19/04/2005 06:27 GMT+7

XKLĐ diện xóa đói giảm nghèo ở TP.HCM: Cửa đã mở, nhưng...

NGUYỄN BAY
NGUYỄN BAY

TT - Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang mở ra cánh cửa rộng cho đối tượng xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đi bốn thị trường chính mà VN đang khai thác: Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

xc3cbgUN.jpgPhóng to
Lao động xuất khẩu bị về nước trước thời hạn vẫn là nỗi ám ảnh của người lao động nghèo muốn tham gia xuất khẩu lao động - Ảnh: N.Bay

Ở TP.HCM các chính sách về vốn vay tới 60 triệu đồng/người không thế chấp, chế độ đào tạo miễn phí nhưng không tìm đâu ra người. Vì sao?

Vốn không thiếu - chỉ thiếu người

Quận Bình Tân có 3.349 hộ nghèo, trong đó khoảng 3.000 thanh niên độ tuổi lao động diện XĐGN, việc làm không ổn định hoặc thất nghiệp. Thực hiện chủ trương của TP trong công tác XĐGN, một năm trước quận triển khai chương trình XKLĐ cho đối tượng này.

Thông tin được chuyển đến từng phường, tổ dân phố, tổ chức các buổi họp với thanh niên giới thiệu nguồn vốn vay của địa phương hỗ trợ người lao động (NLĐ). Tổng các nguồn vốn vay lên tới 60 triệu đồng/người. Ban đầu nhiều lao động nộp hồ sơ đăng ký nhưng chỉ có bảy người vay vốn. Đến nay mới có hai lao động đi Nhật, số còn lại bỏ cuộc và trả lại nguồn vốn vay.

Cũng như vậy, quận Bình Thạnh trong năm 2004 chỉ có hai lao động đi Nhật và Hàn Quốc, năm 2005 đến nay có ba lao động đi Malaysia. Chị Trần Ngọc Thủy (cán bộ phụ trách XĐGN quận) cho biết: “Quận có trên 3.000 hộ nghèo với 1.000 lao động phải chạy ăn từng bữa. Chông gai lắm. Năm nay, chỉ tiêu phấn đấu của quận chỉ 45 người đi XKLĐ nhưng xem chừng khó quá”.

Tương tự, quận 7, từ năm 2000-2004 chỉ vận động được bốn người đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Phòng Lao động quận kết hợp với các ban ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, lập hẳn một quĩ riêng để hỗ trợ tiền vốn vay nhưng cả năm 2004 quận vận động được ba người đi XKLĐ.

Quận 5 với số thanh niên diện XĐGN thất nghiệp còn ít (454 người) càng không mấy khả quan. Từ năm 2003 đến nay, đăng ký 17 người chỉ có một người đang chuẩn bị đi. Đây là thực trạng chung của rất nhiều quận huyện ở TP.HCM. Mặc dù chỉ tiêu tuyển dành cho đối tượng XĐGN là không hạn chế số lượng, NLĐ còn được hưởng khá nhiều ưu đãi về chi phí đào tạo, thủ tục, giảm tiền thế chấp tới 2.000 USD/người so với các trường hợp NLĐ đăng ký thông thường, nhưng NLĐ vẫn... ngó lơ.

Ông Trần Văn Thạnh (phó giám đốc Công ty Suleco) cho biết: quí 4-2004 danh sách của tám quận huyện gửi đến công ty có 200 lao động đăng ký, thực tế chỉ có 16 người đến dự tư vấn và bốn người bắt tay vào làm hồ sơ dự tuyển.

Có phải “nghèo mà chảnh”?!

Hầu hết các quận huyện tích cực “chạy” nguồn vốn cho lao động XĐGN từ các nguồn vay: Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Quỹ XĐGN..., tổng cộng mỗi lao động vay không thế chấp từ 40 triệu - 60 triệu đồng/người.

Nhưng theo anh Lê Văn Hiệp (trưởng ban XĐGN của huyện Hóc Môn): “Đối với người nghèo, đã giúp thì giúp tới nơi. Để chọn một bạn trẻ đi XKLĐ phải tạm ứng một số tiền ban đầu vài triệu đồng để họ có “cơm ăn, cơm dỡ”, thêm nữa là việc hình thành quỹ rủi ro trong XKLĐ để khoản tiền vay không phải là nỗi ám ảnh cho họ...”.

Trong căn nhà lụp xụp ở khu Bình Quới, Thanh Đa, quận Bình Thạnh, chị Trần Thị Hoa chỉ vào gánh khoai bán dạo hằng ngày bảo: “Nhà có ba đứa nhỏ, đứa lớn nhất mới 10 tuổi. Tất cả trông vào gánh khoai của mẹ, ba đi làm thuê bữa có bữa không. Nghe ban XĐGN vận động đi XKLĐ cũng hay, nhưng không phải nghèo “chảnh” đâu mà nói thiệt bụng là không đủ sức”.

Thực tế, một số quận huyện chỉ cho vay 80% tổng số tiền NLĐ đóng cho đơn vị XKLĐ, số còn lại NLĐ tự lo. Thêm nữa, nếu NLĐ đi thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc còn phải có giấy tờ chủ quyền nhà thế chấp. Hầu hết đối tượng này có việc làm không ổn định hoặc công việc thu nhập thấp, trình độ văn hóa đa số lớp 3 - lớp 4, trong khi lại là trụ cột chính của gia đình.

Trong khi đó, điều kiện đi XKLĐ hiện nay tối thiểu THCS, với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thì yêu cầu cao hơn: lớp 12/12, có ngoại hình và phải biết nghề. Bạn Nguyễn Văn Thạnh (ở Nguyễn Văn Lượng, Gò Vấp) sau nhiều lần đi tư vấn trực tiếp tại Công ty Suleco đã thở dài ngao ngán:

“Cứ xem như trình độ của tôi đạt yêu cầu do đơn vị tuyển du di. Nhưng mà còn phải học giáo dục định hướng, học văn hóa nước sở tại và cả học ngoại ngữ nữa”. Thạnh chìa đôi bàn tay đầy dầu mỡ chai cứng với gần chục năm theo nghề sửa xe thú thật: “Vấn đề học với tôi rất khó, phải có cách gì đó mới được”.

Bao nhiêu vấn đề đặt ra với NLĐ: đi khám sức khỏe không đạt thì mất toi 400.000 - 500.000 đồng, chưa kể những ngày đi học thì ai nuôi? Rồi những món tiền phát sinh trong quá trình theo đuổi con đường xuất ngoại.

Như tâm sự của bạn Thái Hà (ở Tân Thạnh Đông, huyện Hóc Môn): “Hầu hết các ngân hàng chỉ cho chúng tôi vay khi đã có hợp đồng tuyển dụng. Trước đó tất cả phải tự lo chuyện học hành đi XKLĐ. Nhà chạy ăn từng bữa, lấy đâu tiền để học với đi lại”. Bà mẹ gần 70 tuổi của Hà lo lắng hơn: “Thấy người ta đi XKLĐ làm giàu cũng ham nhưng nhà nghèo, một đồng cũng phải vay, rủi không đi được lại gánh thêm nợ vào thân!”.

Cái lo này không phải không có cơ sở khi một huyện có số người đi XKLĐ cao nhất TP là huyện Củ Chi với trên 3.000 người nhưng theo trưởng Phòng Lao động huyện thì tỉ lệ đạt yêu cầu chỉ 20% so với hồ sơ gửi đi, các quận khác chỉ đạt 5-10%.

NGUYỄN BAY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên