc mạo hiểm thì yếu tố an toàn vẫn là quan trọng nhất.

* Có nên đưa vào luật giao thông việc tịch thu xe đưa vào công quỹ và phạt hình sự đối với người vi phạm lần 2 khi tham gia, cổ vũ cho việc đua xe trái phép? (Dương Văn Ngọc, 60 tuổi, dvngoc98@...)

7DDlhnNa.jpgPhóng to
Luật sư Huỳnh Văn Nông trả lời bạn đọc từ tòa soạn TTO - Ảnh: Minh Đức

- Luật sư Huỳnh Văn Nông: Người đua xe, tổ chức đua xe trái phép nếu bị xử lý về hình sự thì tòa án có thể tịch thu xe (là phương tiện, công cụ dùng vào việc phạm tội) theo Điều 41 Bộ luật hình sự hiện hành.

Hành vi đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo thì có thể bị tịch thu phương tiện vi phạm.

* Tôi muốn hỏi BS Nguyễn Vĩnh Thống về liệu pháp tâm lý phòng chống đua xe. Có nên tổ chức cho các thanh niên đua xe đi thăm các bệnh nhân khoa chấn thương chỉnh hình bị tai nạn do đua xe, hoặc các phạm nhân đang chịu án để họ thấy trước hậu quả mà tự giác chấp hành pháp luật? (Nguyễn Đình Đạo, 22 tuổi, dinhhwng2000@...)

- BS Nguyễn Vĩnh Thống: Làm thế nào để giảm tâm lý ham thích tốc độ của thanh niên tham gia đua xe không hợp pháp, cho đi thăm các bệnh nhân và nạn nhân của các cuộc đua xe trên của bạn gợi ý là đúng. Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón các bạn thanh niên đến thăm khoa chấn thương chỉnh hình và chấn thương sọ não tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ở đây các bạn sẽ thấy tràn ngập bệnh nhân đến từ các tai nạn giao thông với chấn thương sọ não nặng, nhiều trường hợp tử vong hoặc để lại các di chứng trầm trọng.

Một số lớn các trường hợp chấn thương cột sống cổ và cột sống thắt lưng gây liệt tứ chi hoặc liệt 2 chân, khả năng phục hồi rất thấp, cho dù bệnh viện có áp dụng nhiều biện pháp điều trị tiên tiến. Hậu quả nạn nhân phải chịu tàn phế suốt đời. Nhẹ hơn có các chấn thương ngực, bụng cần phải phẫu thuật và điều trị một thời gian khá dài tốn kém nhiều tiền bạc và mất thời gian điều trị và phục hồi khá dài. Nhẹ nhất có lẽ là chấn thương gãy tay chân, tuy ít gây tử vong nhưng để phục hồi lại cơ năng đi lại cũng như khả năng lao động như xưa không phải là dễ, mà cũng đòi hỏi tiêu tốn nhiều tiền bạc và thời gian.

Theo tôi, sau khi tham quan và thấy được những hình ảnh đau lòng gây ra do tai nạn giao thông cụ thể là đo đua xe trái phép sẽ tác động lên tâm lý của thanh niên và phần nào sẽ tác dụng tốt trên hành vi của họ khi tham gia giao thông.

* Cho tôi hỏi khi đang lưu thông trên đường thì xuất hiện đoàn đua xe từ sau chạy đến, khi đó nếu chạy chậm thì có nguy cơ bị tông từ phía sau, chỉ còn cách phải chạy nhanh theo và ra tín hiệu để tấp vào lề thì có tính là đua xe trái phép không, nếu không may bị công an bắt? (nguyễn văn hải, 25 tuổi,

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên