![]() |
Vương Đồng Huy (giữa, vai Vĩnh Gia) và Nghiêm Đan Chấn (bìa trái, vai Bội Trân) trong phim |
Sự hấp dẫn của "Ngón tay vàng" không chỉ đến từ cốt truyện được chuyển thể từ Bá tước Monte Cristo của A. Dumas mà còn ở dàn diễn viên chăm chút cho từng vai diễn, ở sự tài ba của đạo diễn khi không để lại một cảnh thừa, ở những khung hình được quay tuyệt đẹp và rất phù hợp với không khí phim.
Cuộc đời của Đường Thanh Sơn không chỉ là cuộc đời của một anh buôn gỗ tầm thường mà qua cuộc đời đó, người xem thấy được những biến cố thời cuộc trong lịch sử Trung Hoa cận đại. Thời cuộc đó có lúc tranh tối tranh sáng nhưng trên hết những âm mưu sẽ bị phá vỡ và cái thiện lại được đền bồi - dù phải qua nhiều vất vả.
Xem phim, khán giả không khỏi ngạc nhiên vì tài nghệ của nhà biên kịch. Dưới ngòi bút của Châu Trấn Thiên, người xem không còn thấy một bá tước của A. Dumas nữa mà chỉ còn là Đường Thanh Sơn và thời đại cuối Thanh của Trung Hoa. Điều này có gợi nghĩ gì cho các nhà biên kịch VN trong việc Việt hóa các kịch bản/tác phẩm văn học của nước ngoài không?
Với vai diễn Đường Thanh Sơn, Lữ Lương Vỹ đã có thêm một cột mốc đáng nhớ trong đời diễn viên của mình. Không chỉ có Lữ Lương Vỹ, Nhan Đan Thần trong vai Phỉ Bội Trân cũng để lại những dấu ấn đẹp cho người xem. Sự mong manh của cô tiềm ẩn một sức mạnh tinh thần đặc biệt. Nhan Đan Thần đã làm cho người đọc tin rằng có một người con gái như thế trên đời. Và đó là điều tuyệt diệu nhất với mỗi diễn viên.
Ngay trong nụ cười cam chịu của cô cũng đã có chút phản kháng âm thầm. Trực giác của nữ tính đã không đánh lừa cô bởi vì kẻ ngụy quân tử cuối cùng cũng lộ mặt. Đôi mắt buồn bã theo Bội Trân suốt đời từ ngày cô nhận lời lấy Vĩnh Gia. Những cảnh quay cận cảnh mắt của Đan Thần đều làm khán giả xúc động đến kỳ lạ. Phải chăng cuộc đời của những người phụ nữ hồng nhan thì luôn bạc mệnh?
Phim còn chuyển tải những thông điệp hết sức sâu sắc về vai trò của mỗi tầng lớp nhân dân đối với vận mệnh đất nước, với thời cuộc. Một Vương gia đành chết hận trong tù vì những tư tưởng đổi mới có phải cũng là lời cảnh báo sâu sắc: hãy nhớ rằng đất nước có phát triển hay không chính là ở những con người yêu nước như thế, có tầm vóc như thế!
Một cốt truyện trên nền truyện của người khác được hư cấu thêm những tình tiết gay cấn ly kỳ, không có triết lý nào mới mẻ ngoại trừ một chân lý đã có từ xưa: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, diễn viên chưa phải là ngôi sao lớn, thậm chí có diễn viên còn hơi bị... mới toanh! Hấp dẫn chỉ đơn giản từ sự kỹ lưỡng của đạo diễn và biên kịch cùng với những nỗ lực của diễn viên.
Tôi cứ nghĩ mãi: làm một bộ phim thế này, kinh phí cũng không phải là quá cao, lại cũng không cần đạo diễn quá giỏi nghề cỡ Trần Khải Ca hay Trương Nghệ Mưu, cũng không có kỹ xảo gì nhiều. Thế mà tại sao Trung Quốc đã làm được và làm rất tốt mà VN ta thì lại làm không được? Bởi thế, xem phim người ta lại một lần nữa tức và tiếc cho phim nước nhà...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận