17/05/2007 05:47 GMT+7

Xìcăngđan hối lộ xuyên quốc gia của Siemens - Bài 3: Cái giá phải trả

HIẾU TRUNG tổng hợp (từ Spiegel, IHT, Reuters)
HIẾU TRUNG tổng hợp (từ Spiegel, IHT, Reuters)

TT - Vụ xìcăngđan hối lộ lớn chưa từng có trong lịch sử hình thành Siemens đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ cho tập đoàn đa quốc gia danh tiếng này mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của cả nước Đức. Tuy nhiên, đây không phải là một trường hợp đơn lẻ.

YFEswvDq.jpgPhóng to
Tổng giám đốc Klaus Kleinfeld (bìa phải) rời cuộc họp báo tuyên bố từ chức, để lại “khoảng trống lãnh đạo” trong Tập đoàn Siemens - Ảnh: Reuters
TT - Vụ xìcăngđan hối lộ lớn chưa từng có trong lịch sử hình thành Siemens đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ cho tập đoàn đa quốc gia danh tiếng này mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của cả nước Đức. Tuy nhiên, đây không phải là một trường hợp đơn lẻ.

“Truyền thống bôi trơn” của Siemens

Nhiều năm về trước, Siemens đã có “truyền thống” rơi vào dòng xoáy của hàng loạt vụ tham nhũng lớn nhỏ. Tuy nhiên vào thời đó, những vi phạm như vậy chỉ bị coi là tội vặt vãnh. Tới tận đầu thập niên 1990, Siemens vẫn còn trả tiền tại ngoại và thuê luật sư cho các nhân viên bị tố cáo tham nhũng.

Một trong những thời điểm “cột mốc” làm nên “truyền thống” đáng xấu hổ của Siemens là thời kỳ cải tổ sâu rộng của tập đoàn này vào năm 1989. Khi đó, 15 chi nhánh mới được thành lập của Siemens được trao quyền hoạt động độc lập rất lớn, thậm chí được phép tự do thực hiện các hoạt động giao dịch tài chính mà không bị tổng công ty giám sát. Các quan chức đứng đầu các chi nhánh này nhanh chóng nhận ra giá trị của “sự tự do” chưa từng có này và thoải mái thò tay vào rút bộn tiền từ các quĩ của Siemens để thanh toán cho các khoản “lại quả” ở các nước khác. Lúc đó, những khoản chi phí này được che đậy một cách tinh vi dưới những vỏ bọc như “phí tư vấn” hoặc tiền hoa hồng. Thậm chí, chúng còn được giảm thuế đáng kể.

Hệ thống tài chính bí mật này bị lôi ra ánh sáng vào năm 1999, khi Siemens thắt chặt luật chống tham nhũng. Ban lãnh đạo công ty ra qui định mới cấm hối lộ quan chức nước ngoài, những khoản chi phí này cũng không còn được giảm thuế. Đến năm 2002, lệnh cấm hối lộ được áp dụng thêm cho nhân viên các công ty tư nhân. Tuy nhiên, tất cả động thái đáng khích lệ đó chỉ diễn ra trên giấy tờ, một số nhà quản lý tại Siemens vẫn tiếp tục thủ đoạn hối lộ quan chức các nước để thắng thầu và tìm mọi cách che giấu hành động phạm pháp của họ.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào năm 2000 khi chủ tịch hội đồng quản trị Heinrich Von Pierer buộc các công ty con phải vượt qua những chỉ tiêu mới rất khắt khe về lợi nhuận trước năm 2003. Quan điểm cứng rắn của Von Pierer gây áp lực rất lớn lên các công ty chi nhánh của Siemens. Thêm vào đó, một cú sốc lớn đối với Siemens vào thời điểm đầu những năm 2000 là việc chi nhánh viễn thông không dự báo được hàng loạt xu thế thị trường và gần như sụp đổ. Một số công ty con khác, không muốn chịu chung số phận như chi nhánh viễn thông, buộc phải tìm mọi cách, kể cả bất hợp pháp, để giành được hợp đồng.

“Phần nổi của tảng băng”

Hiện tại, hàng loạt quốc gia, tổ chức trên thế giới từ châu Âu (Đức, Ý, Thụy Sĩ, Na Uy, Pháp, Ba Lan, Hi Lạp và Ủy ban châu Âu), châu Á (Nhật, Singapore) và Mỹ đang tổ chức điều tra hình sự đối với Siemens. Nếu bị kết tội, Siemens sẽ bị phạt rất nặng và có thể bị cấm tham gia đấu thầu những dự án công tại các quốc gia này. Riêng tại Singapore, Siemens bị cấm tham gia đấu thầu dịch vụ công trong vòng năm năm tới do bị phát hiện hối lộ một quan chức thuộc Bộ Năng lượng Singapore. Bản thân ban giám đốc Siemens cũng đã tuyên bố có thể sẽ ngưng hoạt động tại một số quốc gia.

Vụ xìcăngđan hối lộ này đã làm hoen ố hình ảnh của Siemens, một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ từng được coi là một công ty hình mẫu tại Đức. Tháng 12-2006, hơn một tháng sau khi những thông tin về hoạt động mờ ám tại Siemens hé lộ và nhân viên điều tra Đức khám xét văn phòng của công ty, Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) yêu cầu Siemens rời khỏi tổ chức này, một động thái cho thấy uy tín của Siemens sa sút thảm hại.

Cũng trong tháng 12-2006, do vụ xìcăngđan, Siemens phải cắt mức lợi nhuận ròng của công ty trong năm tài chính 2005-2006 gần 100 triệu USD. Tuy nhiên đó chỉ là con số rất nhỏ so với những thiệt hại về mặt tài chính mà công ty có thể sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Đến nay, hàng loạt quan chức cao cấp của Siemens đã bị bắt giữ để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, mất mát lớn nhất về mặt nhân sự của Siemens chính là sự ra đi của hai “người khổng lồ”: chủ tịch hội đồng quản trị Heinrich Von Pierer và tổng giám đốc Klaus Kleinfeld. Heinrich Von Pierer đã tuyên bố từ chức vào ngày 19-4-2007. Dù chưa có bằng chứng cho thấy Von Pierer có liên quan đến các hoạt động mờ ám, nhưng ông là giám đốc điều hành của Siemens từ năm 1992-2005, giai đoạn mà toàn bộ những vụ hối lộ, tham nhũng diễn ra.

Đồng thời, vụ án này còn gây tác động tiêu cực đến hình ảnh của môi trường kinh doanh vốn được xem là sạch sẽ tại Đức. Theo ông Peter Von Blomberg - phó giám đốc chi nhánh Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Đức, những xìcăngđan hối lộ cỡ lớn như vụ Siemens hay vụ điều tra Tập đoàn ôtô Volkswagen chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi tới khoảng 90% số vụ tham nhũng tại Đức không bị phát giác. Theo thống kê của nhà chức trách Đức, năm 2005 ở Đức có tới 90.000 vụ tham nhũng.

HIẾU TRUNG tổng hợp (từ Spiegel, IHT, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên