Vinashin: xét xử Phạm Thanh Bình và các bị cáo
![]() |
Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tập đoàn Vinashin - Ảnh: ttxvn |
Theo cáo trạng được đọc tại tòa, tổng số thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo (trong đó có chín bị cáo bị truy tố trước tòa) trong vụ án gây ra là hơn 910 tỉ đồng. Cụ thể, dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen gây thiệt hại hơn 469 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện sông Hồng gây thiệt hại hơn 316 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân gây thiệt hại hơn 66 tỉ đồng, dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại hơn 30 tỉ đồng và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỉ đồng.
Mua tàu Hoa Sen để thử nghiệm
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo theo từng dự án. Về dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin) trình bày: “Tàu Hoa Sen được mua về cho một cuộc thử nghiệm hết sức lớn là mở một con đường cao tốc Bắc - Nam trên biển”. Trước đó, cáo trạng nêu tàu Hoa Sen hoạt động từ ngày 13-12-2007, chạy được 39 chuyến (hai chiều Bắc - Nam) thì phải dừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo một số bị cáo thực hiện không đúng chủ trương đầu tư của Thủ tướng là đóng mới tàu biển chở khách Bắc - Nam, phê duyệt dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án... Tại tòa, bị cáo Phạm Thanh Bình nói: “Đồng ý với các hành vi đã nêu trong cáo trạng, nhưng phần buộc tội và thiệt hại thì chưa nhất trí”.
Cáo trạng nêu tại các thời điểm 12-4-2007 và 3-7-2007, Văn phòng Chính phủ đã có các công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc “đồng ý về chủ trương Vinashin thực hiện đóng mới tàu biển chở khách cao tốc Bắc - Nam” và bị cáo Phạm Thanh Bình đã không thông báo ý kiến của Thủ tướng cho các thành viên HĐQT biết.
Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Phạm Thanh Bình vẫn nói: “Tôi có thông báo”. Khi đại diện Viện Kiểm sát công bố lời khai của chính bị cáo Phạm Thanh Bình cho thấy bị cáo đã “không thông báo”, bị cáo Bình thừa nhận mình có khai như vậy và cho rằng “lúc đó tôi hiểu nhầm công văn của Văn phòng Chính phủ”.
Trong phần trả lời các câu hỏi của luật sư tại tòa, bị cáo Bình trình bày việc đầu tư mua tàu Hoa Sen ngay từ đầu thì lỗ, nhưng trong vài năm nếu có thêm hơn chục con tàu nữa và hoạt động đồng bộ chắc sẽ hiệu quả. Luật sư hỏi: “Nếu thành công thì anh là anh hùng chứ không phải bị cáo hôm nay?”, bị cáo Phạm Thanh Bình trả lời: “Tôi không dám”.
Nhà máy không đạt yêu cầu
Cùng ngày, hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo về dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân. Theo cáo trạng, năm 2011 Vinashin có quyết định đầu tư xây dựng khu công nghiệp tàu thủy Cái Lân, trong đó có dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel (tại P.Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) và thành lập ban quản lý dự án do bị cáo Phạm Thanh Bình làm trưởng ban, bị cáo Tô Nghiêm (nguyên chủ tịch Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân) là phó trưởng ban.
Đối với việc đầu tư xây dựng nhà máy này, cáo trạng nêu các bị cáo Phạm Thanh Bình và Tô Nghiêm đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, trong đó có việc cho phép nhà thầu nhập máy móc, thiết bị cũ được tháo dỡ từ nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc không đúng với nội dung hợp đồng (là máy móc, thiết bị mới), không đúng với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt của dự án...
Trình bày trước tòa, bị cáo Tô Nghiêm nói “cơ bản đồng tình” với cáo trạng. Bị cáo Phạm Thanh Bình cũng “đồng ý các hành vi” được nêu trong cáo trạng và nói: “Tôi thực hiện sai nhưng có điều kiện khách quan”. Bị cáo Bình trình bày là “cuối cùng người ta vẫn hoàn thành cho chúng tôi cái nhà máy”. Trả lời câu hỏi nhà máy hoạt động thế nào thì bị cáo Bình nói: “Không đạt yêu cầu”.
Vào cuối ngày làm việc, phiên tòa bước sang phần thẩm vấn các bị cáo về việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang. Theo cáo trạng, trong việc phá dỡ tàu để bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tháng 7-2008, bị cáo Trần Quang Vũ (thời điểm đó là tổng giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu) đã có hành vi như: quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản không đúng thẩm quyền, biết tàu Bạch Đằng Giang là tài sản thế chấp cho VFC (Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy, nay là Công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy) nhưng đã phá vỡ tàu bán vỏ mà không thực hiện bán đấu giá, không thông báo cho VFC biết theo quy định... Trước những cáo buộc này, bị cáo Trần Quang Vũ nói: “Tôi quá nhiều việc nên không kiểm soát hết”.
Hôm nay 28-3, phiên tòa tiếp tục làm việc.
9 bị cáo bị truy tố trước tòa 1. Phạm Thanh Bình (59 tuổi), nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin. Sai phạm liên quan quá trình thực hiện đầu tư các dự án: mua tàu cao tốc Hoa Sen, xây dựng Nhà máy nhiệt điện sông Hồng, xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân. 2. Trịnh Thị Hậu (48 tuổi), nguyên tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy. Sai phạm liên quan đến các dự án: mua tàu cao tốc Hoa Sen, xây dựng Nhà máy nhiệt điện sông Hồng, đầu tư tàu Bình Định Star. 3. Trần Văn Liêm (57 tuổi), nguyên trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên giám đốc Công ty Viễn Dương. Sai phạm trong dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen. 4. Hoàng Gia Hiệp (40 tuổi), nguyên phó tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy, giám đốc Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy. Sai phạm trong dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen. 5. Nguyễn Văn Tuyên (50 tuổi), nguyên giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. Sai phạm trong dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hồng. 6. Nguyễn Tuấn Dương (46 tuổi), nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long. Sai phạm trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện sông Hồng. 7. Tô Nghiêm (53 tuổi), nguyên chủ tịch Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà (Quảng Ninh). Sai phạm trong dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân. 8. Trần Quang Vũ (54 tuổi), nguyên tổng giám đốc Vinashin, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu. Sai phạm liên quan đến việc phá dỡ tàu để bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang. 9. Đỗ Đình Côn (50 tuổi), nguyên kế toán trưởng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. Sai phạm trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện sông Hồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận