14/04/2022 11:37 GMT+7

'Xăng dầu giảm nhỏ giọt, làm sao giảm giá cước?'

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - 'Lúc tăng thì 1.447 đồng/lít nhưng giảm chỉ 700 đồng/lít, rất khó cho các doanh nghiệp cân đối chi phí giảm cước', doanh nghiệp vận tải chia sẻ.

Xăng dầu giảm nhỏ giọt, làm sao giảm giá cước? - Ảnh 1.

Dù giá xăng dầu đã giảm nhưng giá cước vận chuyển vẫn chưa thay đổi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong 3 kỳ điều hành liên tiếp sau một thời gian tăng nóng theo giá thế giới nhưng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho rằng chưa thể giảm giá cước với lý do giá cước chỉ tăng nhẹ, trong khi giá xăng dầu vẫn đang neo ở mức cao.

Đây là khẳng định của một số doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn tại TP.HCM khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-4 về khả năng giảm giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm lần thứ 3 liên tiếp, trong đó giá xăng E5 RON 92 chỉ còn 26.470 đồng/lít, xăng RON 95 còn 27.310 đồng/lít và dầu diesel giảm về 24.380 đồng/lít. 

Theo các doanh nghiệp, mức giảm giá xăng dầu chưa đến ngưỡng để doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước vận tải.

Ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP.HCM) - cho biết giá xăng giảm nhưng giá dầu còn neo ở mức cao, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước chứ chưa thể điều chỉnh giảm ngay lập tức. 

Theo ông Thành, nhiều khách hàng nghe giảm giá xăng sẽ thắc mắc vì sao chưa giảm giá cước, trong khi hầu hết các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là xe đầu kéo, đều sử dụng nhiên liệu là dầu. "Ở kỳ điều chỉnh ngày 1-4, giá dầu tăng mạnh lên 1.447 đồng/lít nhưng nay điều chỉnh giảm 700 đồng/lít, rất khó cho các doanh nghiệp cân đối chi phí giảm cước", ông Thành nói.

Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết đặc điểm xe container sử dụng nhiên liệu dầu và dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí trên cước vận chuyển. Trước đây, mỗi chuyến xe hết khoảng 1 triệu đồng chi phí, trong đó chi phí cho dầu chiếm 350.000 đồng. Tính từ tháng 6-2021 đến nay, giá dầu đã tăng hơn 50%, tương ứng với tiền dầu lên tới hơn 500.000 đồng trên 1 cuốc xe. 

"Trong khi đó, việc tăng giá cước vận tải rất khó khăn, chẳng hạn như Kim Phát chỉ tăng 5-7% giá cước, chủ yếu bù chi phí chứ không dám nghĩ sẽ có lợi nhuận nhiều ở thời điểm này", ông Thanh cho biết.

Tương tự, một doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường dài Bắc - Nam cho hay mỗi chuyến xe container chở hàng từ TP.HCM - Hà Nội và ngược lại, giá cước đang dao động ở mức 33 - 34 triệu đồng, tăng rất mạnh so với mức 19 triệu đồng trước đây do giá dầu tăng mạnh. 

"Nghe giá xăng dầu giảm nhưng giá dầu có giảm nhiều đâu, thậm chí còn tăng nữa. Giá nhiên liệu biến động liên tục, chúng tôi chưa thể giảm giá cước được ngay", vị này nói. 

Theo ghi nhận, các app xe công nghệ cũng chưa điều chỉnh giảm giá cước với lý do "bù đắp chi phí cho tài xế".

Áp lực giá xăng, xe công nghệ bắt đầu tăng giá cước Áp lực giá xăng, xe công nghệ bắt đầu tăng giá cước

TTO - Grab sẽ tăng giá cước các loại dịch vụ từ chở khách, giao hàng, đi chợ hộ... kể từ ngày 10-3 để bù đắp chi phí vận hành do biến động về giá xăng và giá tiêu dùng trong nhiều tháng qua. Gojek và BeGroup chưa chốt kế hoạch tăng giá cước.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên