13/02/2008 05:23 GMT+7

Xét nghiệm: sai sót 1% đã là thảm họa!

LAN ANH
LAN ANH

TT - Đây là đánh giá của Hiệp hội Chất lượng Hoa Kỳ đưa ra tại hội thảo "Phòng thí nghiệm y tế, những yêu cầu cụ thể về chất lượng và năng lực" mới được tổ chức tại Hà Nội.

Theo hiệp hội này, ngay trong trường hợp kết quả xét nghiệm chính xác 99% (tức chỉ sai sót 1%), thì tại Hoa Kỳ mỗi năm đã có 200.000 đơn thuốc bị kê sai, 5.000 chỉ định phẫu thuật sai lầm mỗi tuần và mỗi ngày có tới 50 bào thai bị nạo phá sai lầm!

Theo đánh giá của một quan chức Vụ Khoa học đào tạo - Bộ Y tế, vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập liên quan đến phòng xét nghiệm y tế ở VN. Đó là việc chưa công nhận lẫn nhau, làm người bệnh tốn kém không cần thiết: đã xét nghiệm ở tuyến huyện, lên tỉnh phải xét nghiệm lại và nếu người bệnh phải chuyển lên T.Ư thì xét nghiệm lần nữa, chưa kể ngay phòng xét nghiệm các bệnh viện T.Ư cũng chưa công nhận lẫn nhau. "Ít nhất người bệnh đã tốn kém gấp đôi chi phí xét nghiệm do bất cập này" - quan chức này nhận xét.

Về chất lượng xét nghiệm, theo dược sĩ Nguyễn Thị Hương - khoa hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai, cả nước có 1.013 phòng xét nghiệm trong hệ thống bệnh viện công, bệnh viện tư và phòng khám tư nhân, kiểm tra chất lượng xét nghiệm là vấn đề cấp bách. Các xét nghiệm huyết học, vi sinh, giải phẫu bệnh... chưa có chương trình kiểm tra chất lượng chính thức, trong khi nhu cầu xét nghiệm và chỉ định xét nghiệm ngày càng tăng.

Xét nghiệm tràn lan

Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, số xét nghiệm thực hiện năm 2006 gấp... 5 lần năm 2000. "Số phòng xét nghiệm thành lập cùng phòng khám tư nhân đang tăng rất nhanh, nhưng việc đảm bảo chất lượng dịch vụ xét nghiệm ở khu vực này đang bị thả nổi, chưa có cơ quan nào quản lý” - bà Hương nói.

Gần đây nhất, có 14% bệnh viện tỉnh và 7,5% bệnh viện ở Hà Nội được khảo sát không kiểm tra chất lượng các xét nghiệm máu... Trong khi đây phải là một hoạt động hằng ngày của phòng xét nghiệm nhằm phát hiện sai sót, sửa chữa ngay và đưa kết quả chính xác, tin cậy cho các bác sĩ.

Chính vì những nguyên nhân trên, dược sĩ Hương cho biết một thực tế hiện nay là nhiều phòng khám, nhiều bác sĩ cho xét nghiệm tràn lan để... thu tiền là chính, không vì mục đích chẩn đoán, chữa bệnh. Do nguồn cán bộ hóa sinh lâm sàng thiếu, cơ sở y tế cứ có máy là tổ chức xét nghiệm, nhân viên làm xét nghiệm không được đào tạo về chuyên môn, kết quả xét nghiệm làm ra không biết đúng hay sai! "Cơ sở y tế tuyến trên không công nhận kết quả xét nghiệm của cơ sở tuyến dưới do có sự chênh lệch về chất lượng xét nghiệm" - bà Hương giải thích.

Đang soạn chuẩn chất lượng

Ông Phạm Quốc Bảo, phó vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo - Bộ Y tế, đánh giá việc kết quả xét nghiệm giữa các tuyến có chênh lệch, độ chính xác khác nhau đã ảnh hưởng kết quả điều trị, kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân. Vì vậy, Vụ Khoa học đào tạo đang chủ trì xây dựng "chuẩn chất lượng xét nghiệm", tiến tới cấp chứng chỉ ISO 15189 giúp các phòng xét nghiệm có tiêu chí và thực hiện đúng các tiêu chí để cung cấp được các dịch vụ xét nghiệm đủ độ tin cậy theo chuẩn mực quốc tế.

Trước mắt, đã có năm phòng xét nghiệm ở các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy... tham gia chương trình bảo đảm chất lượng xét nghiệm đầu tiên tại VN. Từ tháng 6-2007, chương trình này đã mở rộng đến 56 phòng xét nghiệm tham gia và đang hứa hẹn những kết quả khả quan. "Điều này sẽ mang lại những lợi ích rất lớn là tiết kiệm cho người bệnh, cải thiện chất lượng điều trị tại bệnh viện" - ông Bảo kết luận.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên