09/03/2009 04:46 GMT+7

Xe buýt không dừng hẳn khi khách lên xuống xe

(Phản hồi tin “Xe buýt kéo lê học sinh trên đường”, Tuổi Trẻ ngày 7-3) 
(Phản hồi tin “Xe buýt kéo lê học sinh trên đường”, Tuổi Trẻ ngày 7-3) 

TT - * Đọc tin trên, tôi rất bức xúc vì chính tôi cũng gặp trường hợp tương tự khi đi xe buýt, nhưng nhờ tôi phản xạ kịp thời nên chỉ bị chấn thương nhẹ, không trầm trọng như em Quế.

Tôi nghĩ nếu không chấn chỉnh tình trạng xe buýt không dừng hẳn khi khách lên xuống xe, đây là nỗi ám ảnh cho người dân khi đi xe buýt! Một chuyện nữa cần phải thay đổi là thái độ của không ít tài xế và tiếp viên đối với hành khách. Nhiều tiếp viên hỏi hành khách trống không: “Xuống đâu?” hoặc ra lệnh: “Lẹ lên đi!”, và khi xe chưa kịp dừng thì hành khách đã bị đẩy xuống đường.

hJS89UnW.jpgPhóng to
Hành khách phải chạy băng qua làn xe máy nguy hiểm như thế này để lên xe buýt (ảnh chụp tại trạm xe buýt trên đường Trường Chinh, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM chiều 8-3-2009) - Ảnh: N.C.T.

* Hằng ngày con tôi đi học bằng xe buýt nên đọc tin trên tôi rất lo lắng. Bản thân tôi cũng từng chứng kiến cảnh tài xế xe buýt chạy ẩu, không chấp hành luật lệ giao thông và coi thường mạng sống người khác. Tôi thường đi lại trên đường Hòa Bình (khu vực Đầm Sen, TP.HCM). Tôi thấy tại ngã ba đường Hòa Bình - Khuông Việt có bảng cấm quay đầu xe, nhưng nhiều xe buýt vẫn quay đầu xe với tốc độ nhanh (sợ bị phạt), đe dọa tính mạng những người chạy xe trên đường, mặc dù cách đó 30m có bảng cho quay đầu xe!

Tài xế xe buýt có dấu hiệu phạm tội hình sự

Theo khoản 1, 2 điều 19, khoản 3a, đ, h điều 61 Luật giao thông đường bộ, người lái ôtô khách phải cho xe dừng, đỗ sát hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình, không được để xe ở lòng đường trái quy định; đồng thời phải kiểm tra bảo đảm an toàn của xe trước khi xuất bến, đóng cửa lên xuống của xe trước và trong khi xe chạy, cấm để người đu bám bên ngoài thành xe.

Theo các chi tiết nêu trong tin: “Xe buýt kéo lê học sinh trên đường” (Tuổi Trẻ ngày 7-3), với việc không dừng hẳn khi trả khách tại trạm xe buýt trước cổng trường, để học sinh chạy theo nắm lấy cửa sau xe (rồi sau đó kéo lê em này), mở cửa trong khi xe đang chạy, tài xế xe buýt 53N-7053 đã vi phạm các điều khoản trên của Luật giao thông đường bộ. Điều đáng nói là từ các hành vi sai phạm đó, tài xế xe buýt đã gây thiệt hại cho sức khỏe của học sinh qua việc cán lên người khi em bị mất đà ngã xuống lòng đường. Hậu quả là em bị chấn thương vùng ngực, bụng, đùi phải.

Hành vi của tài xế xe buýt đã có dấu hiệu phạm tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, được quy định tại điều 202 Bộ luật hình sự. Theo khoản 1 điều luật này, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

* Từ ngày mất xe máy (năm 2005) đến nay, phương tiện di chuyển của tôi chỉ bằng xe buýt. Bây giờ, nếu lại đi làm bằng xe máy chắc tôi đi không nổi. Nói như vậy là tôi đã công nhận sự tiện lợi của xe buýt, nhưng đáng buồn là sự tiện lợi đó ngày càng giảm sút. Theo tôi, có hai nguyên nhân làm việc đi xe buýt không được tiện lợi.

Thứ nhất là nguyên nhân khách quan: phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, “lô cốt” mọc lên nhiều, đường sá không mở rộng bao nhiêu.

Thứ hai là nguyên nhân chủ quan: thái độ phục vụ của tài xế và tiếp viên ngày càng tệ, xe buýt ngày càng xuống cấp. Nguyên nhân thứ nhất tôi không bàn, nhưng nguyên nhân thứ hai thì chính ngành xe buýt phải cải thiện. Tôi liệt kê một số điều xe buýt cần phải thay đổi như sau:

- Tài xế và tiếp viên đánh nhau với hành khách (tôi đã chứng kiến bốn lần).

- Tài xế và tiếp viên dùng ngôn ngữ “chợ búa” với hành khách.

- Phân biệt đối xử với người đi vé tháng, vé tập.

- Máy lạnh hỏng hoặc không mở.

- Tài xế và tiếp viên hút thuốc trên xe buýt.

- Thường xuyên bỏ trạm và không dừng hẳn cho hành khách lên xuống xe.

- Thường xuyên chạy không đúng giờ.

Nếu xe buýt không cải thiện được mấy điều trên thì e rằng người dân không “cùng buýt” được.

* Tôi thường xuyên đi xe buýt và nhận thấy rất nhiều xe chạy ẩu, không dừng đợi khách lên xuống và xô đẩy khách. Nhưng cũng có rất nhiều xe tốt, dừng hẳn vào lề khi khách lên xuống và tiếp viên tươi cười với khách đi xe. Số xe “xấu” mà tôi gặp phải chỉ chiếm khoảng 30%, số xe “tốt” cũng khoảng 30%, còn lại là bình thường.

Để tăng số xe “tốt”, tôi đề nghị các hợp tác xã, công ty xe buýt và các cơ quan nhà nước quản lý giao thông công cộng phải nghiêm túc tiếp thu ý kiến khách đi xe, xử lý thật nghiêm những người vi phạm, coi thường khách hàng và người đi đường. Ngoài ra, các cơ quan quản lý và đơn vị chủ quản cũng phải xem xét hợp lý thời gian xe buýt chạy. Thời gian cho lộ trình nên được xem xét điều chỉnh theo tình hình thực tế hằng ngày, hằng tuần hoặc ít nhất là hằng tháng, đừng để vì áp lực chạy xe đúng giờ mà các bác tài vượt ẩu hoặc đón trả khách theo kiểu... quăng bao gạo!

* Chỉ vì muốn đi xe buýt mà em Quế bị tai nạn hết sức thương tâm. Tôi không biết tài xế xe buýt chạy ẩu có phải do họ bị áp lực về lịch trình và thời gian chạy không? Tôi đặt ra vấn đề này vì nhiều lần chứng kiến cảnh các tài xế xe buýt rước khách một cách chụp giật, khách bị tiếp viên lôi kéo và khi khách chưa kịp bước lên hết hai bậc ở cửa thì xe đã chạy rồi. Một lần tôi đứng đón xe buýt ở ngã ba Vũng Tàu, tuyến 603 về Thủ Đức thì bị phụ xe kéo một tay của tôi lên thật nhanh và người này còn trách: “Đón xe mà không đứng sát với mặt tiền xa lộ”!

* Nhà tôi ở Q.6 (TP.HCM) nhưng làm việc ở Q.9 nên tôi phải sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại. Bên cạnh những xe buýt chạy nghiêm chỉnh còn có những xe vì chỉ tiêu, vì chạy cho kịp tài nên chạy ẩu, chạy nhanh làm hành khách rất lo sợ.

Ngoài ra, tôi thấy việc phân bổ và cách sử dụng xe các tuyến hiện nay chưa thật hợp lý. Vào giờ cao điểm từ 16g-17g, số hành khách đi xe buýt rất đông nhưng tuyến xe số 10 (chạy từ ký túc xá Đại học Quốc gia về bến xe miền Tây) phân bố xe quá nhỏ, thời gian chờ quá lâu, không đủ để vận chuyển hành khách nên khi lên xe người người chen chúc, đứng còn không đủ chỗ! Đi trên tuyến xe này thanh niên như tôi thì không có vấn đề gì, nhưng với phụ nữ và người lớn tuổi thì rất khổ sở mỗi khi xe buýt dừng trả khách.

* Tôi đi đường dù không đi xe buýt nhưng cũng không ít lần mệt mỏi vì những chiếc xe này. Bình thường xe buýt chạy ở làn ôtô, còn tôi chạy ở làn xe máy phía trong. Khi gần đến trạm, xe buýt bất ngờ tấp vô làm tôi phải dừng lại, chờ xe buýt đi mới đi tiếp hoặc lách ra làn ngoài. Khi tôi vừa lách ra làn ngoài thì xe buýt lại chạy ra. Thế là tôi phải dừng lại, chờ xe buýt đi mới về đúng làn đường của mình.

Điều đáng nói là xe buýt băng ra băng vô rất gấp làm người đi đường như tôi không biết đường nào mà tránh!

(Phản hồi tin “Xe buýt kéo lê học sinh trên đường”, Tuổi Trẻ ngày 7-3) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên