24/02/2011 07:37 GMT+7

Xayabury làm suy yếu nông nghiệp và thủy sản

DƯƠNG THẾ HÙNG ghi
DƯƠNG THẾ HÙNG ghi

TT - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia môi trường có nhiều năm nghiên cứu về sông Mekong, thành viên nhóm chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mekong của Ủy hội sông Mekong (MRC) - nhận định:

Read this on Tuoitrenews.vn

Hp7Ogd4Z.jpgPhóng to
Một nhánh sông Hậu qua địa bàn An Giang bị cạn dòng, cuộc mưu sinh của người dân càng thêm chật vật - Ảnh: Đức Vịnh
RX9ehdr2.jpgPhóng to

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Ảnh: nhân vật cung cấp

- Theo hiệp định 1995 ký kết giữa Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia, các công trình phát triển trên lưu vực Mekong phải tuân thủ quy trình thông báo, tham vấn, đồng thuận (PNPCA - Prior Notification, Prior Consultation and Agreement).

Quy trình này chỉ mới được kích hoạt lần đầu tiên vào ngày 22-9-2010 với thông báo chính thức của Lào về đập Xayabury, đập đầu tiên trong số 12 đập trên dòng chính Mekong ở phần hạ lưu. Đây là phép thử quan trọng đối với quy trình PNPCA này và cũng là phép thử của sự hợp tác khu vực trong việc thực hiện hiệp định 1995.

Xét về tác động thì không nên và không thể tách một đập riêng lẻ nào ra khỏi 12 đập, mà phải xem xét tổng thể tác động tích lũy chung của 12 đập, nhất là tác động xuyên biên giới.

Điều quan trọng nhất là nếu đập Xayabury được thông qua quy trình PNPCA thì trở thành tiền lệ cho tất cả đập khác. Lào không phải chỉ muốn xây một đập Xayabury và sẽ dừng lại. Tổng số đập dự kiến ở Lào là 10 và ở Campuchia là 2.

* Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng quy trình PNPCA lần đầu tiên này?

- Chúng ta có thể thấy rằng thời gian của quy trình này rất ngắn, chỉ trong vòng sáu tháng để đưa ra quyết định có tầm quan trọng ảnh hưởng đến hàng chục triệu người. Trong đó bước tham vấn ở cấp địa phương và cấp quốc gia đang được tiến hành nhưng chưa thật có ý nghĩa vì số lượng và thành phần tham gia rất hạn chế, chỉ khoảng 50 người cho mỗi cuộc. Thời gian mỗi cuộc tham vấn rất ngắn, chỉ trong vài giờ và trước đó không cung cấp thông tin một cách đầy đủ và có hệ thống cho những người tham gia.

Trong số 18 triệu người dân ĐBSCL, không có bao nhiêu người biết những gì đang xảy ra sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ. Đối với nhiều người đến dự các cuộc họp tham vấn là lần đầu tiên họ được nghe về các đập này.

* Hiện các công ty Việt Nam cũng tham gia đầu tư xây một đập ở Luang Prabang (Lào) và một đập ở Stung Treng (Campuchia). Có ý kiến rằng nếu Việt Nam không tham gia các nước khác cũng xây, quan điểm của ông thế nào?

- Nếu Việt Nam cũng tham gia đầu tư xây thì câu chuyện chấm dứt. Chúng ta sẽ không còn nói được một lời nào về tác động của các đập với ĐBSCL. Lợi ích của đầu tư xây đập sẽ quá nhỏ so với rủi ro tổn thất mà ĐBSCL phải gánh chịu. Nếu Việt Nam cũng tham gia xây thì giả sử sau này khi cơ chế đền bù thiệt hại được thiết lập, Việt Nam sẽ không còn được đền bù.

Trong khi đó, ĐBSCL là nơi tạo ra 50% lương thực, 40% sản lượng thủy sản và là vùng trái cây lớn nhất Việt Nam. Xét về thế mạnh, nông nghiệp và thủy sản là hai trụ cột kinh tế của ĐBSCL, vì vùng này có nguồn nhân lực chất lượng thấp (chỉ 14,33% qua đào tạo), không có rừng gỗ quý, ít tiềm năng khoáng sản. Nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL như chế biến, vận chuyển, thương mại nông sản và thủy sản phụ thuộc vào hai trụ cột nông nghiệp và thủy sản.

Tác động của các đập thủy điện sẽ làm suy yếu ngay hai trụ cột này, kéo theo sự suy yếu hoặc sụp đổ các ngành khác. Chỉ tính riêng ĐBSCL, nếu xây tất cả 12 đập này mỗi năm sẽ tổn thất 220.000-440.000 tấn cá trắng là cá cần phải di cư để sinh sản. Con số thiệt hại này bằng chi phí xây dựng 1-3 cây cầu Cần Thơ mỗi năm.

Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, nếu 12 đập được đắp thì lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 1/4. Đây là lượng phân bón tự nhiên hằng năm tạo nên sự trù phú của ĐBSCL và vùng ven biển. Chưa ai định lượng được bằng tiền tổng tổn thất liên quan đến tình trạng giảm phù sa với ĐBSCL do các đập này sẽ gây ra.

* Theo ông, Việt Nam có thể làm gì để gây ảnh hưởng đến quyết định của các nước có xây các đập này?

- Việt Nam là thành viên của MRC và có thể yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy trình PNPCA một cách có ý nghĩa nhất, thông qua cung cấp đầy đủ thông tin về tác động xuyên biên giới, thực hiện quy trình PNPCA một cách có ý nghĩa thông qua việc tham vấn rộng rãi và cung cấp thông tin trước khi tham vấn một cách rộng rãi và có hệ thống.

Tính khả thi của các đập này phụ thuộc việc có bán được điện hay không. Không bán được điện thì không thể đầu tư xây đập. Hiện nay theo thiết kế, 90% tổng lượng điện này nhắm tới hai khách hàng chính là Việt Nam và Thái Lan, chỉ 10% là cho việc sử dụng nội địa ở Lào và Campuchia. Vì vậy, Việt Nam và Thái Lan, tùy theo quyết định có mua điện từ các đập này hay không, cũng sẽ quyết định được việc các đập này có xây được hay không.

* Xin cảm ơn ông.

Khuyến cáo của nhóm chuyên gia

Khuyến cáo chung của nhóm chuyên gia thực hiện đánh giá môi trường chiến lược thủy điện dòng chính Mekong là tất cả đập trên dòng chính phải được hoãn lại 10 năm để nghiên cứu thêm. Các lý do gồm:

Thứ nhất, có quá nhiều điều chưa chắc chắn, còn thiếu thông tin và sự rủi ro quá lớn, vì vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để những người ra quyết định có thông tin tốt hơn. Thứ hai, các đập dự kiến này có tiềm năng gây ra sự căng thẳng quốc tế trong vùng hạ lưu Mekong trong quá trình xây dựng và vận hành vì sự giảm chất lượng nước, giảm phù sa và dinh dưỡng, làm gián đoạn hoặc mất đi các lợi ích của dòng sông, giảm năng suất thủy sản và nông nghiệp.

Thứ ba, thể chế và quy trình đảm bảo việc quản lý và vận hành các đập một cách hiệu quả vẫn chưa được thiết lập. Thứ tư, năng lực và kỹ năng của các quốc gia trong việc giám sát, kiểm soát, theo dõi và thực thi các quy định an toàn và vận hành vẫn còn rất yếu.

Thứ năm, rất nhiều rủi ro liên quan đến các đập này chưa có biện pháp khắc phục. Các rủi ro này là sự tổn thất vĩnh viễn, không phục hồi được về mặt môi trường, xã hội và kinh tế. Thứ sáu, hiện nay chưa có những tiêu chuẩn quy định về các tác động xuyên biên giới đến vùng hạ lưu và sự sắp xếp tổ chức, thể chế để thực hiện các quy định vẫn chưa có hoặc rất yếu.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đừng bỏ dài, trông ngắn“Án tử” cho đồng bằng sông Cửu Long?Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập XayaburyĐập Xayabury sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam

DƯƠNG THẾ HÙNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên