16/02/2012 02:11 GMT+7

Xem báo xuân xưa

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - Một triển lãm giới thiệu bản gốc của hơn 100 tờ báo xuân trong làng báo Việt Nam từ thập niên 1930-1940, ra mắt công chúng TP.HCM từ ngày 16-2 đến trung tuần tháng 3 tại Nhã Nam thư quán (015 chung cư 43 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

0b7osew1.jpgPhóng to
Trang bìa tờ báo Sài Gòn số xuân Kỷ Mão 1939 - Ảnh: T.T.D.

Ðây có thể xem như một cuộc chơi đầu năm của những nhà sưu tập báo, bản thảo, thủ bút trong Nam ngoài Bắc. Họ gặp nhau ở tấm lòng trân trọng những trang viết của tiền nhân, đồng thời cũng muốn qua đó giới thiệu cho công chúng biết diện mạo cùng không khí làm báo xuân của thời ấy.

Lẽ nào đêm mãi, hỡi ông xanh?

Người thời nay xem báo xuân xưa, cũng giống như một cuộc trở về tìm lại những điều tươi mới trên từng trang giấy cũ kỹ, ố vàng, nhiều trang đã được nhà sưu tập bồi lại, gia cố để chống chọi với thời gian. Nhưng vẫn là tươi mới, tuần báo Ðàn Bà xuân Ất Dậu 1945 ngay trang bìa in bức tranh gà với hai câu thơ rộn ràng: Vượn già lui gót rừng xanh/Gà siêng giục cảnh bình minh tái hồi. Và ngay lời tòa soạn Lại đến tết, không khí đói kém của những tháng ngày lịch sử ấy được phản ánh cả trong báo xuân. Với chủ trương đả phá những hủ tục, tờ Phong Hóa số xuân năm 1935 trình bày trang bìa là hoạt cảnh lễ cúng trừ tà của dân gian rất đỗi sinh động, kèm theo lời tuyên xưng "Phong Hóa nhại tục lệ rắc vôi bột, vẽ cung tên để trừ tà ma ám ảnh chơi".

Với những người quan tâm đến lịch sử ngành in ấn của Việt Nam, lần giở lại các trang báo xuân ngày trước mới thấy đội ngũ làm báo bấy giờ thật sự nỗ lực để sáng tạo những maquette báo đặc sắc, hình ảnh đẹp và thật đáng quý là hầu hết đều hướng đến nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ðó là bức tranh vẽ chú chích chòe đậu trên cành đào của tờ báo Mai số xuân năm 1937 rất sinh động, là hình ảnh hai phụ nữ Nam bộ trong trang phục áo dài và cành mai vàng trên bìa tờ Ðiển Tín số xuân Kỷ Mão 1939, là hình ảnh cô gái miền Bắc in trên trang đầu tờ Mai, kèm theo bốn câu thơ Mừng xuân báo Mai của Phan Bội Châu: Lẽ nào đêm mãi, hỡi ông xanh? Thoạt thấy tin mai thột cả mình/ Quét sạch mây mù xin gắng hộ: Ðể cho thiên hạ chúc đông minh.

Gợi mở nhiều đề tài nghiên cứu

Nếu không có tinh thần kết nối của ông chủ Nhã Nam thư quán - ông Dương Thanh Hoài - với các nhân vật cao thủ trong làng sưu tập, cuộc trưng bày kiểu thế này sẽ rất khó thực hiện. Chính sự kỳ công này đã khiến dự định triển lãm vào dịp tết bị trễ đến tròm trèm một tháng. Nhưng bản thân nội dung các tờ báo xuân xưa cũ lại chứa đựng nhiều thông tin, nhiều tư liệu văn học, báo chí quý hiếm nếu công chúng được tiếp cận. Từ những trang báo với độ lùi thời gian 7-8 thập kỷ ấy có thể gợi mở thêm một vài ý tưởng khảo cứu hoặc tìm hiểu có tính học thuật. Ðây cũng là điều tâm huyết của các nhà sưu tập góp phần chính trong cuộc trưng bày: Nguyễn Ðình Ðầu, Nguyễn Hữu Triết, Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ.

Có rất nhiều đề tài thú vị, như trên tờ Phong Hóa xuân 1936 có bài Tên dài phê phán cách gọi tên kèm theo các loại tước vị phẩm hàm dài dặc vừa phô trương vừa làm khó người đọc.

Lại có cả những tờ báo... lạ hoắc, với nhiều người hẳn là lần đầu mới thấy, như tờ Nhân Dân Liên Khu V; tờ Nhi Ðồng Họa Bản số tết Quý Mùi (1943); Tuần Báo Loa số xuân Bính Tý (1936) có hẳn một bài thơ mô tả "Cảnh tết của làng báo"; đặc biệt trên số xuân Giáp Thân (1944) tạp chí Tri Tân có đăng bài khảo cứu về Trường thi Nam Ðịnh của học giả Trần Văn Giáp rất công phu, có kèm cả hình vẽ sơ đồ minh họa.

"Chỉ riêng các mục quảng cáo trong từng loại báo xuân cũng đáng là một đề tài nghiên cứu: về ngôn ngữ quảng cáo và cách thức marketing các mặt hàng thời ấy, cũng là một phương tiện để nghiên cứu những đặc điểm của thị trường sơ khai lúc bấy giờ" - một nhà nghiên cứu báo chí sau khi ghé xem loạt báo xuân chuẩn bị trưng bày đã nhận xét như vậy.

mRknaFFc.jpgPhóng to

Tấm hình bà vợ ông Nguyễn An Ninh và hai người con trước khám lớn Sài Gòn in trên tờ Sài Gòn số xuân - Ảnh: L.Điền chụp lại

Táo bạo và mới mẻ

Ý tưởng táo bạo và mới mẻ nhất có lẽ là trên số xuân Kỷ Mão (1939), tờ Sài Gòn đăng nguyên một trang khổ to (50 x 65 cm) bài viết Ngày xuân xông nhà các chính trị phạm hay là cảnh thu giữa trời xuân, do tác giả Hiền Sĩ nhân dịp xuân về đã lần lượt ghé thăm gia đình các nhà cách mạng: Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nguyễn... hiện đang bị Pháp bắt giam.

Bài báo dài, in kèm tám tấm hình, trong đó có những ảnh tư liệu cực quý hiếm như bức hình vợ ông Nguyễn An Ninh dắt hai đứa con đứng trước khám lớn Sài Gòn chờ thăm chồng, hình ngôi nhà của ông Dương Bạch Mai, hình vợ ông Nguyễn Văn Nguyễn trước căn nhà tranh và hình bà đang vo gạo nấu cơm chiều...

LAM ĐIỀN

Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên