19/11/2009 06:40 GMT+7

Xây dựng thái độ ứng xử đúng mực với người khuyết tật

TRẦN THANH LÝ(P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
TRẦN THANH LÝ(P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

TT - Những ai có dịp xem triển lãm ảnh của Nguyễn Á Họ đã sống như thế tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, hẳn sẽ lưu giữ mãi trong tâm khảm những nụ cười trong sáng xuất phát từ đáy lòng của những người khuyết tật đã vượt lên số phận.

Xây dựng thái độ ứng xử đúng mực với người khuyết tật

TT - Những ai có dịp xem triển lãm ảnh của Nguyễn Á Họ đã sống như thế tại Nhà văn hóa Thanh niên  TP.HCM, hẳn sẽ lưu giữ mãi trong tâm khảm những nụ cười trong sáng xuất phát từ đáy lòng của những người khuyết tật đã vượt lên số phận.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375942
Không chỉ xem, các em học sinh Trường tiểu học Việt Mỹ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) còn chăm chú ghi chép khi xem bộ ảnh Hai nửa cuộc đời chung một dòng sông tại triển lãm ảnh Họ đã sống như thế - Ảnh: MINH ĐỨC

Qua những tấm ảnh ta thấy với cơ thể khiếm khuyết họ đã bền bỉ, quyết tâm như thế nào để vươn lên trở thành những người không chỉ tự làm được mọi việc, tự nuôi sống bản thân và gia đình như những người bình thường mà còn hơn thế, họ luôn lạc quan, tự tin, yêu đời và đầy lòng nhân ái, cho dù ít có cơ hội để nghe những bài giảng về đạo đức, về tình thương yêu nhân loại to tát.

Khi ngắm nhìn những công việc hằng ngày của họ, hẳn sẽ có người giật mình nghĩ: “Ta và họ, ai mới là người khuyết tật thật sự?”.

Ngày nay ở nước ta người khuyết tật đã có một vị thế nhất định trong xã hội. Đã có những chính sách, chế độ từ phía Nhà nước hỗ trợ, giúp họ từng bước tạo lập cuộc sống ổn định. Nhưng tôi vẫn luôn ray rứt về một trở ngại đáng lẽ không nên có mà những người khuyết tật trên đất nước ta luôn phải đối mặt hằng ngày: đó là sự kỳ thị của những người xung quanh.

Hẳn chúng ta đều ít nhất một lần nghe ai đó gọi Tuấn điếc, Cảnh mù, Chín què... như thể nếu không gọi thế những người khuyết tật kia không biết có người gọi họ. Tôi cũng thấy trên báo hoặc qua lời kể của ai đó rằng khi có người chẳng may có con bị dị tật bẩm sinh thì họ rất khó sống tại quê nhà, vì mê tín dị đoan cũng có, nhưng cái chính là sự khinh thường của những người đồng hương. Thậm chí còn có những trường học từ chối nhận trẻ khuyết tật.

Ngay cả trên sân khấu họ cũng bị lạm dụng: diễn viên giả giọng nói ngọng của người bị ngắn lưỡi, đóng vai người khuyết tật đi lại khập khiễng chỉ cốt để nhận được những tràng cười vô ý thức của khán giả.

Với tôi, đây là một nỗi xấu hổ đối với một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến.

Năm ngoái có dịp sang Matxcơva, khi đi tàu điện ngầm tôi nghe giọng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát của nữ phát thanh viên ở mỗi bến: “Bạn hãy là người có văn hóa, hãy nhường ghế cho người già, người khuyết tật và trẻ em!”. Ở Nga có những xí nghiệp dành riêng cho người khuyết tật được nhà nước giảm thuế, trên mác sản phẩm ghi rõ do người khuyết tật tham gia sản xuất.

Còn nếu ai từng đi du lịch Singapore hẳn sẽ nhận ra khá nhiều trẻ bị hội chứng Down được người thân đưa đi đây đó mà không thấy có người nhìn ngó, chỉ trỏ, xì xầm như ở VN. Hướng dẫn viên du lịch ở đây cho biết Nhà nước Singapore khuyến khích đưa trẻ bị Down hội nhập cộng đồng và xã hội, và việc các em xuất hiện nhiều ở nơi công cộng còn nhằm tuyên truyền để mọi người nhận thức đúng đắn về người khuyết tật.

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, những nơi công cộng ở Singapore đều có đường, thang máy dành riêng cho xe lăn, xe đẩy của người già, người khuyết tật và trẻ em. Thái độ trân trọng của mỗi công dân đối với người khuyết tật đã nói lên đẳng cấp văn hóa của đất nước này. Trong khi đó, người Việt lại thường làm mọi cách để giữ người khuyết tật trong nhà, vì họ sợ người thân sẽ bị tổn thương trước cách hành xử vô tâm của người xung quanh.

Tôi ước muốn ngay từ bây giờ có những hoạt động tuyên truyền đều khắp, giúp mọi người xây dựng thái độ ứng xử đúng mực đối với người khuyết tật, từ xã hội, trường học đến từng gia đình và đây không phải việc làm từ thiện mà là văn hóa. Ước gì có tổ chức hay mạnh thường quân tài trợ để cuộc triển lãm ảnh Họ đã sống như thế của Nguyễn Á được thực hiện ở các tỉnh, thành khác chứ không chỉ ở TP.HCM, Hà Nội.

TRẦN THANH LÝ(P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Tuổi Trẻ sẽ in sách ảnh Họ đã sống như thế

Những ngày qua người dân tiếp tục đổ về Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM để xem triển lãm ảnh nghệ thuật Họ đã sống như thế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á. Ban giám đốc NVH Thanh niên đã quyết định kéo dài cuộc triển lãm này đến ngày 22-11, thay vì kết thúc vào 20-11 như kế hoạch ban đầu.

Liên quan đến bộ ảnh mang tính giáo dục rất cao này đã có nhiều đề xuất từ bạn đọc Tuổi Trẻ, người xem triển lãm: nên in sách để phổ biến những câu chuyện của Họ đã sống như thế đến rộng rãi với mọi người, trên khắp mọi miền đất nước. Từ đề xuất này, ban biên tập Tuổi Trẻ đã quyết định phối hợp với NXB Trẻ cùng nghệ sĩ Nguyễn Á xúc tiến việc in sách ảnh Họ đã sống như thế.

Cũng trên tinh thần phổ biến bộ ảnh này đến với đông đảo mọi người, ban biên tập Tuổi Trẻ đã quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng cho cuộc triển lãm Họ đã sống như thế tại Hà Nội, từ ngày 2 đến 8-12-2009. Nghệ  sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á cho biết với sự hỗ trợ này, anh sẽ bớt lo lắng hơn trong việc mời một số nhân vật chính trong bộ ảnh về thủ đô để giao lưu, tham dự lễ khai mạc.

* Hôm qua 18-11, thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện cho biết anh đã có buổi làm việc với Công ty du lịch Lửa Việt về lời đề nghị hỗ trợ di chuyển, ăn ở để thuận tiện trong việc dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở đồi Hồng (Mũi Né, Phan Thiết).

Thầy Thiện một lần nữa đã thể hiện tấm lòng của mình khi xin được từ chối lòng hảo tâm của Lửa Việt vì “mọi chi phí nằm trong khả năng của tôi”. Nhưng người thầy đáng kính này đã nghĩ nhiều đến những đứa trẻ nghèo ở đồi Hồng khi đề nghị: ”Nếu được hãy nghĩ đến các em, ví dụ như xây một mái nhà tạm để các em trú mưa nắng vào những lúc không có khách du lịch”.

H.T.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

>> Những bức ảnh làm cuộc sống đẹp hơn>> Nguyễn Á: trái tim trên lối đi riêng>> Ảnh "Họ đã sống như thế"...>> Họ đã sống như thế>> Và cuộc sống đẹp hơn...>> Từ “Những bức ảnh làm cuộc sống đẹp hơn”: Bài học vô giá

=====================================================================

Ý kiến bạn đọc

Tôi không hoàn toàn đồng ý với bài báo "Xây dựng thái độ ứng xử đúng mực với người khuyết tật" của tác giả Trần Thanh Lý. Nếu như nói người khuyết tật ở Việt Nam chỉ nhận được sự kỳ thị ở những người xung quanh, và hoàn toàn bác bỏ những sự quan tâm, chăm sóc của xã hội, cộng đồng Việt Nam giành cho người khuyết tật, như vậy liệu có quá khắt khe không?

Bản thân tôi là một sinh viên và cũng là một cộng tác viên của các hoạt động giúp đỡ, chăm sóc trẻ em khuyết tật, khi đọc đến câu: "Với tôi, đây là một nỗi xấu hổ đối với một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến", tôi cảm thấy rất tức tối. Tác giả hình như có đôi mắt hơi tiêu cực...

Thật ra...

Nếu ở Matxcova, tác giả nghe tiếng cô phát thanh viên yêu cầu mọi người nhường ghế cho người khuyết tật, thì ở Việt Nam tại sao tác giả lại không nghe các tiếp viên trên xe bus vẫn thường nhắc nhở như thế với hành khách, không những thế mặt sau các băng ghế hầu hết đều in đậm dòng chữ "Ghế dành cho người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ có thai".

Nếu ở Nga, có các xí nghiệp dành cho người khuyết tật thì chắc tác giả không biết, ở TP.HCM cũng có các quán cà phê nhỏ được mở ra với mục đích tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật mà cụ thể là người khiếm thính. Tuy quy mô không thể so sánh dược với nước ngoài nhưng cũng cho thấy được một phần sự quan tâm của cộng đồng đối với họ.

Nếu tác giả nhìn thấy ở Singapore đoàn trẻ em mắc hội chứng Down được đưa đi tham quan du lịch thì tại sao không thử "nghía" qua nước mình để biết là các trung tâm khuyết tật ở Việt Nam vẫn thường có các buổi cắm trại, sinh hoạt, đưa các em đi hòa nhập với thiên nhiên...?

Thật sự, tôi xin được lên tiếng nói rằng xã hội đã cố gắng hết sức để bù đắp lại những mất mát, thiếu thốn của những con người bất hạnh ấy. Có thể sự bù đắp đó là không bao giờ là đủ nhưng nó cũng không hề vô nghĩa.

Thật ra cũng không phải là sai khi nói cần phải "Xây dựng thái độ ứng xử đúng mực với người khuyết tật" nhưng nó chỉ đúng với một phần ít, rất ít trong xã hội Việt Nam ngày nay mà thôi. Và tôi cũng đồng ý với việc là hãy xem đó là một nét văn hóa chứ đừng coi là một việc làm từ thiện.

Tuy nhiên, cũng xin tác giả hãy nhìn nhận một cách khách quan, tích cực và rộng hơn về con người cũng như xã hội Việt Nam ta ngày nay đối với những con người bất hạnh ấy. Xin đừng rũ bỏ tất cả những tình cảm, sự sẻ chia mà chúng tôi đã giành cho họ...!

VÕ THỊ HẢI VÂN, SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn

TRẦN THANH LÝ(P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên