10/03/2009 08:16 GMT+7

Xe buýt: "đua"để kịp thời gian?

VÕ HƯƠNG - NGỌC HẬU
VÕ HƯƠNG - NGỌC HẬU

TT - Giải thích của các tài xế xe buýt về chuyện làm “hung thần trên đường phố”.

rul1idSk.jpgPhóng to
Xe buýt không ghé vào sát trạm mà dừng đậu bên ngoài trạm, hành khách lên xuống xe giữa dòng xe máy vô cùng nguy hiểm (ảnh chụp lúc 12g ngày 9-3-2009 tại trạm xe buýt ngã tư Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Sự việc “xe buýt kéo lê học sinh trên đường” gây bức xúc dư luận. Nhiều hành khách thường đi cho biết luôn gặp phải cảnh xe buýt không dừng hẳn khi khách lên xuống xe, chạy ẩu, giành đường, dừng đậu không đúng vị trí trạm... Các bác tài xe buýt - những người trong cuộc - nói thế nào về chuyện này?

Hầu hết tài xế xe buýt ở TP.HCM mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng họ đang chịu áp lực rất lớn về thời gian. Đó là chưa kể phải căng thẳng do có nhiều “chướng ngại vật” trên đường như kẹt xe, “lô cốt”, người bán hàng rong... Tài xế Nguyễn Hữu Vua (HTX Rạng Đông) chạy tuyến Bến Thành - Suối Tiên thừa nhận nhiều lúc có chạy ẩu, nhưng với đường sá như hiện nay, cộng với quy định về thời gian (nếu về trễ vài phút là bị phạt, cứ một phút là 20.000 đồng) bắt buộc anh phải “đua”.

Tính bằng... giây

Anh Lê Ngọc Dũng, tài xế xe buýt của HTX Rạng Đông, tâm sự: 30 năm trong nghề anh đã chứng kiến và không đồng tình với nhiều tài xế chạy ẩu. Nhưng theo anh, với tình trạng giao thông của TP hiện nay, tài xế khó có thể chạy xe đảm bảo như quy định. Áp lực lớn nhất là về trễ sẽ bị mất chuyến, mất tài.

Để chứng minh việc “lô cốt” trên đường gây ảnh hưởng đến xe buýt, anh Vũ Văn Hồng (tài xế xe buýt 53N-4384) cho biết anh chạy tuyến Sài Gòn - Quang Trung - Hiệp Thành bình thường chỉ mất 65-70 phút. Nếu đường đông người hơn thì mất khoảng 75 phút. Nhưng từ khi đường có “lô cốt”, kẹt xe, anh phải đi khoảng 100 phút mới đến nơi. “Sợ nhất là chạy xe vào giờ cao điểm thì chưa biết bao nhiêu phút mới về tới bến cuối” - anh Hồng nói. Chính vì vậy “đôi lúc cũng đi hơi ẩu mới kịp giờ”.

Các tài xế nói luôn bị căng thẳng trong đầu vì thiếu ngủ, thiếu thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến... Theo anh Hồng, trước đây anh chạy một chuyến 70 phút, sau đó có thể nghỉ ngơi được 20 phút nhưng hiện nay có chuyến mất đến 90 phút, coi như tài xế không còn thời gian nghỉ ngơi. Còn tài xế Lê Thanh Linh (HTX xe Quyết Tiến) nói: “Chạy xe buýt bị áp lực kinh khủng, nhiều lúc rất đau đầu. Đường hẹp mà buộc phải hoạt động theo đúng biểu đồ thời gian thì khó có thể đạt được”.

Tài xế N.Đ.M. (chạy tuyến Bến Thành - An Sương) cho biết theo quy định của Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng, xe buýt sẽ bị phạt nặng nếu trễ giờ, bỏ chuyến...Nhưng thực tế mỗi chuyến xe anh vẫn thường xuyên bị trễ 3-5 phút. Tuyến đường nào hay bị tắc nghẽn giao thông thì được “ưu ái” thêm thời gian, chậm hơn một chút so với các tuyến khác.

Anh M. cho rằng nếu dừng lại rước khách xe sẽ bị chậm và xe sau đến thấy dừng lâu sẽ khiếu nại. Từ Bến Thành đến An Sương có 36 trạm xe buýt, nếu mỗi trạm dừng hẳn để đón khách phải mất 1 phút thì đã mất hơn 30 phút trong khi quy định chỉ cho chạy 47 phút. Vì vậy, xe chỉ kịp tấp vào dưới... 20 giây. “Trừ khi người già mới dừng hẳn, còn thanh niên thì... phải chạy theo xe” - tài xế này nói.

Anh T.T.A. (tài xế chạy tuyến Bến Thành - Bình Phú) cho rằng tuyến này quy định thời gian chỉ có 40 phút, không thể nào chạy đúng nếu rơi vào giờ cao điểm. Không riêng gì tuyến Bến Thành - Bình Phú, nhiều tuyến khác tài xế phải bỏ khách vì sợ trễ giờ nếu bị kẹt xe. Tài xế này nhẩm tính từ Bến Thành ra Bình Phú tới 12-13 chốt đèn, khi đường kẹt xe qua mỗi giao lộ mất vài phút, tổng cộng mất khoảng 20 phút, chỉ còn chạy được 20 phút cho 13km... nên chỉ còn cách là “đua”. Xe chạy không đúng giờ quy định sẽ không được trợ giá cho chuyến đó, tức là bị mất khoảng 95.000 đồng/chuyến.

Mất thu nhập nhưng không thể chạy ẩu

Đồng tình với ý kiến của các tài xế rằng “các chướng ngại vật trên đường” là áp lực rất lớn, khiến xe buýt đón trả khách không đúng giờ. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng không thể vì những lý do đó mà các tài xế bỏ qua trách nhiệm chính của mình là đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách.

Tài xế Trương Vĩnh Phúc - Công ty xe khách Sài Gòn - tâm sự: “Hôm nay xe chúng tôi phải mất hai chuyến, biết rằng mất chuyến là mất thu nhập nhưng chúng tôi không vì thế mà cho phép mình chạy ẩu. Tôi luôn cố gắng chạy thật cẩn thận, đừng vì doanh thu hay vì mức phạt mà làm nguy hiểm tính mạng của mọi người”. Tài xế Dũng (xe 53M-3361) cũng khẳng định trách nhiệm của tài xế trong mọi tình huống là không được chạy ẩu, không được giành đường lấn tuyến để tránh gây tai nạn, không một lý do nào có thể du di cho những việc như vậy.

Nhiều tài xế đề nghị nên xem lại việc phạt tiền hoặc phạt chuyến khi xe chạy không đúng giờ. Chẳng hạn trong thời điểm TP.HCM có nhiều “lô cốt”, các ngành chức năng nên bỏ mức phạt hoặc điều chỉnh mức phạt. Thời gian, lộ trình cho xe buýt cũng cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo an toàn cho các chuyến xe. Tuy nhiên, không ít ý kiến thẳng thắn đề xuất nên xử lý nghiêm những tài xế chạy ẩu.

Phải xử lý nghiêm!

Ông Phùng Đăng Hải - tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM - cho rằng dù với lý do gì mà xe buýt chạy ẩu gây tai nạn cho hành khách là không thể chấp nhận. Do đó, bên cạnh việc xử lý tài xế, cần bồi thường cho nạn nhân theo quy định của pháp luật. Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP phải xử phạt, còn đơn vị vận tải phải buộc lái xe vi phạm thôi việc ngay.

Cùng quan điểm với ông Hải, ông Đoàn Minh Tâm - phó giám đốc Công ty xe khách Sài Gòn - cho rằng với những tài xế không dừng hẳn xe để rước khách lên hoặc xuống xe hoặc có hành vi xô đẩy hành khách lên xuống xe, gây tai nạn giao thông phải bị xử lý thật nghiêm khắc.

Ông Hải cũng thừa nhận có không ít lái xe sợ chạy chậm so với thời gian quy định sẽ bị xử phạt. Với lý do TP đang có nhiều công trình đào đường hoặc khi mưa lớn thì đường sá thường xuyên kẹt xe, ông Hải đề nghị tạm dừng xử phạt xe chạy chậm giờ. Tuy nhiên ông Đoàn Minh Tâm cho rằng không nên bỏ xử phạt lái xe chạy chậm giờ, không ít lái xe chạy “rà rút” - nghĩa là đến một số trạm dừng xe lâu chờ rước khách, sau đó phóng nhanh vượt ẩu để về bến kịp giờ. Theo ông, trách nhiệm chính là các đơn vị vận tải cần rà soát các tuyến đường có các công trình đào đường để điều chỉnh biểu đồ giờ phù hợp.

__________________

Xe buýt Hà Nội:

Cũng bỏ trạm, chạy ẩu và... thiếu văn hóa

TLY1o4ZS.jpgPhóng to

Mạnh ai nấy chạy, xe buýt dàn hàng ngang trong đường phố đông nghẹt - Ảnh: Xuân Long

Tính đến cuối năm 2008, toàn TP Hà Nội hiện có 60 tuyến xe buýt hoạt động nội ô với tổng cộng 940 xe đang hoạt động. Đơn vị chủ lực trong vận tải xe buýt của Hà Nội là Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). Dù được khẳng định là tổ chức tốt mạng lưới vận chuyển, hoạt động hiệu quả và quy củ nhưng tình trạng lái xe bỏ tuyến, chạy ẩu, cư xử kém văn hóa với hành khách vẫn là chuyện thường ngày của xe buýt.

Có thể nói xe buýt vẫn là loại phương tiện giao thông công cộng bị kêu ca nhiều nhất ở Hà Nội. Những người thường xuyên đi xe buýt đều cho biết họ luôn phải chuẩn bị sẵn tư thế lên xuống một cách nhanh chóng vì phần lớn lái xe chỉ dừng đón trả khách khoảng 3-5 giây. Việc hành khách thỉnh thoảng bị kẹt tay, chân vào cửa xe không phải là chuyện lạ. Hồi giữa tháng 10-2008, tại đường Võng Thị (quận Tây Hồ, Hà Nội), chiếc xe buýt tuyến 55 đi qua bến không dừng hẳn đã đè gãy xương mắt cá chân một học sinh khi em này cố chạy theo để lên xe. Điều đáng nói là phải có sức ép của người dân, chiếc xe gây tai nạn mới chịu dừng lại và đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng rồi lại bỏ rơi nạn nhân ở trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy.

Do áp lực chạy đúng giờ, tránh những thời điểm tắc đường, nhiều tài xế còn chạy lấn đường hoặc dạt vào điểm đón khách với tốc độ cao, chèn hàng loạt xe máy lưu thông cùng chiều. Việc này thường xảy ra vào những giờ cao điểm hay những chuyến xe cuối ngày. Một số lái xe cũng thường chạy cố để vượt đèn đỏ tại nút giao thông khi không có CSGT.

Theo một lãnh đạo của Transerco, qua đường dây nóng, đơn vị này thường xuyên tiếp nhận thông tin của hành khách. Nhiều nhất là phản ảnh về tình trạng xe buýt bỏ điểm dừng đỗ. Nguyên nhân khách quan là lượng người đi xe buýt đông, nhất là vào giờ cao điểm, khiến xe quá tải nên có những điểm dừng lái xe không nhận thêm khách nữa. Vấn đề này sẽ được giải quyết bằng cách bố trí lại luồng tuyến, tăng tần suất tại một số tuyến quan trọng. Tại một số giờ thấp điểm, lái xe cố tình bỏ điểm dừng để kết thúc chuyến cho nhanh. Transerco có chế tài xử lý tài xế bỏ điểm dừng, nếu vi phạm 1-2 lần sẽ phạt 200.000-300.000 đồng, tái phạm nhiều lần sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

VÕ HƯƠNG - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên