Nhiệm vụ chính của người thầy là tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong ảnh: Một tiết dạy và học môn tiếng Anh của cô và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Nên giảm hồ sơ sổ sách để giáo viên tập trung vào chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy! |
NGUYỄN CAO |
Theo điều lệ trường trung học phổ thông hiện nay thì giáo viên phải làm các sổ sách, bao gồm: giáo án, kế hoạch cá nhân, sổ dự giờ, sổ chủ nhiệm (nếu được phân công).
Ngày 7-1-2014, Bộ GD-ĐT có công văn số 68/BGDĐT-GDTrH chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Theo đó, quy định giáo viên chỉ phải làm 4 loại sổ sách như sau: giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn); sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên tiểu học), sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm lớp).
Tuy nhiên, giữa quy định của cấp trên và thực hiện ở cơ sở bao giờ cũng hoàn toàn khác nhau. Nhiều ban giám hiệu (BGH) và thậm chí là thanh tra các cấp luôn bắt giáo viên phải làm thêm nhiều loại sổ sách khác nữa, gây nhiều phiền toái cho giáo viên và cũng không phát huy được tác dụng gì!
Chúng ta đều biết giáo viên đi dạy phải chuẩn bị giáo án chu đáo để lên lớp. Mục đích chính là chất lượng giảng dạy có đạt được hiệu quả hay không. Chuyện hồ sơ sổ sách thì cái gì không cần thiết, trùng lắp hoặc không phát huy được hiệu quả thì nên giảm tải, để giáo viên lo cho chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Nhưng đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học mới lại thấy BGH quy định thêm một số loại sổ sách không tên khác, hay mỗi khi thay BGH mới lại thấy thay đổi sổ sách. Thành thử giáo viên cứ chạy hoài theo những loại sổ sách vô bổ.
Nhiều giáo viên nói vui rằng: "Nếu chỉ chuyên tâm cho giáo án, chuyên tâm với bài giảng cho các em học sinh, mỗi tuần theo số tiết quy định thì giáo viên không sợ. Những việc ngoài chuyên môn mới thật sự đáng sợ, và làm mất quá nhiều thời gian đối với giáo viên ngày nay".
Thử hỏi một giáo viên bộ môn bình thường khi đã quy định làm kế hoạch giảng dạy một năm rồi thì cần gì phải làm kế hoạch tháng, kế hoạch tuần, lịch báo giảng.
Bởi những cái này đã có trong phân phối chương trình và thời khóa biểu rồi thì làm kế hoạch tháng, tuần để làm gì? Mà làm thì ai đọc? Hiệu phó chuyên môn lấy đâu ra thời gian ngồi đọc mấy chục cái kế hoạch của giáo viên cả trường trong một tuần, rồi duyệt giáo án, làm kế hoạch, hội họp...
Thành ra khi giáo viên đưa kế hoạch lên, vị nào cũng nói thế này: “Để đó tôi xem và duyệt”. Nhưng thực chất khi giáo viên đứng lớp thì các vị trong BGH tranh thủ ký duyệt vào các kế hoạch, rồi đưa văn thư đóng dấu và trả lại giáo viên...
Vậy làm kế hoạch có tác dụng gì? Riêng với tổ trưởng chuyên môn, ngoài những kế hoạch phải làm theo quy định như giáo viên, còn thêm sổ theo dõi ngày công, sổ chuyên đề, kế hoạch tổ... thậm chí là cả sổ theo dõi mượn thiết bị, mượn máy chiếu...
Làm sao mà tổ trưởng theo dõi được ai mượn bức tranh này, hình nọ, mượn từng cây thước, chiếc compa, lọ hóa chất... bởi họ cũng phải lên lớp. Nhưng nếu có ghi chép thì cũng để làm gì khi đã có nhân viên thiết bị ghi chép, theo dõi hằng ngày rồi!
Mấy năm nay, trường nào cũng thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên nên giáo viên còn thêm loại sổ này nữa. Thế là đầu năm BGH phát cho một cuốn tài liệu, rồi nói giáo viên về nhà... chép lại vào sổ bồi dưỡng cá nhân. Chép như vậy để làm gì, đã đưa tài liệu thì cho giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, cần gì phải chép lại để cuối năm... nộp BGH?
Còn nhiều việc cần làm Thời buổi công nghệ thông tin, đổi mới giáo dục không thể là tăng thêm vài quyển sổ như một số địa phương đã và đang làm. Đổi mới là phải đổi cả tư duy của người thầy. Người thầy phải tự học, tự trau dồi và rèn luyện để tìm ra cái hay, cái mới cho phù hợp với xã hội, với thời đại, hướng tới việc tạo ra một sản phẩm giáo dục thích ứng được với thời đại. Muốn giáo viên làm được điều đó thì BGH phải là người tiên phong chịu làm mới mình bằng một tư duy mới, cái gì có lợi cho cái chung thì làm, cái gì không cần thiết cần loại bỏ, tránh thủ tục rườm rà không cần thiết cho giáo viên. Bởi giáo viên, bên cạnh đống sổ vô tích sự, làm xong bỏ xó, họ còn nhiều việc cần thiết hơn phải làm đó là chăm lo cho tiết dạy, chăm lo chấm bài, uốn nắn từng câu chữ, từng lỗi sai của học trò, còn bận bịu vận động học sinh bỏ học... Những việc này ắt sẽ thiết thực hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận