15/09/2006 06:04 GMT+7

Xe "biển đỏ" dỏm

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Để có một chiếc xe “biển đỏ”, chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng đặt làm một biển số đỏ phản quang gắn lên xác xe quá đát.

N1Sydjcc.jpgPhóng to
l Chiếc xe ben “biển đỏ” KP 3127 đang chở đất tại ngã ba Vũng Tàu (ảnh chụp ngày 7-9) trong khi đó biển số xe này thuộc cơ quan quân sự Bình Thuận, loại xe dùng kéo pháo.

Bài 1: Loạn xe “biển đỏ”

Xe “ma”

Theo điều tra của chúng tôi, để hợp thức hóa xe “biển đỏ”, các ông chủ móc nối với “cò” hoặc trực tiếp thuê lại của một đơn vị quân đội nào đó giấy đăng ký xe thuộc quân đội quản lý. Có được giấy đăng ký xe, các ông chủ làm giả nhiều “biển đỏ” tùy theo số xe dân sự của mình hiện có. Những chiếc xe dân sự này hầu hết là xe reo, Hyundai, Kamaz... đã quá đát được sơn lại thành màu xanh giống như xe quân đội.

Như vậy, từ một biển số trên giấy đăng ký nhưng thực tế có 2-3 chiếc mang cùng biển số chạy trên đường. Cụ thể, ông Diệp (ở QL 1K, xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang sở hữu cùng lúc hai chiếc Hyundai và Kamaz nhưng gắn cùng một biển số KP-3351. Nếu lưu thông trên đường gặp kiểm soát quân sự hay cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe thì sao? Ông V., một chủ đoàn xe “biển đỏ” ở Bình Dương, “bật mí”: “Lỡ xui gặp kiểm soát quân sự hỏi trúng chiếc xe không giữ đăng ký thì nói để quên ở nhà. Nếu căng quá thì cho lơ xe chạy đến gặp tài xế đang giữ đăng ký lấy về nộp”.

Bằng kiểu gian lận nói trên, các ông chủ sở hữu cùng lúc nhiều chiếc “biển đỏ” dỏm. Ông Đ. ở TP.HCM có trong tay 22 chiếc “biển đỏ” nhưng thực tế chỉ có bảy chiếc có giấy đăng ký, còn lại là “dị bản”. Bà N. (Thủ Đức) có 10 chiếc “biển đỏ” nhưng thực tế chỉ có vài xe thuê là có giấy đăng ký...

Một biến tướng khác của “biển đỏ” dỏm là thuê xe quân sự (kèm theo đăng ký, giấy công tác...) đã hết hạn lưu hành, sau đó về bỏ bãi, tháo biển số đỏ gắn vào đầu kéo xe dân sự (chủ yếu xe Kamaz, Hyundai, Hino...) đã được sơn phết lại cho giống xe quân đội để kinh doanh. Loại “biển đỏ” này hiện nay xuất hiện khá nhiều.

Táo bạo hơn, nhiều ông chủ tự nghĩ ra một “biển đỏ” nào đó bắt đầu từ ký hiệu KP, KK, TT, BC... để gắn vào xe của mình. Những chiếc “biển đỏ” này được xem là giả toàn diện (biển số, tem kiểm định...), ngoại trừ có một xác xe quá đát là thật. Ông D. ở Đồng Nai có hai chiếc gắn biển số KP 33... và KP 07... là “biển đỏ” dỏm hoàn toàn. Ông B.Đ., Đ. “đen”, T. “quắn”... có hàng chục chiếc “biển đỏ” đều tiền thân là xe Hyundai, Kamaz quá đát...

Theo điều tra của chúng tôi, có hẳn một qui trình công nghệ làm giả các loại bằng lái, giấy đăng ký, biển số... Chúng tôi đã từng có mặt tại tiệm MĐ (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để hỏi đặt một cặp “biển đỏ” phản quang, anh thợ ở đây cho giá “100.000 đồng, đặt cọc trước 50.000 đồng” và hẹn “đúng 5 giờ chiều tới lấy, không đẹp không ăn tiền”.

Quan sát, chúng tôi thấy trong tiệm còn có một số “biển đỏ” vừa mới ra lò, sơn còn ướt. Một người đàn ông bước vào, đọc biển số. Lập tức anh thợ chạy lên gác lấy xuống một cặp biển số KP 33... sơn màu đỏ giao cho khách hàng. Người khách đòi gói ghém lại cho kín đáo, nhưng anh thợ gạt phắt: “Có gì đâu mà sợ”.

Nhận diện “biển đỏ” dỏm

1fwpE6aE.jpgPhóng to
Một "biển đỏ" dỏm (KP-0708) không có trong thực lực của QK7 - Ảnh: H.K.
Có chuyện quân đội cho dân thuê xe để kinh doanh vận tải không? Chúng tôi đã đem câu hỏi này đặt lên bàn trung tá Nguyễn Văn Thành, trưởng phòng quản lý xe máy Quân khu 7 (QK7). Ông Thành khẳng định: “Tư lệnh quân khu nghiêm cấm tuyệt đối. Có chăng chỉ là núp bóng, gắn biển số giả vào xe dân sự quá đát để chở hàng”.

Theo ông Thành, có hai loại xe “biển đỏ” dỏm hiện nay đang lén lút tham gia kinh doanh vận tải. Trường hợp thứ nhất là “biển đỏ” biến tướng từ xe quân đội được làm kinh tế. Loại xe này trước khi lưu hành phải được tư lệnh cấp phép, có giấy công tác, do đơn vị quân đội quản lý. Đặc biệt, xe quân đội làm kinh tế không được gắn biển số đỏ mà phải gắn biển số trắng (ký hiệu 80K) và phải do CSGT cấp.

Những chiếc xe này được các ông chủ kinh doanh vận tải gom về (qua hình thức thuê, nhận khoán, thầu...) thay thế biển trắng 80K (dân sự) bằng biển số đỏ dỏm để chở hàng quá khổ, quá tải và được miễn tất cả các loại phí trên đường (kể cả mãi lộ). Ông Thành nói: “Theo qui định trước đây, xe 80K thường có số tiếp theo là 07 (hai số cuối là số thứ tự). Người ta đã dập biển số đỏ dỏm thay hai chữ 80K thành KP và giữ nguyên bốn số cuối.

Tuy nhiên, mới đây theo chỉ đạo của QK7 thì loại xe KP 07 đã thu về bỏ trong bãi rồi. Như vậy trong thực lực của QK7 hiện nay không còn xe nào mang biển số có ký hiệu KP 07... nữa. Nếu có thì đó là xe dỏm. Vừa rồi chúng tôi rà soát và thu của Công ty Đông Hải bảy chiếc xe mang biển số KP 07... Nguồn gốc bảy xe này là biển số trắng 80K”. Tuy nhiên, trong những ngày đi thực tế chúng tôi thấy xe biển số đỏ KP 07... “không có trong thực lực của quân đội” vẫn xuất hiện trên đường khá nhiều: KP-0708, KP-0714, KP-0715, KP-0716, KP-0725, KP-0762...

Loại “biển đỏ” thứ hai dỏm khá thông dụng hiện nay là biển số "ma" gắn vào xe dân sự quá đát đã được tân trang, sơn phết lại giống xe quân đội. Qua đối chiếu từ số xe có trong sổ theo dõi thực lực xe của QK7 và những số xe mà chúng tôi thu thập được cho thấy nhiều trường hợp có thể khẳng định 100% là xe dỏm. Ví dụ: biển số KP-3361 “của QK7, đơn vị tự mua, loại xe Kamaz”.

Tuy nhiên, thực tế lưu thông trên đường với biển số giống như vậy lại là xe... Hyundai. Chiếc “biển đỏ” Hyundai là dỏm. Chiếc KP-3127 “thuộc Tỉnh đội Bình Thuận, loại xe ba cầu, kéo pháo” nhưng chúng tôi gặp trên đường là một chiếc... xe ben A.50 chở đất. Còn chiếc KP-3351 là loại xe M35 của Mỹ (xe reo), trong khi đó ngoài đời lại gắn vào... hai chiếc đầu kéo Kamaz và Hyundai hằng ngày chở hàng chạy khắp nẻo đường.

Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi phát hiện thêm một loại xe chở hàng có gắn hàng chữ đỏ “Bộ Quốc phòng” nhưng lại không có biển đỏ. “Đeo gì thì đeo nhưng không có biển số coi như sai nguyên tắc. Nếu dân sử dụng thì đó là xe dỏm” - ông Thành khẳng định.

Ông Thành cho biết: “Kiểm soát quân sự nếu phát hiện xe gắn biển số đỏ giả lập tức bắt giữ và giao cho bên bộ phận chức năng của QK7 xử lý. Trong nghị định 152, xe dân sự mà mang biển số đỏ phạt 7-10 triệu. Vừa rồi chúng tôi xử lý rất nhiều trường hợp này và đã chuyển cho thanh tra QK7”. Theo ông Thành, mới đây qua kiểm tra đã phát hiện bốn xe dân sự của Công ty Thái Sơn gắn “biển đỏ” dỏm, phạt 10 triệu đồng/xe.

Ông Thành băn khoăn: “Cái khó lớn nhất của chúng tôi là xe đi kiểm tra vừa mới ra khỏi cổng là họ biết rồi. Bởi vì đi kiểm tra mà không có kế hoạch, mặc đồ dân sự, đi xe không có cờ hiệu là vi phạm điều lệnh ngành”.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên