07/09/2013 12:45 GMT+7

Xin đừng làm khó người nhà

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Nhiều khách Sài Gòn đi nghỉ ở Mũi Né hay Nha Trang thời gian này đều thắc mắc: “Sao toàn tiếng Nga vậy?”.

dS7Jb54T.jpgPhóng to

Lắm “thượng đế” đứng trước các cửa hiệu toàn tiếng nước ngoài ở nước mình lo lắng: “Có bán cho mình không ta?”. Chuyến đi để nghỉ ngơi đôi khi đã biến thành “cực hình” với nhiều người không biết ngoại ngữ, đặc biệt là trong các bữa ăn ở những quán địa phương nhưng chỉ thích dùng thực đơn toàn tiếng nước ngoài. Món ăn nấu theo kiểu Tây, thực đơn cũng viết tiếng Tây, nhiều người ngó qua ngó lại ngán ngẩm nói với con cháu hay bạn bè: “Thôi cứ gọi đại một món!”. Nhiều người đi về chẳng nhớ nổi mình ở khách sạn nào vì dù là tiêu chuẩn một hay năm sao, các khách sạn ở đây phần lớn đều mang tên nước ngoài.

Chuyện này khiến người viết nhớ lại chuyến công tác dở khóc dở cười vào năm 2005 tại Trung Quốc. Trong một lần ăn trưa, nhìn thực đơn toàn tiếng Hoa (không có ảnh minh họa), người bán quán cũng chỉ nói tiếng bản địa, chúng tôi đánh liều gọi cơm và bốn món ăn ở bốn cột khác nhau với niềm tin sắt đá rằng bốn món đó sẽ gồm đủ thịt cá, rau củ. Kết quả thật “trêu ngươi” khi tiểu nhị dọn lên một bàn ăn với cơm và bốn đĩa toàn... thực vật: rau cải xào dầu hào, rau thập cẩm xào nấm, bông bí luộc và đủ loại củ hấp với hành! (Những ai đã đi Nhật hay Hàn đều thường phải nhìn ảnh trong thực đơn để gọi món ăn). Chúng tôi cũng từng “khóc ròng” giữa khách sạn năm sao rộng lớn nhưng không một nhân viên nào hiểu chữ “business center” hay “ciber world” (ý chúng tôi muốn hỏi là nơi có máy tính kết nối Internet để gửi bài vở về nhà) là gì. Và họ chỉ hiểu điều chúng tôi cần khi tôi bất ngờ thốt lên hai tiếng “Yahoo!”. Kể cả những từ mà chúng tôi ngỡ là “cả thế giới đều biết” như WC, toilet, rest room (nhà vệ sinh) thì người dân ở đây vẫn như chưa từng nghe thấy. Lại phải một màn quơ tay múa chân loạn xạ để được “đáp ứng nhu cầu”!

Thế mà giờ đây, ngay tại đất nước mình, không ít người cũng phải nhìn ảnh trong thực đơn để gọi món hoặc phải líu hết cả lưỡi hòng được phục vụ đúng ý. Không riêng gì những khu du lịch thu hút đông khách nước ngoài như Mũi Né, Nha Trang, Hạ Long, Sa Pa... (mà thông thường cũng chỉ đông khách nước ngoài vào nửa tháng cuối năm, mùa hè vẫn chủ yếu đón khách trong nước) người ta mới thích dùng bảng hiệu, thực đơn, giá cả ngoại. Tại TP.HCM, không chỉ khu trung tâm thành phố, khu phố Tây, phố Hàn, phố Nhật, khu sân bay, quận 7, quận 2... dập dìu khách sạn, nhà hàng, tiệm matxa, trung tâm thẩm mỹ, tiệm cắt tóc, cửa hàng thời trang... với bảng hiệu nước ngoài, mà ngay cả những quận vùng ven như Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh... cũng toàn tiếng Anh tiếng u. Có anh xe ôm đã nhăn mặt từ chối giao hàng giúp khách đến khu căn hộ cao cấp ở Q.2 chỉ vì “mấy tòa nhà đó toàn ghi tiếng nước ngoài, đường sá lại mới mở, tui vừa không rành đường vừa không biết tiếng, hỏi cũng không biết hỏi làm sao, mà người ta chỉ tòa nhà này với tòa nhà kia tui nghe cũng không nhớ nổi!”. Có bà dì còn nói như mếu với đứa cháu cưng: “Thôi tụi con ráng kiếm tiền mua cái nhà bình thường, nhỏ nhỏ cũng được. Chứ mua căn hộ cao cấp tên nước ngoài, rồi bảng chỉ dẫn, thang máy cũng ghi tiếng nước ngoài làm sao dì lên thăm tụi con được!”.

Đâu chỉ TP.HCM hay Hà Nội, cứ mở trang quảng cáo địa ốc ở các báo sẽ thấy Cần Thơ, Bình Dương, Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng... cũng đầy rẫy các khu đô thị mới, căn hộ với những tên gọi không thể “kêu” hơn: Green Hill, Sea Links, Blooming Tower, Royal City... khiến người dân nơi đó cứ phải “Việt hóa”, thậm chí “địa phương hóa” những cái tên xa lạ nơi xứ mình.

Trong một trung tâm thẩm mỹ ở quận Phú Nhuận, đã có vị khách từ chối thực hiện các dịch vụ chỉ vì nhân viên toàn dùng các thuật ngữ tiếng nước ngoài như: facial (chăm sóc da mặt), parafin (chăm sóc da tay chân bằng cách ủ với một loại sáp đặc biệt), oil therapy (trị liệu bằng tinh dầu)... để mời gọi bà. Mấy cô nhân viên cười rũ, nói khách nhìn sang trọng mà... quê. Nhưng thực tế ngoài mấy từ nói theo kiểu “bồi” kia, trình độ ngoại ngữ của các cô hẳn chẳng hơn bà khách là bao. Không ít nhân viên phục vụ ở các quán ăn nhà hàng “Tây hóa” cũng vậy, sau khi thực khách vã mồ hôi nghiên cứu thực đơn và cố gắng phát âm thật chuẩn xác món mình muốn gọi rồi thì họ lại “xin phép” xem món khách gọi là món số mấy trong thực đơn.

Với truyền thống hiếu khách của người Việt, việc sẵn sàng dùng tiếng nước ngoài để phục vụ tốt hơn cho du khách và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại VN là điều dễ hiểu. Nhưng hiếu khách đến độ làm khó người nhà, làm khó lẫn nhau thì thật... không hiểu nổi! Khó gì việc dùng song ngữ (với mức độ ưu tiên tiếng Việt cao hơn) ở những nơi vừa dành cho khách phương xa lẫn khách bản địa?

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên