Không phủ nhận có sự hoài nghi với chất lượng gắn mác Trung Quốc từ người dùng, nhưng thực tế khi kinh tế khó khăn, bán xe sang ì ạch thì doanh số dòng xe Trung Quốc cạnh tranh vẫn giúp nhà phân phối nội địa kiếm tiền tốt hơn...
"Trùm" phân phối xe sang phấn khởi nhờ bán xe Trung Quốc
Như Công ty CP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX), nhà phân phối này vừa có quý 3-2024 thuận lợi khi doanh thu tăng mạnh.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 3-2024, doanh thu HAX đạt 1.535 tỉ đồng, tăng gần 38% so với quý 3-2023. Đây là mức cao nhất 7 quý trở lại đây của HAX.
Doanh số tăng cao hơn mức tăng giá vốn, lợi nhuận gộp đạt hơn 174 tỉ đồng, gấp 1,3 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp HAX nâng lên mức 11,3%, còn lợi nhuận sau thuế đạt 90 tỉ đồng, gấp gần 11 lần cùng kỳ.
Nhờ quý 3 "gánh", 9 tháng đầu năm nay doanh thu HAX đạt 3.695 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỉ đồng - gấp gần 10 lần 9 tháng năm ngoái.
Là nhà phân phối đứng đầu dòng xe hạng sang khi chiếm khoảng 40% thị phần Mercedes-Benz tại Việt Nam, nhưng tại báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán, ông Đỗ Tiến Dũng - chủ tịch Haxaco, cho biết: "Hệ thống đại lý kinh doanh xe MG rộng khắp cả nước thuộc Haxaco đã có 12 đại lý đang hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng nhanh và mạnh doanh số bán xe trong kỳ".
Ngoài ra, ông Dũng cũng nói mảng xe sang của HAX thuận lợi hơn trong quý 3 nhờ chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước.
Nhưng nếu tính riêng công ty mẹ Haxaco với mảng phân phối xe Mercedes-Benz trong 9 tháng đầu năm 2024 thì doanh thu đạt 2.205 tỉ đồng, giảm gần 17% so với cùng kỳ.
Dữ liệu: BCTC
Trước đó, 2023 là năm khó khăn với Haxaco khi doanh số sụt thê thảm, lãnh đạo Haxaco ví "ngành ô tô như hàn thử biểu phản ánh sức khỏe nền kinh tế".
Kinh tế khó khăn người dân tiếp tục thắt chặt tiêu dùng, đặc biệt là phân khúc xa xỉ. Do vậy cả năm 2023, HAX chỉ phân phối được 1.099 xe mới, giảm gần 40% so với năm 2022.
Theo thông tin trên website HAX, khi Haxaco thông báo sẽ phân phối xe của hãng MG thông qua công ty con là Công ty CP sản xuất thương mại và dịch vụ ô tô PTM - nhiều người bất ngờ bởi Haxaco vốn là đơn vị phân phối Mercedes lớn nhất thị trường. "Chúng tôi đang đi bằng hai chân để có sự phát triển bền vững", Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng lý giải.
Xe điện nhọc nhằn hơn?
Trong khi đó, TMT Motors - nhà phân phối xe điện Wuling Mini EV (đối thủ của xe VF3) lại chật vật hơn.
Theo BCTC hợp nhất quý 3, doanh thu TMT đạt 355 tỉ đồng, giảm 20% so với quý 3 năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn, TMT lỗ gộp gần 42 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 59 tỉ đồng.
Sau trừ chi phí, TMT lỗ 92,7 tỉ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng doanh thu công ty này giảm còn chưa đến 1.700 tỉ đồng (cùng kỳ gần 2.000 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế âm hơn 191 tỉ đồng - mức lỗ kỷ lục kể từ năm 2007 đến nay.
Xe điện giá rẻ Trung Quốc chưa cứu được kết quả kinh doanh của TMT - Dữ liệu: BCTC
Ông Bùi Văn Hữu - chủ tịch TMT - cho biết thua lỗ một phần do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu.
Nhưng ngoài ra theo ông Hữu, còn do chi phí tài chính của doanh nghiệp trong nhiều năm qua quá cao vì hàng tồn kho lớn. Do vậy hội đồng quản trị công ty đã "mạnh tay" cho bán hàng để cắt lỗ chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh mới.
Đồng thời triển khai tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc lại nhà cung cấp và tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Theo đó, TMT Motors chấp nhận kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2024 để đảm bảo chuẩn bị tốt cho chu kỳ kinh doanh mới...
TMT Motors được giới thiệu là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe thương mại uy tín tại Việt Nam với khoảng 50 năm kinh nghiệm hoạt động.
Cuối tháng 6 năm ngoái, TMT hợp tác với nhà sản xuất SGMW (SAIC-GM-Wuling) ra mắt chiếc Wuling Hongguang Mini EV lắp ráp tại nhà máy ở tỉnh Hưng Yên. Dòng xe này có mức giá khá rẻ, chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng, cùng phân khúc cạnh tranh với Vinfast VF3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận